Phục hồi chức năng trước và sau phẫu thuật ngực

Việc điều trị phục hồi chức năng trước và sau phẫu thuật ngực đóng vai trò rất quan trọng đối với việc hồi phục sức khỏe của bệnh nhân, giúp người bệnh sớm trở lại sinh hoạt như bình thường.

1. Tầm quan trọng của phục hồi chức năng trước và sau phẫu thuật ngực

1.1 Phẫu thuật ngực là gì?

Phẫu thuật ngực là phương pháp phẫu thuật mổ phanh, mở ngực để điều trị bệnh lý ở phổi, màng phổi (phẫu thuật bóc u màng phổi, phẫu thuật cắt thùy phổi,...). Phẫu thuật ngực không bao gồm phẫu thuật van tim hay các mạch máu lớn ở trung thất.

Trong phẫu thuật ngực, có 2 đường mổ thường được sử dụng là đường giữa xương ức và đường mổ sau bên lồng ngực. Đường mổ sau bên thường phải cắt một số cơ thành ngực như cơ gian sườn trong, gian sườn ngoài, cơ lưng rộng,...

1.2 Vì sao nên can thiệp phục hồi chức năng sớm?

Sau phẫu thuật, người bệnh cần được theo dõi hồi sức tim phổi, kết nối với monitor theo dõi dấu hiệu sinh tồn, các đường truyền tĩnh mạch, ống dẫn lưu ngực, sonde tiểu,... Đây là những yếu tố làm hạn chế chức năng hô hấp và chức năng vận động của bệnh nhân. Ngoài ra, tình trạng đau vết mổ, giảm thể tích hô hấp cũng làm tăng nguy cơ mắc biến chứng viêm phổi, xẹp phổi. Đặc biệt, có một số biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong thời kỳ hậu phẫu như tắc mạch phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu.

Việc can thiệp sớm phục hồi chức năng sau mổ giúp người bệnh phòng tránh được những biến chứng kể trên, giúp họ phục hồi tốt hơn chức năng hô hấp và vận động. Ngoài ra, việc chuẩn bị cho bệnh nhân trước mổ cũng cần được thực hiện tốt để quá trình phục hồi chức năng sau mổ diễn ra thuận lợi, đem lại hiệu quả cao nhất.

2. Chẩn đoán, khám bệnh trước và sau phẫu thuật ngực

2.1 Hỏi bệnh

Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh với các câu hỏi liên quan như:

  • Lý do nhập viện: Có triệu chứng đau ngực, khó thở, ho ra máu không,...;
  • Bệnh sử: Thời gian xuất hiện triệu chứng đầu tiên, tính chất triệu chứng, chẩn đoán và điều trị trước đó, tiến triển bệnh, tình trạng hiện tại,...;
  • Tiền sử: Tiền sử bệnh lý hô hấp, tim mạch trước đây, tiền sử hút thuốc lá, tiền sử phẫu thuật hoặc chấn thương ngực, tiền sử rối loạn đông máu,...

2.2 Khám bệnh

Trước phẫu thuật

  • Đánh giá tình trạng bệnh, chức năng các hệ cơ quan trong cơ thể;
  • Đánh giá chức năng hô hấp: Đo chức năng hô hấp bằng máy hoặc trắc nghiệm đi bộ 6 phút và thang điểm Borg;
  • Đánh giá tình trạng dinh dưỡng, đau đớn, các bệnh lý đi kèm;
  • Đánh giá bệnh lý tim nếu có;
  • Đánh giá chức năng tâm lý của bệnh nhân trước mổ.
Người bệnh được thăm khám trước khi phẫu thuật ngực
Người bệnh được thăm khám trước khi phẫu thuật ngực

Sau phẫu thuật

  • Đánh giá vết mổ: Vị trí, kích thước, mức độ đau, tình trạng chảy máu, nhiễm trùng, tiến trình liền sẹo;
  • Khám hệ hô hấp: Nhịp thở, tần số thở, tình trạng ứ đọng chất tiết, tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp, khả năng ho,...;
  • Theo dõi, chăm sóc ống dẫn lưu ngực;
  • Đánh giá lại chức năng hô hấp;
  • Đánh giá lại các triệu chứng bệnh, so sánh với thời điểm trước mổ;
  • Đánh giá tình trạng đau ở các vị trí khác trên cơ thể do bất động lâu sau mổ;
  • Đánh giá toàn diện để phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra như nhồi máu động mạch phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu,...;
  • Đánh giá lại chức năng tâm lý của người bệnh;
  • Đánh giá mức độ độc lập các chức năng của người bệnh.

2.3 Xét nghiệm lâm sàng

Từ kết quả thu được qua quá trình hỏi bệnh, triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh lý trước mổ của bệnh nhân. Sau mổ người bệnh cũng được thăm khám để xác định tình trạng bệnh và các biến chứng có thể xảy ra.

3. Tập phục hồi chức năng trước và sau phẫu thuật ngực

3.1 Nguyên tắc

  • Can thiệp phục hồi chức năng cả trước và sau mổ;
  • Tập vận động sớm sau mổ để hạn chế tối đa những thương tật thứ cấp có thể xảy ra do nằm bất động trên giường quá lâu;
  • Ưu tiên thực hiện các bài tập phục hồi chức năng hô hấp bởi sau gây mê, ảnh hưởng của tình trạng đau vết mổ và nằm lâu nên người bệnh thường thở nông và ứ đọng chất tiết nhiều;
  • Kiểm soát đau và hỗ trợ tích cực về tâm lý cho bệnh nhân;
  • Phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân, bác sĩ với người nhà bệnh nhân.

3.2 Phục hồi chức năng trước mổ

  • Chẩn đoán chính xác bệnh lý mà người bệnh đang mắc phải;
  • Kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh để ổn định tình trạng bệnh trước phẫu thuật;
  • Tâm lý trị liệu: Bác sĩ cần giải thích rõ cho bệnh nhân hiểu về tình trạng bệnh, phương pháp phẫu thuật, những triệu chứng và biến chứng có thể xảy ra sau mổ, giúp người bệnh an tâm và có tinh thần tốt trước khi phẫu thuật;
  • Hướng dẫn người bệnh thực hiện các bài tập thở, tập vận động chủ động theo tầm vận động khớp;
  • Lượng giá chức năng hô hấp để biết được tình trạng người bệnh trước mổ và ước lượng được cường độ luyện tập sau mổ cho phù hợp;
  • Hướng dẫn và giải thích rõ về chương trình phục hồi chức năng sau mổ và các bài tập vận động người bệnh nên thực hiện sau phẫu thuật.
Người bệnh cần được lđánh giá chức năng hô hấp trước phẫu thuật ngực
Người bệnh cần được lđánh giá chức năng hô hấp trước phẫu thuật ngực

3.3 Phục hồi chức năng sau mổ

Chăm sóc và theo dõi dẫn lưu màng phổi bằng cách: Đề phòng tắc ống dẫn lưu và đảm bảo đầu ống thủy tinh phải ngập trong nước (tránh khí tràn vào màng phổi);

Vận động, di chuyển sớm trong những ngày đầu sau mổ, cả khi còn đang điều trị trong đơn vị hồi sức tích cực:

  • Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện vận động chức năng trên giường. Người bệnh nên ngồi dậy sớm, bắt đầu bằng việc ngồi tựa vào tường hoặc thành giường rồi ngồi sát mép giường, buông lỏng 2 chân;
  • Chuyển từ việc ngồi từ giường sang ngồi ghế tựa cạnh giường;
  • Tập đi lại quanh giường, quanh phòng, tự đi vệ sinh càng sớm càng tốt;
  • Tăng dần quãng đường tự đi trong những ngày tiếp theo;

Hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập vận động chi trên, chi dưới và thân mình ở các tư thế nằm, ngồi, đứng cạnh giường. Các bài tập này giúp người bệnh lấy lại sức mạnh cơ bắp, tăng sức bền, mức độ dung nạp oxy, dự phòng các biến chứng do bất động sau mổ;

Phục hồi chức năng hô hấp sau phẫu thuật:

  • Tập thở chậm và sâu. Các kiểu thở được áp dụng để tăng thông khí phổi gồm thở mím môi, thở cơ hoành và thở với spirometer;
  • Tập ho hữu hiệu nhằm tống các chất tiết ứ đọng ra ngoài. Khi ho, người bệnh nên dùng tay hoặc gối áp vào vùng vết mổ để giảm đau;
  • Tập các động tác tay để tăng kích thước lồng ngực khi thở;

Động viên người bệnh tự thực hiện các hoạt động cá nhân như ăn uống, thay quần áo, đi vệ sinh;

Điều trị tâm lý cho bệnh nhân trong suốt quá trình phục hồi chức năng.

Bác sĩ cũng cần hướng dẫn người bệnh sau phẫu thuật ngực thực hiện các bài tập vận động ở nhà để cải thiện chức năng hô hấp. Bệnh nhân cần được tái khám sức khỏe định kỳ để đánh giá lại chức năng hô hấp, có thể thay đổi chương trình tập luyện nếu cần.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan