Nhổ răng là chỉ định cuối cùng trong nha khoa để loại trừ những chiếc răng bị tổn thương không còn khả năng khôi phục được hoặc cho mục đích chỉnh nha như niềng răng. Vì vậy trong một số trường hợp xét nghiệm máu nhổ răng là cần thiết để xác định tình trạng huyết học của người bệnh, tránh các biến chứng không đáng có.
1. Nhổ răng có cần xét nghiệm máu không?
Không phải tất cả các trường hợp nhổ răng đều cần xét nghiệm máu. Với các trường hợp đơn giản như nhổ răng sâu, răng sữa, nhổ răng trước niềng mà bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh thì có thể không cần xét nghiệm máu. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp bắt buộc phải xét nghiệm máu trước khi nhổ răng gồm có:
- Nhổ răng khó như răng khôn, răng mọc ngầm
- Bệnh nhân có tiền căn bệnh huyết học, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, bệnh dị ứng (hen suyễn), lao hoặc đái tháo đường, giang mai,...
- Bệnh nhân đang mắc các bệnh lây nhiễm như: viêm gan B, HIV hay AIDS,...
Lúc này xét nghiệm máu khi nhổ răng có thể giúp xác định tình trạng sức khoẻ của người bệnh có đủ điều kiện thực hiện thủ thuật nhổ răng không, cụ thể như sau:
- Xác định tình trạng sinh lý máu để biết bệnh nhân có bị khó đông máu không, trang bị các biện pháp xử trí biến chứng không cầm máu kịp thời
- Kiểm tra các bệnh lý cơ thể như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường trước khi nhổ răng
- Phòng tránh lây nhiễm các bệnh lý như AIDS, viêm gan B
2. Xét nghiệm máu để nhổ răng có cần nhịn ăn không?
Hầu hết các xét nghiệm máu đều yêu cầu phải nhịn ăn trước đó vì các khoáng chất như đạm, đường, chất béo, vitamin,... có thể gây ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm. Không chỉ riêng thức ăn mà tất cả các loại nước uống có đường hoặc nước ngọt nhân tạo cần tránh trước khi xét nghiệm máu. Bạn chỉ nên uống nước lọc để tránh làm cơ thể mất nước. Các loại rượu, bia, thuốc lá, cà phê cần tránh sử dụng ít nhất 24 giờ trước xét nghiệm.
3. Một số lưu ý khi nhổ răng
Như đã đề cập, việc nhổ răng là giải pháp cuối cùng được nha sĩ chỉ định nhằm loại bỏ nguyên nhân gây tổn thương cho răng miệng của bạn. Tuy là ca điều trị nha khoa đơn giản, ít gây đau nhức nhờ có thuốc tê nhưng việc chăm sóc sau nhổ răng là cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng tới thời gian lành thương giúp cơ thể sớm quay lại trạng thái bình thường. Sau khi nhổ răng người bệnh cần lưu ý:
- Tuân thủ, thực hiện đầy đủ hướng dẫn của nha sĩ về các biện pháp giảm đau, cầm máu và uống thuốc sau nhổ răng
- Có thể chủ động làm giảm đau nhức sau khi nhổ răng khi thuốc tê hết công hiệu bằng cách chườm đá, súc miệng bằng nước muối sinh lý, uống thuốc ngay trước khi thuốc tê hết công hiệu
- Chăm sóc răng miệng kỹ càng, tránh vị trí vừa nhổ răng, không kích thích khiến vết thương lan rộng dẫn tới lâu lành hơn.
- Ăn uống nhẹ nhàng, không ăn đồ cay nóng, tránh xa cà phê, trà, thuốc lá,... các loại thực phẩm mà cơ địa dị ứng
Nhìn chung, trong một số trường hợp xét nghiệm máu nhổ răng là cần thiết để xác định tình trạng huyết học của người bệnh, tránh các biến chứng không đáng có. Các trường hợp như nhổ răng khó, bệnh nhân có tiền căn bệnh huyết học, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, bệnh dị ứng hoặc đang mắc các bệnh lây nhiễm thì bắt buộc phải xét nghiệm máu trước khi nhổ răng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.