Phân biệt vàng da sinh lý và vàng da do teo đường mật ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Vàng da sinh lý là dấu hiệu hay gặp ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân là do hiện tượng hồng cầu vỡ, chức năng chuyển hóa bilirubin của gan chưa hoàn thiện. Tuy nhiên nếu vàng da do teo đường mật có thể gây biến chứng nghiêm trọng và để lại di chứng về tâm thần, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì vậy, cần phân biệt vàng da sinh lý và vàng da do teo đường mật để có biện pháp xử trí kịp thời.

1. Phân biệt vàng da sinh lý và vàng da do teo đường mật

1.1. Vàng da do teo đường mật

Teo đường mật là một bệnh lý tắc đường mật trong hoặc ngoài gan hoặc toàn bộ đường mật, là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vàng da do tắc mật ở trẻ sơ sinh. Đây là một bệnh bẩm sinh mà nguyên nhân chưa được biết rõ.

Khi bị bệnh teo đường mật bẩm sinh trẻ có nguy cơ tử vong trước 1 tuổi nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Teo đường mật bẩm sinh là một bệnh lý hiếm gặp, bệnh nhân có thể chỉ bị teo đường mật trong gan nhưng cũng có trường hợp teo cả đường mật ngoài gan.

Triệu chứng của bệnh teo đường mật gồm:

  • Vàng da, củng mạc mắt vàng, có biểu hiện từ sau đẻ và tồn tại liên tục từ ngày 15 sau đẻ (trong một số trường hợp, phân có màu xanh, vàng của mật ở những ngày đầu sau đẻ, điều này gợi ý tắc đường mật không hoàn toàn ngay sau đẻ). Tuy nhiên, mức độ vàng da vàng mắt và mức độ thay đổi màu sắc của phân phụ thuộc vào tình trạng teo đường mật;
  • Phân trắng bạc màu hoàn toàn hoặc có thể vàng nhạt. Nếu cho phân vào một gạc trắng sạch thì sau khi dịch trong phân thấm hết vào gạc, thấy bã phân còn lại có màu trắng đục. Tùy theo mức độ teo đường mật mà phân trẻ có màu trắng như phân cò (còn gọi là phân sống), màu trắng xám như đất sét hay có màu vàng nhạt;
  • Nước tiểu màu vàng liên tục, gây thấm màu vàng ra băng vệ sinh hoặc vải trải giường. Tã hay quần áo của trẻ khó có thể được giặt sạch;
  • Khám bụng: thấy gan to, chắc ở các mức độ khác nhau tùy thời gian bị bệnh. Lách có thể to. Có thể có tuần hoàn bàng hệ ở da bụng: các tĩnh mạch giãn nổi lên dưới da bụng, bụng trướng to vì có dịch cổ trướng. Chảy máu dưới da thành từng chấm hoặc mảng xuất huyết khi có xơ gan.

Cần lưu ý hội chứng vàng da do ứ mật đôi khi kết hợp với nhiễm khuẩn nước tiểu do E. coli: nếu sau điều trị kháng sinh hết nhiễm khuẩn đường tiết niệu nhưng hội chứng ứ mật vẫn tồn tại liên tục thì phải nghĩ tới khả năng teo đường mật.

Nếu không được điều trị hoặc điều trị không kết quả thì tiến triển nặng dần dẫn tới viêm gan, xơ gan - tăng áp lực tĩnh mạch cửa rồi suy gan, trẻ thường chết lúc 1 - 2 tuổi.

1.2. Vàng da sinh lý


Vàng da sinh lý
Vàng da sinh lý

Vàng da sinh lý có thể ở mức độ nhẹ. Với trẻ đủ tháng, bình thường vàng da được coi là hiện tượng sinh lý khi xuất hiện sau 24 giờ tuổi, và thường xuất hiện từ ngày thứ 3 - 5 sau đẻ và sẽ biến mất trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ non tháng.

Triệu chứng của vàng da sinh lý:

  • Mức độ vàng da nhẹ là chỉ vàng da đơn thuần ở những vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn, vàng nhạt dần;
  • Thể trạng trung bình thường, không kèm theo các triệu chứng bất thường khác (thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ...);
  • Nồng độ Bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ thiếu tháng. Tốc độ tăng Bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ;
  • Ngoài ra, nước tiểu của trẻ sơ sinh có màu tối hoặc màu vàng (nước tiểu của trẻ sơ sinh thường không màu) và phân nhạt màu.

Hiện tượng vàng da sinh lý xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh vì các bé có lượng tế bào hồng cầu cao, các tế bào này thường xuyên bị phá vỡ và được thay mới. Trong khi đó, gan của trẻ lại chưa đủ trưởng thành để lọc bỏ hết Bilirubin khỏi máu, gây nên vàng da. Khi trẻ được khoảng 2 tuần tuổi, gan đã phát triển đầy đủ hơn và đủ sức xử lý Bilirubin nên bệnh vàng da sẽ tự khỏi mà không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào.

2. Trẻ vàng da khi nào cần đưa đi khám?

  • Vàng da xuất hiện sớm trước 48 giờ tuổi;
  • Vàng toàn thân, vàng đến cả lòng bàn tay, lòng bàn chân;
  • Vàng da kéo dài hơn 1 tuần đối với trẻ đủ tháng, trên 2 tuần với trẻ non tháng;
  • Trẻ bị vàng da kèm các dấu hiệu bất thường khác như bú kém, co giật, sốt, phân bạc màu;

Để nhận định được đúng dấu hiệu vàng da sinh lý ở trẻ nhỏ yêu cầu cần bộc lộ vùng da của trẻ dưới ánh sáng tự nhiên là tốt nhất hoặc ánh sáng trắng. Do vậy, các bà mẹ cần quan sát màu sắc da của con mình hàng ngày dưới ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng đèn trắng để phát hiện sớm dấu hiệu vàng da.

3. Cách chẩn đoán teo đường mật ở trẻ sơ sinh


Cách chẩn đoán teo đường mật ở trẻ sơ sinh
Cách chẩn đoán teo đường mật ở trẻ sơ sinh

Hiện nay, trong điều kiện của nước ta, siêu âm là phương pháp có giá trị chẩn đoán bệnh lý teo đường mật bẩm sinh:

  • Nếu teo đường mật ngoài gan hoặc ống gan chung thì siêu âm đường mật ngoài gan không thấy, đường mật trong gan không thấy hoặc giãn, túi mật không thấy hoặc teo nhỏ, kích thước túi mật không thay đổi lúc đói, sau bú sữa mẹ 5 phút và 45 phút;
  • Nếu teo phần cuối ống mật chủ thì siêu âm thấy một phần đường mật ngoài gan giãn, có thể thấy đường mật trong gan giãn, thấy được túi mật.

Ngoài ra, còn có thể chẩn đoán teo đường mật bằng cách tiến hành chụp xạ hình gan. Đây là xét nghiệm có giá trị chẩn đoán cao, cần chỉ định làm sớm để có chẩn đoán chính xác, phục vụ cho phẫu thuật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe