Sốc tim trong nhồi máu cơ tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sốc tim. Hiện nay với sự phát triển của nền y học hiện đại, việc điều trị nhồi máu cơ tim đã có nhiều tiến bộ nhưng nếu kèm theo sốc tim thì tỷ lệ tử vong vẫn ở mức cao (60 – 80%).

1. Nhồi máu cơ tim – nguyên nhân hàng đầu gây sốc tim

Sốc tim là tình trạng giảm cung lượng tim không đáp ứng được nhu cầu oxy và dinh dưỡng của các cơ quan trong cơ thể.

Chẩn đoán sốc tim bao gồm:

  • Khi không có mặt thuốc vận mạch: Huyết áp tâm thu < 80mmHg
  • Khi có mặt các thuốc vận mạch: huyết áp < 90 mmHg
  • Tình trạng huyết áp như trên kéo dài hơn 30 phút.
  • Giảm cung lượng tim không liên quan đến giảm thể tích tuần hoàn.
  • Giảm tưới máu mô
  • Thiếu niệu (nước tiểu < 30ml/giờ)
  • Co mạch ngoại vi
  • Rối loạn tâm thần

Nhồi máu cơ tim được cho là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sốc tim, đặc biệt là trường hợp nhồi máu trước rộng khi có một vùng cơ tim lớn bị hoại tử. Ngoài ra có thể có một số nguyên nhân khác như: Đứt dây chằng trong nhồi máu cơ tim dẫn đến hở van 2 lá cấp, thủng vách liên thất cấp trong NMCT, viêm cơ tim cấp, rối loạn nhịp nặng, bệnh van tim nặng, cơ tim giãn giai đoạn cuối, sau mổ tim phổi nhân tạo,...

Những người có tiền sử nhồi máu cơ tim, người già, người mắc bệnh đái tháo đường, xơ vữa nhiều mạch, mạch máu não,... có nguy cơ cao gặp sốc tim khi nhồi máu cơ tim.

Tỷ lệ bệnh nhân bị sốc tim trong nhồi máu cơ tim là khoảng 10% tổng số bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Khi số lượng cơ tim bị nhồi máu chiếm đến 35 – 45% thì dẫn đến sốc tim. Sốc tim thường xảy ra vào 2 ngày đầu tiên phát bệnh.


Người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ sốc tim khi nhồi máu cơ tim
Người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ sốc tim khi nhồi máu cơ tim

2. Một số dấu hiệu thường gặp khi sốc tim

Khi bị sốc tim, người bệnh thường có dấu hiệu như xanh tái, đau ngực, khó thở, buồn nôn và ói mửa, da lạnh, nổi vân tím, tụt huyết áp, mạch đập nhanh, vã mồ hôi, ngất, rối loạn tâm thần, lú lẫn mất định hướng hoặc thờ ơ với ngoại cảnh...

Nếu trước đó bệnh nhân có tiền sử suy tim thì có thể xảy ra rối loạn nhịp tim, nhanh chậm bất thường, phù ngoại vi và tĩnh mạch cổ nổi phồng.

Khi được thăm khám lâm sàng, có thể xuất hiện bóng tim to trên phim chụp X-quang và gan to, tiếng tim nghe mờ,...

3. Các biện pháp xử trí kịp thời

Bệnh nhân sốc tim cần nhanh chóng được xác định tình trạng và điều trị tại khoa cấp cứu hoặc khoa tim mạch, điều trị tích cực. Có thể để bệnh nhân thở qua đường mũi nếu tự thở tốt, ngược lại bệnh nhân bị suy hô hấp nặng hay rối loạn nhịp thở thì cần đặt nội khí quản.

Thiết lập đường truyền tĩnh mạch và đặt catheter tĩnh mạch để theo dõi áp lực động mạch phổi cũng như cung lượng tim của người bệnh. Thể tích tuần hoàn và rối loạn nhịp tim cần được kiểm soát tốt.

Đối với sốc tim, theo dõi huyết động là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả của quá trình điều trị.


Thiết lập đường truyền tĩnh mạch và đặt catheter tĩnh mạch để theo dõi áp lực động mạch phổi
Thiết lập đường truyền tĩnh mạch và đặt catheter tĩnh mạch để theo dõi áp lực động mạch phổi

4. Điều trị sốc tim khi nhồi máu cơ tim

4.1 Điều trị nội khoa

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị sốc tim trong nhồi máu cơ tim là:

  • Dobutamine: Là loại thuốc được dùng nhiều nhất trong điều trị sốc tim, có vai trò giúp làm tăng nhịp tim và tăng sức co bóp của cơ tim. Thuốc được chỉ định khi huyết áp > 80mmHg.
  • Thuốc giãn mạch: Thuốc có tác dụng làm giãn mạch, từ đó giảm tiền gánh và hậu gánh cho tim, đặc biệt tốt khi bị NMCT cấp hoặc suy tim cấp kèm theo. Tuy nhiên, thuốc chỉ được dùng khi huyết áp đã được duy trì ở mức ổn định.
  • Thuốc trợ tim: Với các trường hợp NMCT cấp có sốc tim không nên dùng digitalis vì có thể gia tăng nguy cơ loạn nhịp dẫn đến tử vong. Digitalis chỉ được khuyến cáo dùng trong các trường hợp suy tim do bệnh cơ tim hoặc van tim.

4.2 Điều trị nguyên nhân

Nếu sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp gây ra thì biện pháp cần thiết ngay lúc này là việc tái tưới máu động mạch vành bằng cách sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, hoặc can thiệp động mạch vành qua da, thậm chí tiến hành phẫu thuật làm cầu nối chủ - vành.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây sốc tim mà có biện pháp điều trị khác nhau:

Bên cạnh đó, một số trường hợp sốc tim cần tiến hành chạy máy tim phổi nhân tạo (Hemopump) để cấp cứu kịp thời cho hiệu quả tốt hơn.


Bạn có thẻ đăng ký gói sàng lọc tim mạch tai Vinmec, giúp phát hiện sớm bệnh lý tim mạch
Bạn có thẻ đăng ký gói sàng lọc tim mạch tai Vinmec, giúp phát hiện sớm bệnh lý tim mạch

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe