Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ chậm nói, nói lắp, song một nguyên nhân đáng báo động hiện nay đó là do gia đình thiếu sự quan tâm, ít trò chuyện với trẻ. Mặt khác nhiều gia đình chủ quan, để đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng thì gia đình mới chú ý thì đã muộn. Vậy làm thế nào để nhận biết tình trạng trẻ chậm nói, nói lắp? Trẻ chậm nói phải làm gì và đi khám ở đâu?
1. Nhận biết trẻ chậm nói như thế nào?
Trẻ chậm nói được hiểu là những trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, kém hơn so với cột mốc phát triển ngôn ngữ tại từng giai đoạn, độ tuổi của trẻ, cụ thể như sau:
- Trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi:
- Trẻ 2 tháng tuổi không có phản ứng khi cha mẹ cười đùa.
- Trẻ 4 tháng tuổi không quay đầu lại khi nghe thấy các âm thanh.
- Trẻ 6 tháng tuổi không biết tự cười.
- Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi:
- Trẻ 8 tháng tuổi mà không bập bẹ, ê a được một từ nào.
- Trẻ không phản ứng lại với giọng nói hoặc âm thanh to.
- Trẻ không nói được những từ như “ma ma”, “ba ba”, “măm măm”.
- Trẻ không hiểu hoặc không đáp ứng lại với những từ như “tạm biệt”, “không”.
- Trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi:
- Khi trẻ được khoảng 15 tháng tuổi mà vẫn không nói được các từ đơn.
- Trẻ không tìm cách giao tiếp với bố mẹ khi muốn điều gì đó.
- Trẻ không nói được ít nhất 6 từ khi được khoảng 18 tháng tuổi.
- Trẻ khoảng 19 - 24 tháng tuổi không dễ học hoặc bắt chước một từ mới nào.
- Trẻ từ 24 đến 25 tháng tuổi:
- Trẻ không thực hiện được theo những chỉ dẫn đơn giản của bố mẹ.
- Trẻ không ghép được hai từ để nói.
- Trẻ không nói được câu có từ 2 - 4 từ.
- Trẻ không hỏi được người khác những câu đơn giản.
Các bậc phụ huynh cần phải quan tâm đến sự phát triển của trẻ từng ngày để có thể phát hiện và tìm cách giải quyết sớm nếu trẻ gặp phải tình trạng chậm nói.
2. Trẻ em chậm nói phải làm sao?
Khi phát hiện những dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp phải tình trạng chậm nói, bố mẹ cần phải truy xét xem nguyên nhân khiến cho trẻ chậm nói là do đâu?
- Nếu tình trạng chậm nói của trẻ do những khiếm khuyết cơ thể thì cần phải đưa trẻ đi khám và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của các bác sĩ.
- Nếu trẻ bị chậm nói do tâm lý thì bố mẹ cần phải kiểm tra lại các cách thức giao tiếp hàng ngày của mình với bé.
Dưới đây là một số khuyến cáo của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý dành cho các bậc phụ huynh có con bị chậm nói tâm lý:
- Bố mẹ cần có sự điều chỉnh cách dùng từ, tốc độ giao tiếp và thời lượng giao tiếp với bé mỗi ngày.
- Cần gọi tên chính xác, ngắn gọn mọi thứ xung quanh trẻ, sao cho phù hợp với nhận thức và trí nhớ của bé.
- Bố mẹ và người thân cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa trực quan sinh động với ngôn ngữ. Có nghĩa là khi nói về cái gì đó thì sẽ chỉ tay vào thứ đó cho bé nhìn thấy, tăng cường giao tiếp bằng mắt với bé.
- Cần thay đổi vật dụng, môi trường tập nói để tạo sự hứng thú tương tác cho bé.
- Đặc biệt, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ xem tivi quá nhiều. Phụ huynh nên cùng ngồi xem tivi với trẻ, cùng bình luận về các tình tiết, nhân vật và hội thoại để giúp trẻ xây dựng phản xạ ngôn ngữ.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên cho trẻ đi khám để các bác sĩ đánh giá chính xác về tình trạng chậm nói của bé, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp, giúp trẻ nhanh chóng nói được như những trẻ cùng độ tuổi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.