Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Văn Lộc - Bác sĩ Gây mê - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có hơn 23 năm kinh nghiệm công tác gây mê hồi sức.
Cơ hoành là một lớp cơ mỏng, ngăn cách hai phần ngực và bụng. Khi các tạng trong ổ bụng hiện diện trong lồng ngực thì được gọi là thoát vị hoành. Thoát vị cơ hoành ở người lớn là bệnh không thường gặp, khi mắc cần can thiệp sớm để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.
1. Thoát vị cơ hoành là gì?
Cơ hoành là một cơ vân dạng dẹt, ngăn cách giữa lồng ngực và ổ bụng. Đây là lớp cơ đóng vai trò quan trọng trong hô hấp; khi hít vào, lồng ngực phồng to ra, cơ hoành hạ xuống, ép các tạng trong ổ bụng; ngược lại, khi thở ra, cơ hoành nâng lên, giúp phổi tống thể tích khí cặn ra ngoài. Cơ hoành được chi phối vừa bởi hệ thần kinh tự chủ, vừa bởi ý thức của con người.
Thoát vị hoành xảy ra khi một hoặc nhiều cơ quan trong ổ bụng di chuyển lên trên, vào trong lồng ngực thông qua bất kỳ một khiếm khuyết nào trên bề mặt cơ hoành. Ở trẻ em, khiếm khuyết này có thể xảy ra ngay từ khi mới chào đời, gọi là thoát vị hoành bẩm sinh. Ở người lớn, thoát vị hoành thường do mắc phải. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào, nếu thoát vị cơ hoành xảy ra cấp tính, các tạng bên dưới đi vào trong khoang lồng ngực, chèn ép tim, phổi gây ảnh hưởng hô hấp đều cần phẫu thuật cấp cứu để đảm bảo tính mạng.
2. Nguyên nhân của thoát vị cơ hoành ở người lớn là gì?
Khác với thoát vị hoành bẩm sinh ở trẻ nhỏ, là do sự phát triển bất thường của cơ hoành trong thời kỳ bào thai, thoát vị hoành ở người lớn là do mắc phải. Đây thường là hệ quả của các chấn thương kín hoặc hở trực tiếp hay gián tiếp vào lồng ngực, ổ bụng.
Các chấn thương kín có thể xảy ra trong các sinh hoạt hằng ngày như tai nạn giao thông, té ngã. Mặt khác, chấn thương xuyên thấu có ảnh hưởng đến cơ hoành thường là do vũ khí như vết dao đâm hoặc bắn súng. Tuy nhiên, trong các quá trình phẫu thuật ở ổ bụng hoặc lồng ngực, biến chứng thoát vị cơ hoành cũng có thể xảy ra.
Dù là nguyên nhân nào thì nhìn chung, rất hiếm khi thoát vị hoành mắc phải mà không có lý do. Trong các trường hợp này, chẩn đoán có thể không được phát hiện trong một thời gian dài cho đến khi thoát vị cơ hoành đã trở nên đủ để gây ra các triệu chứng
Thoát vị hoành thường không xác định được nguyên nhân chính xác. Thông thường, thực quản đi vào dạ dày của bạn thông qua một khe hở trong cơ hoành. Thoát vị hoành xảy ra khi các mô cơ bắp xung quanh khe hở này trở nên yếu đi.
Có thể nguyên nhân của thoát vị cơ hoành có thể gây ra bởi:
- Tổn thương khu vực cơ hoành;
- Được sinh ra với một khe hở lớn bất thường ở dạ dày (khuyết tật bẩm sinh);
- Áp lực liên tục và dữ dội vào các cơ bắp xung quanh, chẳng hạn như khi ho, nôn mửa hoặc căng thẳng trong thời gian đi cầu, hoặc trong khi nâng vật nặng.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc thoát vị hoành?
Có một vài yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thoát vị cơ hoành do áp lực ở bụng tăng như: béo phì, mang thai, ho, táo bón lâu dài, thắt bụng khi đại tiện hay bị thương ở bụng. Ngoài ra độ tuổi trên 50 tuổi cũng có nguy cơ mắc thoát vị hoành cao hơn bình thường.
3. Các triệu chứng của thoát vị cơ hoành như thế nào?
Mức độ biểu hiện của các triệu chứng trong thoát vị cơ hoành ở người lớn rất đa dạng. Sự khác nhau là do tùy thuộc vào kích thước, nguyên nhân và các tạng liên quan.
Khó thở là triệu chứng có tỷ lệ rất thường gặp nhưng đặc điểm lại mơ hồ. Đôi khi người bệnh mô tả khó thở xảy ra từng cơn, không rõ hoàn cảnh khởi phát và tự thuyên giảm hay có khi lại liên quan với bữa ăn, khi nằm xuống. Bên cạnh đó, đôi khi người bệnh được phát hiện thoát vị cơ hoành một cách tình cờ khi khám thấy tần số thở, nhịp tim nhanh hơn bình thường, kể cả trong lúc nghỉ ngơi; làn da, màu môi thâm tím; nghe phổi thấy phế trường thu hẹp. Đây là đặc điểm khó thở trong các trường hợp thoát vị hoành mức độ nhẹ và tiến triển từ từ. Đối với các trường hợp thoát vị cơ hoành do chấn thương, nếu vùng khiếm khuyết cơ hoành lớn, các tạng từ ổ bụng tràn vào lồng ngực, người bệnh khó thở dữ dội, đôi khi gây nguy kịch hô hấp và tử vong.
Ngoài các triệu chứng của hệ hô hấp như trên, người bệnh còn có thể có rối loạn tiêu hóa kiểu cơ năng như ăn ít, chán ăn, dễ buồn nôn hay nôn ói, thường xuyên có cảm giác đầy hơi, chướng bụng. Khám nghe thấy âm của nhu động ruột nằm cao trong lồng ngực. Các trường hợp hiếm gặp là người bệnh nhập viện trong bệnh cảnh tắc ruột do đau bụng dữ dội khi một quai ruột thoát vị qua cơ hoành và mắc kẹt lại.
4. Cách chẩn đoán thoát vị cơ hoành ở người lớn
Nếu như thoát vị hoành bẩm sinh có thể được phát hiện ngay cả trước khi em bé chào đời, thoát vị cơ hoành ở người lớn chỉ được nghĩ tới sau chấn thương nặng vùng ngực - bụng hay đôi khi cần dựa vào một bệnh sử tỉ mỉ được khai thác lâu dài.
Các hình ảnh học thường được chỉ định để chẩn đoán thoát vị cơ hoành là:
- Siêu âm: sử dụng sóng âm để mô tả hình ảnh cấu trúc các tạng trong khoang ngực và bụng.
- Chụp X-quang: dấu hiệu mất liên tục vòm hoành, hiện diện mực nước hơi của quai ruột trong lồng ngực
- Chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ: các phương tiện hình ảnh này có khả năng phát hiện thoát vị hoành rất tốt, nhất là lỗ thoát vị nhỏ, kín đáo.
5. Thoát vị hoành được điều trị như thế nào?
Đối với thoát vị hoành xảy ra sau chấn thương, bệnh nhân rơi vào suy hô hấp cấp, nguy kịch tính mạng thì thường phải được phẫu thuật khẩn cấp. Phẫu thuật viên sẽ sắp xếp lại các cơ quan từ lồng ngực và đặt trở vào ổ bụng. Sau đó, sửa chữa cơ hoành sẽ được thực hiện kế tiếp. Đối với các trường hợp thoát vị hoành sau chấn thương nhưng mức độ không quá nặng nề, bệnh nhân sẽ được ưu tiên ổn định các vấn đề khác trước như hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, kiểm soát chảy máu,... trước khi phẫu thuật sửa chữa cơ hoành.
Trái lại, nếu bệnh nhân đi khám vì khó thở và chẩn đoán thoát vị hoành, nếu khối thoát vị không có nguy cơ kẹt lại thì sẽ được sắp xếp phẫu thuật theo chương trình. Nếu khối thoát vị có miệng hẹp, nguy cơ hẹp rất cao, cần phẫu thuật sớm. Mặt khác, nếu khối thoát vị hoành đã kẹt, có dấu hiệu hoại tử ruột, bệnh nhân cũng có chỉ định can thiệp khẩn, tránh để khối thoát vị vỡ ra, nguy cơ nhiễm trùng trung thất và cả phúc mạc rất cao.
Cho đến nay, không có cách nào để phòng ngừa thoát vị hoành. Chủ yếu là nhờ vào tính cẩn trọng khi sinh hoạt trong đời sống, như lái xe tập trung và luôn luôn thắt dây an toàn, tuyệt đối không lái xe khi uống rượu hay sử dụng các chất kích thích; sử dụng bảo hộ trong lao động cũng như khi chơi các môn thể thao dễ gây chấn thương, thận trọng khi dùng các vật sắc nhọn, chẳng hạn như dao và kéo, tránh xung đột, mâu thuẫn gây ẩu đả, đánh nhau...
Nói tóm lại, thoát vị hoành là khi các tạng trong ổ bụng đi vào lồng ngực và chẩn đoán này ở người lớn rất dễ xác định nếu triệu chứng nặng nề và ngược lại, sẽ khó khăn nếu bệnh sử khó thở mơ hồ. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào thì cách điều trị đều là phẫu thuật sửa chữa cơ hoành. Do đó, cần phát hiện sớm để can thiệp kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ , hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.