Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị bệnh Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm bàng quang kẽ là bệnh ở bàng quang, khiến người bệnh cảm thấy đau buốt, đi tiểu nhiều lần, ảnh hưởng tới công việc và sinh hoạt của người bệnh.
1. Viêm bàng quang kẽ là gì?
Viêm bàng quang kẽ là một tình trạng mãn tính gây ra áp lực bàng quang, đau bàng quang và đôi khi bạn sẽ cảm thấy đau vùng chậu. Cơn đau dao động từ khó chịu đến đau dữ dội.
Bàng quang của bạn là một cơ quan rỗng, nơi lưu trữ nước tiểu. Bàng quang giãn nở cho đến khi đầy và sau đó báo hiệu cho não bộ của bạn biết rằng đã đến lúc cần phải đi tiểu, thông qua các dây thần kinh vùng chậu. Điều này tạo ra sự thôi thúc đi tiểu ở hầu hết mọi người.
Với viêm bàng quang kẽ, các tín hiệu này bị lẫn lộn, bạn sẽ cảm thấy cần đi tiểu thường xuyên hơn và với lượng nước tiểu ít hơn bình thường.
Viêm bàng quang kẽ thường ảnh hưởng đến phụ nữ và có thể có tác động lâu dài đến chất lượng cuộc sống. Mặc dù hiện nay vẫn chưa có cách điều trị, sử dụng thuốc và các liệu pháp khác có thể giúp giảm đau do viêm bàng quang kẽ gây nên.
2. Triệu chứng của bệnh viêm bàng quang kẽ
Bệnh nhân bị viêm bàng quang kẽ thường không có các triệu chứng bệnh giống nhau.
Nếu bạn bị viêm bàng quang kẽ, các triệu chứng của bạn cũng có thể thay đổi theo thời gian, do sự tác động của một số yếu tố khác như kinh nguyệt, ngồi trong thời gian dài, căng thẳng, tập thể dục...
Các dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân bị viêm bàng quang kẽ bao gồm:
- Đau ở xương chậu, âm hộ, hoặc khu vực sau âm đạo ở phụ nữ
- Đau ở bìu, tinh hoàn, dương vật hoặc khu vực sau dương vật ở nam giới
- Đau vùng chậu mãn tính
- Nhu cầu đi tiểu nhiều lần, mót tiểu phải đi ngay
- Đau vùng bụng dưới
- Đau niệu đạo
- Đau lưng dưới
- Đi tiểu thường xuyên, thường với số lượng nhỏ, suốt cả ngày và đêm (tối đa 60 lần một ngày)
- Đau hoặc khó chịu trong khi bàng quang căng đầy và giảm đau sau khi đi tiểu.
- Đau khi quan hệ tình dục
Với các bệnh nhân bị viêm bàng quang kẽ, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng bệnh khác nhau, các cơn đau có lúc âm ỉ, có lúc lại rất dữ dội. Một số người bị viêm bàng quang kẽ không có bất cứ biểu hiện nào của bệnh.
Mặc dù các dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang kẽ có thể giống với các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu bạn bị viêm bàng quang kẽ và đồng thời bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
3. Nguyên nhân gây ra viêm bàng quang kẽ
Hiện nay vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm bàng quang kẽ nhưng có khả năng do nhiều yếu tố khác nhau gây nên tình trạng này. Chẳng hạn như bạn bị viêm bàng quang kẽ cũng có sự khiếm khuyết ở lớp niêm mạc bảo vệ (biểu mô) của bàng quang. Các chất độc hại trong nước tiểu kích thích thành bàng quang thông qua sự rò rỉ trong lớp biểu mô.
Một số yếu tố khác có thể góp phần gây nên tình trạng này nhưng chưa được nghiên cứu rõ ràng, chẳng hạn như phản ứng tự miễn dịch, di truyền, nhiễm trùng hoặc dị ứng.
4. Nguy cơ mắc bệnh viêm bàng quang kẽ
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây viêm bàng quang kẽ như:
- Giới tính: viêm bàng quang kẽ thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Các triệu chứng bệnh ở nam giới có thể tương tự viêm bàng quang kẽ, nhưng chúng thường liên quan đến tình trạng viêm tuyến tiền liệt (viêm tuyến tiền liệt).
- Da và màu tóc: những người có da trắng và mái tóc đỏ thường có nguy cơ cao mắc bệnh viêm bàng quang kẽ
- Tuổi: Hầu hết những người bị viêm bàng quang kẽ được chẩn đoán trong độ tuổi 30 trở lên.
- Đau mãn tính: viêm bàng quang kẽ có thể liên quan đến rối loạn đau mãn tính khác, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích hoặc đau cơ xơ hóa.
5. Biến chứng do viêm bàng quang kẽ
Viêm bàng quang kẽ có thể gây ra một số biến chứng như:
- Giảm dung tích bàng quang: Viêm bàng quang kẽ có thể gây cứng thành bàng quang, khiến bàng quang của bạn giữ ít nước tiểu hơn
- Giảm chất lượng cuộc sống: Đi tiểu và đau thường xuyên có thể ảnh hưởng tới các hoạt động xã hội, công việc và các hoạt động khác của cuộc sống hàng ngày.
- Quan hệ tình dục bị ảnh hưởng: Đi tiểu và đau thường xuyên có thể làm căng thẳng các mối quan hệ cá nhân của bạn, quan hệ tình dục cũng bị ảnh hưởng.
- Trầm cảm: Cơn đau mãn tính và giấc ngủ bị gián đoạn liên quan đến viêm bàng quang kẽ có thể gây căng thẳng và có nguy cơ dẫn đến trầm cảm.
6. Chẩn đoán viêm bàng quang kẽ
Một số phương pháp được áp dụng để chẩn đoán viêm bàng quang kẽ như:
- Triệu chứng của bệnh: Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mô tả triệu chứng bạn có và có thể yêu cầu ghi nhật ký bàng quang với lượng nước bạn uống cùng lượng nước tiểu bạn đi.
- Khám phụ khoa: Trong khi kiểm tra vùng chậu, bác sĩ kiểm tra bộ phận sinh dục ngoài, âm đạo và cổ tử cung của bạn để đánh giá các cơ quan vùng chậu bên trong. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra hậu môn và trực tràng của bạn.
- Xét nghiệm nước tiểu: phân tích mẫu nước tiểu để phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu
- Soi bàng quang: bác sĩ sử dụng ống nhỏ có gắn camera qua niệu đạo để khám lớp niêm mạc bàng quang
- Sinh thiết: Trong quá trình nội soi bàng quang có gây mê, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô (sinh thiết) ra khỏi bàng quang và niệu đạo để kiểm tra dưới kính hiển vi. Điều này nhằm kiểm tra ung thư bàng quang và các nguyên nhân hiếm gặp khác.
- Xét nghiệm tế bào trong nước tiểu: Bác sĩ thu thập một mẫu nước tiểu và kiểm tra các tế bào để loại bỏ tế bào ung thư.
- Kiểm tra độ nhạy với kali: Bác sĩ sẽ nhỏ nước và kali clorua vào bàng quang của bạn. Bạn được yêu cầu đánh giá cơn đau và mức cấp bách trên thang điểm từ 0 đến 5 sau mỗi loại nhỏ. Nếu bạn cảm thấy đau rõ rệt hơn hoặc mắc tiểu hơn khi nhỏ dung dịch kali so với khi nhỏ nước, bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng viêm bàng quang kẽ. Những người có bàng quang bình thường không có sự khác biệt giữa nhỏ nước hay nhỏ ka-li clorua.
Bệnh viêm đường tiết niệu có thể phòng ngừa và chữa trị nếu người bệnh phát hiện sớm dấu hiệu và chủ động đi khám để điều trị. Tuyệt đối không được tự sử dụng thuốc khi chưa có chỉ thị của bác sĩ vì nó có thể khiến tình trạng bệnh tiến triển xấu, gây hậu quả không đáng có. Hiện nay, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn cung cấp các gói sàng lọc các bệnh lý về đường tiết niệu, đây là phương pháp hiệu quả giúp người bệnh có thể tầm soát bệnh lý, bảo vệ sức khỏe của chính mình. Với các bà mẹ mang thai nên thăm khám và xét nghiệm định kỳ cùng những chẩn đoán chính xác sẽ giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường và có hướng điều trị triệt để.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org