Phục hồi chức năng tổn thương mô mềm

Bài được viết bởi bác sĩ Trần Thanh Tịnh - Bác sĩ phục hồi chức năng - Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Chấn thương mô mềm là gì?

Chấn thương mô mềm là tình trạng tổn thương các phần mềm như da, gân, cơ, dây chằng, bao khớp.

Triệu chứng khi phần mềm bị tổn thương: Chảy máu, đau, phù nề, làm giảm hoặc mất chức năng vận động của chi.

Xử lý đúng cách càng sớm sẽ giảm các triệu chứng càng nhanh, giúp tổn thương hồi phục sớm, hạn chế tối đa di chứng.

2. Các tổn thương mô mềm hay gặp

  • Bong gân

Đây là tình trạng dây chằng bị kéo giãn quá mức do vận động quá mạnh. Xảy ra do chấn thương nhẹ hoặc chấn thương nhẹ tái phát nhiều lần.

  • Rách, đứt gân, cơ, dây chằng

Gân, cơ, dây chằng bị rách, đứt xảy ra sau chấn thương mạnh của mô mềm.

  • Trật, bán trật khớp

Bán trật khớp là trật một phần hay không hoàn toàn thường xảy ra thứ phát sau chấn thương quanh mô mềm.

Trật của một phần xương trong khớp dẫn đến tổn thương mô mềm, viêm nhiễm đau và co cứng cơ.

  • Viêm gân

Viêm bao hoạt dịch là viêm bao hoạt dịch bao phủ gân hay còn gọi là dày bao gân. Viêm gân là sẹo hoá hay lắng đọng canxi trong gân.

phuc-hoi-chuc-nang-ton-thuong-mo-mem
Viêm bao gân là một trong những tồn thương mô mềm hay gặp
  • Viêm màng hoạt dịch, tràn dịch – máu trong khớp
  • Đụng dập mô mềm

Là tổn thương đụng dập phần da, mô mỡ và tổ chức liên kết.

3. Phục hồi chức năng tổn thương mô mềm

3.1. Giai đoạn cấp (0 – 4 ngày)

Chương trình RICE:

  • R – Rest: Nghỉ ngơi.
  • I – Ice: Chườm lạnh: 20 – 30 phút mỗi lần, 2 – 3 tiếng 1 lần.
  • C – Compression: Băng ép.
  • E – Elevation: Kê cao chi.

Vận động:

  • Cử động khớp một cách nhẹ nhàng ở vị trí không làm đau khớp.
  • Vận động thụ động trong giới hạn đau.
  • Tập vận động các khớp trên và dưới vùng tổn thương.

Sử dụng dụng cụ trợ giúp hay dụng cụ thích ứng cần thiết để bảo vệ chi thể bị tổn thương khi thực hiện các hoạt động chức năng.

Chọc hút hoặc phẫu thuật nếu có tràn máu trong khớp.

Lưu ý: Tránh những động tác kéo giãn và các bài tập có kháng trở trong giai đoạn này.

3.2. Giai đoạn bán cấp (Ngày thứ 4 đến ngày thứ 21)

  • Luyện tập gia tăng, theo dõi phản ứng của phần mềm với sự tăng tiến của bài tập, giảm cường độ sưng nếu hiện tượng viêm tăng.
  • Tăng dần từ bài tập thụ động đến chủ động có trợ giúp tới tầm vận động chủ động trong giới hạn đau của khớp, kiểm soát cường độ và thời gian tập.
  • Tăng dần sự di động của sẹo.
  • Vận động các cấu trúc lân cận.
  • Tăng các bài tập co cơ đẳng trương trong khả năng chịu đựng của bệnh nhân, bắt đầu thận trọng với các bài tập có kháng nhẹ nhàng.
  • Tập các bài tập làm tăng dần sức cơ, phụ thuộc vào khả năng và ảnh hưởng của tổn thương ban đầu.
  • Giảm dần sự trợ giúp của những dụng cụ trợ giúp khi có sự cải thiện của sức cơ.

Chú ý: Một số biểu hiện khó chịu sẽ xuất hiện khi tăng dần cường độ bài tập nhưng nó sẽ không kéo dài quá vài giờ. Những dấu hiệu của vận động hay hoạt động quá ngưỡng là đau khi nghỉ, mệt mỏi, yếu hơn hay co cứng.

phuc-hoi-chuc-nang-ton-thuong-mo-mem-2
Những dấu hiệu của vận động quá ngưỡng là đau khi nghỉ, mệt mỏi, yếu hơn hay co cứng.

3.3. Giai đoạn mãn tính (Từ ngày 21 đến giai đoạn hồi phục chức năng)

Kéo dãn các vùng cơ bị co rút, giới hạn vận động

  • Chọn lựa các kỹ thuật kéo dãn đặc hiệu của các tổ chức bị co lại:

Tổ chức phần mềm: Kéo dãn thụ động và xoa bóp.

Khớp, bao khớp và một số dây chằng: Vận động khớp.

Dây chằng, gân và tổ chức phần mềm bị dính: Xoa bóp ngang qua thớ gân hay dây chằng.

  • Nếu bị hạn chế tầm vận động: Tập đẳng trường.
  • Nếu tầm vận động bình thường: Tập theo tầm vận động có kháng trở.
  • Tiếp tục sử dụng các dụng cụ trợ giúp cho đến khi tầm vận động thực hiện được chức năng với sự trượt của khớp tốt và khi kết quả của các thử nghiệm sức mạnh các cơ nâng đỡ ở bậc tốt (bậc 4).
  • Tăng tiến bài tập chức năng di chuyển, lên xuống cầu thang hoặc các hoạt động thích nghi khác.
  • Tiếp tục thực hiện các bài tập làm mạnh cơ và các hoạt động đã được hướng dẫn cho đến khi cơ khỏe đủ sức để thực hiện được các hoạt động chức năng của một cá thể.

Lưu ý: Giai đoạn này không còn các dấu hiệu của viêm. Một vài khó chịu sẽ xảy ra khi mức độ hoạt động tăng lên nhưng không kéo dài 2 giờ. Những dấu hiệu cho thấy các hoạt động được thực hiện quá nhanh hoặc với sự cố gắng lớn là khớp sưng, đau kéo dài hơn 4 giờ hoặc cần thuốc giảm đau, nhanh mệt.

Các trị liệu khác:

  • Thuốc giảm đau giai đoạn cấp.
  • Thuốc giảm phù nề.
  • Thuốc giãn cơ.
  • Sử dụng các phương pháp vật lý làm giảm đau, giảm phù nề: Sóng ngắn, siêu âm, điện xung, từ trường, laser công suất thấp.

Trên đây là một số chấn thương mô mềm phổ biến và các phương pháp điều trị. Hy vọng bạn đọc có thể hiểu hơn về loại chấn thương này và biết cách xử lý khi gặp phải các tình trạng trên. Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan