Tìm hiểu thông tin về chứng Cryoglobulin máu

Người bệnh nếu thấy xuất hiện các bất thường khi xét nghiệm chức năng gan, bệnh tim, bệnh thận, phổi hay chỉ đơn giản là đau bụng thì cần phải chẩn đoán dựa trên bệnh cảnh lâm sàng và đặc biệt là phản ứng huyết thanh dương tính với Cryoglobulin.

1. Cryoglobulin là gì?

Cryoglobulin máu (cryoglobulinemia) là sự có mặt của Cryoglobulin trong huyết thanh của người bệnh. Cryoglobulin là những phức hợp miễn dịch kết tủa ở nhiệt độ thấp và được lắng đọng ở nội mạc. Ở cơ thể người thì Cryoglobulin có thể làm tổn thương các cơ quan thông qua việc làm tăng độ nhớt của máu hoặc gây phản ứng miễn dịch, Cryoglobulin cũng là nguyên nhân của viêm mạch trong những cơ quan như thận, da, thần kinh ngoại biên. Tùy vào loại bệnh và phạm vi ảnh hưởng mà có những biểu hiện đa dạng như ban xuất huyết, đau khớp, yếu.

Theo thống kê thì Cryoglobulin máu hỗn hợp đã xuất hiện khoảng 1 trên 100.000 người, bệnh khá phổ biến ở miền nam Châu Âu với người bệnh trong độ tuổi từ 40 - 60 tuổi và ở nữ giới nhiều hơn nam giới

Kể từ khi virus viêm gan C được phát hiện thì đã ghi nhận nguyên nhân ở hơn 90% cryoglobulinemia hỗn hợp. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra do di truyền hoặc sau khi người bệnh tiêm phòng vắc xin, đặc biệt là vắc xin kháng phế cầu khuẩn.

2. Phân loại cryoglobulin máu

Theo phân loại của Brouet thì dựa vào thành phần Cryoglobulinemia có thể phân thành:

  • Typ I: Các cryoglobulin sẽ được tạo thành bởi các KT đơn dòng (thường là IgG hoặc IgM hiếm khi là IgA). Thể này thường thấy trong những bệnh nhân đa u tủy xương, hội chứng Waldenstrom và một số các bệnh khác...
  • Typ II: Mixed cryoglobulin, là sự có mặt của 1 KT đa dòng kết hợp với một KT đơn dòng cùng với sự hoạt động của yếu tố dạng thấp: 90% có HCV.
  • Typ III: Mixed cryoglobulin, lúc này, các globulin miễn dịch đều là kháng thể đa dòng: Thường phối hợp với các bệnh hệ thống.

Phân loại cryoglobulin máu theo 3 typ
Phân loại cryoglobulin máu theo 3 typ

3. Triệu chứng thường gặp của chứng cryoglobulin máu

Thông thường, chứng Cryoglobulinemia type I thường xuất hiện các triệu chứng như:

  • Người bệnh bị xuất huyết võng mạc.
  • Huyết khối động mạch.
  • Xanh tím đầu chi.
  • Hiện tượng Raynaud nặng.

Trường hợp Cryoglobulinemia type II và type III có các triệu chứng như:

  • Bị viêm cầu thận do phức hợp miễn dịch.
  • Người bệnh bị đau và viêm khớp ở vị trí như khớp đầu gối, khớp bàn ngón, mắt cá chân.
  • Tổn thương mạch dạng xuất huyết.

Một số các triệu chứng của chứng Cryoglobulinemia theo tần suất giảm dần có thể là:

  • Xuất hiện các triệu chứng ở da như hoại tử ngoại biên, xuất huyết.
  • Bệnh khớp
  • Đau bụng
  • Bệnh thận
  • Triệu chứng thần kinh như đau thần kinh ngoại biên.
  • Khô mắt miệng
  • Sưng mặt
  • Xuất huyết

Hình ảnh thực tế trên bệnh nhân mắc chứng Cryoglobulinemia
Hình ảnh thực tế trên bệnh nhân mắc chứng Cryoglobulinemia

4. Chứng Cryoglobulin máu có thể đi kèm các bệnh liên quan nào?

Cryoglobulin máu là chứng có thể đi kèm một số bệnh lý khác thuộc các nhóm bệnh truyền nhiễm, ung thư hoặc rối loạn tự miễn, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là viêm gan C.

Đa số trường hợp Cryoglobulinemia xuất hiện với các bệnh lý cụ thể sau:

Đối với type I thì có:

Type II và III thì có:

  • Bệnh bạch cầu lympho mạn tính.
  • Rối loạn tự miễn như hội chứng Sjogren, lupus ban đỏ hệ thống (SLE), viêm khớp dạng thấp.
  • Bệnh truyền nhiễm như viêm gan E, viêm gan C, HIV,...

Bệnh đa u tủy xương
Bệnh đa u tủy xương

5. Điều trị chứng Cryoglobulin máu như thế nào?

Theo lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa thì những người mắc chứng Cryoglobulin máu nên tránh làm việc hoặc sống trong môi trường lạnh. Mục tiêu điều trị bệnh là làm hạn chế kết tủa của cryoglobulin và viêm, điều trị bệnh lý đi kèm (như viêm gan C) và phòng tránh tái phát.

Kế hoạch và phác đồ điều trị Cryoglobulinemia sẽ phụ thuộc vào từng loại bệnh, mức độ bệnh và nguyên nhân đi kèm. Trường hợp bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng thì bác sĩ có thể đề nghị theo dõi cẩn trọng mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị tổn thương thận hoặc thần kinh thì sẽ phải có phác đồ điều trị cụ thể. Những người có triệu chứng đau khớp và mệt mỏi thì có thể sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)...

Ngoài ra, liệu pháp thay thế huyết tương cũng được sử dụng trong trường hợp người bệnh có biến chứng nguy hiểm và đe dọa tính mạng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe