Bài viết bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Đức Thọ - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Thuốc tê tác dụng trên tất cả các sợi thần kinh trung ương (cảm giác, vận động) và thần kinh thực vật, lần lượt từ sợi bé đến sợi to tuỳ theo nồng độ của thuốc. Thứ tự mất cảm giác là đau, lạnh, nóng, xúc giác nông, rồi đến xúc giác sâu, cuối cùng là vận động. Khi hết thuốc, tác dụng hồi phục theo chiều ngược lại.
1. Định nghĩa về thuốc gây tê
Thuốc gây tê là thuốc có khả năng ức chế có hồi phục các dẫn truyền xung động thần kinh từ ngoại vi về trung ương, làm mất cảm giác (cảm giác đau, nóng, lạnh...) của một vùng cơ thể. Sử dụng liều cao, thuốc ức chế cả chức năng vận động.
2. Tác dụng của thuốc gây tê
2.1 Tác dụng tại chỗ
Thuốc tê tác dụng trên tất cả các sợi thần kinh trung ương (cảm giác, vận động) và thần kinh thực vật, lần lượt từ sợi bé đến sợi to tuỳ theo nồng độ của thuốc. Thứ tự mất cảm giác là đau, lạnh, nóng, xúc giác nông, rồi đến xúc giác sâu, cuối cùng là vận động. Khi hết thuốc, tác dụng hồi phục theo chiều ngược lại.
2.2 Tác dụng toàn thân
Tác dụng ức chế thần kinh trung ương: Xuất hiện sớm nhất với trung tâm ức chế nên gây các dấu hiệu kích thích bồn chồn, lo âu, run cơ, cơn co giật, mất định hướng. Ức chế dẫn truyền thần kinh - cơ gây nhược cơ, liệt hô hấp. Làm giãn cơ trơn do tác dụng liệt hạch và tác dụng trực tiếp trên cơ trơn.
Tác dụng trên tim - mạch: Do tác dụng làm “ổn định màng”, thuốc tê làm giảm tính kích thích, giảm dẫn truyền và giảm lực co bóp của cơ tim. Có thể gây loạn nhịp tim, thậm chí rung tâm thất. Trên mạch, hầu hết thuốc gây tê sẽ gây giãn mạch và hạ huyết áp (trừ cocain).
3. Phân loại thuốc gây tê
Thuốc tê hiện tại được xếp loại theo nhóm hóa chất cơ bản của chúng. Điển hình, thuốc tê tại chỗ được phân thành ba nhóm:
- Nhóm Esters: Bao gồm butamben picrat, procain, benzocain, chloroprocain, cocain, proparacain và tetracain. Các thuốc này là dẫn xuất của acid para- aminobenzoic
- Nhóm Amides: Bao gồm dibucain, etidocain, lidocain, bupivacain, mepivacain, prilocain và ropivacain. Các amides là dẫn xuất của anilin
- Nhóm khác: Ngoài ra còn có pyclonine và pramoxin không cùng với hai phân nhóm trên và có thể dùng cho bệnh nhân dị ứng với amides hoặc este.
Liều dùng và cách sử dụng:
3.1 Thuốc gây tê có cấu trúc ester
- Procain (Novocain)
Gây tê: Ít có tác dụng gây tê bề mặt do ít thấm qua niêm mạc, chủ yếu dùng gây tê bề sâu, gây tê tiêm thấm và thường phải phối hợp với chất co mạch để kéo dài tác dụng gây tê.
Trên thần kinh vận động: Làm giảm chức năng vận động như giảm dẫn truyền thần kinh – cơ, liều cao gây liệt cơ.
Trên thần kinh thực vật: Làm giảm chức năng thực vật như chậm nhịp tim, hạ huyết áp...
Trên tim mạch: Thuốc có tác dụng chống loạn nhịp giống quinidin do làm giảm tính hưng phấn, giảm sức co bóp và giảm dẫn truyền nội tại. Thuốc gây giãn mạch, giảm co bóp tim nên giảm huyết áp nhẹ.
Để gây tê kiểu tiêm thấm có thể dùng liều 350 – 600mg procain hydroclorid dung dịch 0,25 hoặc 0,5%.
Phong bế thần kinh ngoại vi, liều thường dùng là 500mg procain hydroclorid với dung dịch 0,5% (100ml), 1% (50ml) hoặc 2% (25ml). Có thể dùng liều tối đa 1000mg.
Để kéo dài tác dụng của procain trong những trường hợp gây tê tiêm thấm hoặc bế thần kinh ngoại vi có thể pha trộn adrenalin và dung dịch procain để cho nồng độ cuối cùng của adrenalin là 1/200000 hoặc 1/100.000.
Chỉ định khác: Phòng và điều trị lão hóa và một số bệnh tim mạch: Loạn nhịp, co thắt mạch, xơ cứng mạch, viêm mạch...
- Các thuốc khác
Benzocain: Hấp thu chậm, ít gây độc. Có thể dùng đắp trực tiếp lên vết thương, vết loét. Chế phẩm thường dùng là dạng gel, thuốc mỡ 6-20%
Tetracain: Tác dụng gây tê mạnh hơn procain khoảng 16 lần và cũng độc hơn procain khoảng 10 lần. Thuốc có thể dùng để gây tê tủy sống. Tuy nhiên do độc tính cao nên tetracain chủ yếu dùng gây tê bề mặt và phối hợp trong nước súc miệng, viên ngậm...để giảm đau, giảm ho, chống viêm.
Cocain: Có tác dụng gây tê niêm mạc mạnh và gây co mạch nên được dùng gây tê trong khoa mắt và răng miệng. Tuy nhiên do kích thích thần kinh gây ảo giác và gây nghiện nên ngày nay ít dùng.
3.2 Thuốc gây tê có cấu trúc amid
- Lidocain
Gây tê tại chỗ niêm mạc mũi, miệng, họng, khí phế quản, thực quản và đường niệu - sinh dục: Bôi trực tiếp dung dịch lidocain hydroclorid (2% - 10%). Liều tối đa an toàn để gây tê tại chỗ cho người lớn cân nặng 70 kg là 500 mg lidocain.
Gây tê từng lớp: Tiêm trực tiếp vào mô thuốc tiêm lidocain hydroclorid (0,5% - 1%); khi không pha thêm adrenalin: Liều lidocain tới 4,5 mg/kg; khi có pha thêm adrenalin: có thể tăng liều này thêm một phần ba (7 mg/kg).
Gây tê phong bế vùng: Tiêm dưới da dung dịch lidocain hydroclorid với cùng nồng độ và liều lượng như gây tê từng lớp.
Gây tê phong bế thần kinh: Tiêm dung dịch lidocain vào hoặc gần dây thần kinh hoặc đám rối thần kinh ngoại vi có tác dụng gây tê rộng hơn so với những kỹ thuật nêu trên. Ðể phong bế trong 2 - 4 giờ, có thể dùng lidocain (1% - 1,5%) với liều khuyến cáo ở trên.
Ðiều trị cấp tính loạn nhịp thất: Ðể tránh sự mất tác dụng có liên quan với phân bố, dùng chế độ liều nạp 3 - 4 mg/kg trong 20 - 30 phút, ví dụ, dùng liều ban đầu 100 mg, tiếp theo cho liều 50 mg, cứ 8 phút một lần cho 3 lần; sau đó, có thể duy trì nồng độ ổn định trong huyết tương bằng tiêm truyền 1 - 4 mg/phút, để thay thế thuốc bị loại trừ do chuyển hóa ở gan. Thời gian đạt nồng độ lidocain ở trạng thái ổn định là 8 - 10 giờ.
- Các thuốc khác
Bupivacain: Tác dụng gây tê tương tự lidocain nhưng mạnh hơn, thời gian xuất hiện tác dụng chậm và duy trì lâu hơn, có thể kéo dài tới 12 giờ nếu được kết hợp với chất co mạch adrenalin hoặc noradrenalin. Vì vậy, bupivacain thích hợp cho các phẫu thuật kéo dài. Liều cao thuốc gây giãn cơ và ức chế vận động. Chỉ định chủ yếu là gây tê dẫn truyền, gây tê tủy sống.
Mepivacain: Tác dụng gây tê tương tự lidocain nhưng không gây tê bề mặt và yếu hơn lidocain khoảng 2 lần. Tác dụng xuất hiện nhanh hơn và kéo dài hơn. Thuốc ít gây giãn tĩnh mạch nên khi gây tê có thể không cần dùng chất co mạch. Thuốc chủ yếu dùng gây tê tiêm thấm và gây tê dẫn truyền.
Etidocain: Có thời gian tác dụng kéo dài hơn lidocain 2-3 lần, hoạt tính gây tê mạnh hơn. Thường dùng gây tê tiêm thấm và gây tê dẫn truyền (không dùng gây tê tủy sống). Thuốc gây kích thích thần kinh trung ương, liều cao có thể gây co giật nên không dùng cho bệnh nhân động kinh.
4. Biến chứng có thể gặp khi sử dụng thuốc gây tê
4.1 Biến chứng toàn thân
- Biến chứng thần kinh, do thuốc ngấm vào vòng tuần hoàn với nồng độ cao, gây những biểu hiện thần kinh (buồn nôn, nôn, mất định hướng, động tác giật rung, liệt hô hấp).
- Biến chứng tim mạch, hay gặp là rối loạn dẫn truyền và loạn nhịp thất như nhịp nhanh thất và rung thất
4.2 Biến chứng cục bộ
- Do tác dụng đặc hiệu, liên quan đến kỹ thuật gây tê: Hạ huyết áp, ngừng hô hấp do gây tê tuỷ sống, tổn thương thần kinh do kim tiêm đâm phải hoặc do thuốc chèn ép.
- Do phản ứng quá mẫn hay dị ứng phụ thuộc vào từng cá thể. Thường gặp với các dẫn xuất có thay thế ở vị trí para của nhân thơm (ester của acid para aminobenzoic), loại đường nối ester (procain). Rất ít gặp với loại có đường nối amid (lidocain)A.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM