Quy trình chụp cộng hưởng từ động mạch chi trên có tiêm thuốc đối quang từ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Nguyễn Vân Anh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chụp MRI động mạch chi trên có tiêm thuốc đối quang từ thường đem lại hình chụp với độ tương phản cao, chi tiết giải phẫu tốt cho phép nhận diện các tổn thương về mặt hình thái và chức năng vùng chi trên.

1. Chụp MRI động mạch chi trên là gì?

Động mạch chi trên bắt nguồn từ động mạch dưới đòn đến động mạch nách, động mạch cánh tay, động mạch cẳng tay (động mạch quay, động mạch trụ), và tận hết ở các cung động mạch bàn tay (cung gan tay nông, cung gan tay sâu).

Chụp MRI động mạch chi trên là kỹ thuật chẩn đoán bằng hình ảnh sử dụng từ trường để đánh giá các bệnh lý động mạch chi trên (hẹp tắc động mạch, phình động mạch...). Có thể lựa chọn chụp MRI động mạch chi trên có tiêm thuốc đối quang từ hoặc không tiêm.

2. Vai trò của thuốc đối quang từ (chất tương phản)

● Cải thiện, làm rõ nét các hình ảnh.

● Giúp phân biệt được tình trạng bình thường và bất thường của cơ thể.

● Không đổi màu vĩnh viễn các cơ quan nội tạng.

● Sau khi hoàn tất chụp, cơ thể bệnh nhân sẽ tự hấp thu hoặc đào thải thuốc đối quang từ qua đường tiết niệu hoặc tiêu hóa.

Thông thường nếu chỉ chụp các chuỗi xung bình thường thì không tiêm thuốc đối quang từ cũng đủ để chẩn đoán. Tuy nhiên trong những trường hợp cần đánh giá sự cấp máu của tổn thương thì sẽ cần chụp với sự trợ giúp của thuốc đối quang theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc đối quang từ
Tiêm thuốc đối quang từ trong chụp MRI giúp hình ảnh rõ ràng hơn

3. Ưu điểm chụp MRI động mạch chi trên có tiêm thuốc đối quang từ

● Chẩn đoán không xâm lấn.

● Hình ảnh chụp đa mặt phẳng, dễ dàng hơn trong chẩn đoán.

● Độ phân giải không gian cao, độ tương phản mô cao giúp xác định được đặc tính mô.

● Thuốc đối quang từ có mức độ an toàn cao, hầu như không có tác dụng phụ

● Bệnh nhân không bị ảnh hưởng bởi tia xạ như chụp CT hay X-quang, vẫn giúp phát hiện các bất thường sau các lớp xương.

● Không ảnh hưởng bởi lưu lượng dòng chảy, hạn chế nhiễu ảnh so với chụp động mạch không tiêm thuốc đối quang từ.

4. Chỉ định và chống chỉ định

4.1 Chỉ định chụp MRI động mạch chi trên khi

● Bệnh lý động mạch chi trên: hẹp, tắc, xơ vữa, phình, bóc tách....

● Theo dõi sau điều trị, sau phẫu thuật.

● Theo chỉ định chuyên môn của bác sĩ điều trị.

4.2 Trường hợp chống chỉ định

● Người bệnh mang các thiết bị điện tử như: thiết bị bơm thuốc tự động dưới da, cấy ghép ốc tai, máy chống rung, máy điều hòa nhịp tim, Neurostimulator...

● Người mang kẹp phẫu thuật bằng kim loại trong nội sọ, hốc mắt, mạch máu<6 tháng (Nếu đã mang > 6 tháng thì cân nhắc thêm tùy vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân).

● Người bị suy thận nặng.

● Người mắc bệnh nặng cần có thiết bị hồi sức bên người.

● BN có tiền sử dị ứng thuốc đối quang từ.

suy gan cấp tính
Chụp MRI động mạch chi trên chống chỉ định với trường hợp bệnh nhân suy gan

5. Quy trình chụp MRI động mạch chi trên có tiêm thuốc đối quang từ

5.1 Chuẩn bị trước thủ thuật

5.1 Chuẩn bị trước thủ thuật

Để thực hiện chụp MRI động mạch chi trên cần chuẩn bị:

Ekip thực hiện:

Bác sĩ chuyên khoa điện quang.

Kỹ thuật viên điện quang.

Phương tiện sử dụng:

● Máy chụp mạch cộng hưởng từ 1,5 Tesla trở lên.

● Hệ thống lưu trữ hình ảnh.

● Máy in phim.

● Phim.

Vật tư sử dụng:

● Kim luồn chọc tĩnh mạch loại 18G.

● Nước muối sinh lý/ nước cất.

● Bơm tiêm 10ml.

● Gạc, bông, găng tay, băng dính vô trùng.

● Hộp sơ cứu tai biến thuốc đối quang từ.

Người bệnh cần chuẩn bị:

● Được giải thích trước về quy trình chụp để phối hợp tốt với bác sĩ.

nhịn ăn trước phẫu thuật
Bệnh nhân không cần nhịn ăn trước khi chụp MRI

● Không cần nhịn ăn.

● Chuẩn bị giấy yêu cầu chụp của bác sĩ lâm sàng, có chẩn đoán rõ ràng hoặc có hồ sơ bệnh án đầy đủ (nếu cần).

● Kiểm tra các chống chỉ định.

● Thay quần áo chuyên dụng của phòng chụp cộng hưởng từ theo hướng dẫn, tháo bỏ các vật dụng chống chỉ định.

5.2 Quy trình thực hiện

Toàn bộ chụp MRI động mạch chi trên mất khoảng 30 phút lần lượt theo các bước:

Tư thế người bệnh:

● Bệnh nhân được đặt nằm ngửa trên bàn chụp.

● Đặt đường truyền tĩnh mạch (20-18G) nối với bơm tiêm điện.

● Lắp cuộn thu tín hiệu định vị toàn thân.

● Đeo tai nghe chống ồn cho bệnh nhân (nếu cần).

Kỹ thuật chụp

● Chụp định vị các chuỗi xung giúp đánh giá hình thái và chức năng theo 3 bình diện.

● Tiêm thuốc đối quang từ bằng kỹ thuật Test bolus với tốc độ 2ml/s với liều 0,1-0,2mmol/kg Gadolinium và bơm đẩy thuốc bằng 20-30ml nước muối sinh lý (nước cất).

● Chụp chuỗi xung T1W 3D.

● Tái tạo đa bình diện (MPR) và không gian 3 chiều (VRT).

Lưu ý: Việc tiêm thuốc đối quang từ trong quá trình chụp có thể xảy ra phản ứng dị ứng (nổi mề đay, sưng họng, mẩn ngứa, buồn ói, co thắt dạ dày, nhịp tim nhanh, sốc phản vệ...) nên cần có sự chuẩn bị cấp cứu trong trường hợp tai biến.

● Kỹ thuật viên xử lý các hình ảnh chụp được, in phim, chuyển hình ảnh và dữ liệu đến trạm làm việc của bác sĩ (Hình ảnh thu được phải thấy rõ cấu trúc giải phẫu của khu vực cần thăm khám).

● Dựa trên những thông tin trên, bác sĩ phân tích tổn thương (nếu có) và đưa ra chẩn đoán.

Cẩn thận Sốc phản vệ 2 pha
Sốc phản vệ có thể xảy ra khi bệnh nhân bị dị ứng với tiêm thuốc đối quang từ

Chụp MRI động mạch chi trên hiện đang được xem là phương pháp chẩn đoán, theo dõi các bệnh lý ở động mạch chi trên (hẹp tắc động mạch, dị dạng mạch máu, phình động mạch..v..v) hiện đại và an toàn nhất tính đến thời điểm hiện nay. Nhờ có kỹ thuật này mà các bác sĩ có thể chẩn đoán, tiên lượng, định hướng điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân mắc bệnh lý động mạch, từ đó ngăn chặn được diễn tiến của bệnh và có biện pháp chủ động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

182 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan