Khi một chiếc răng không thể được điều trị bằng phương pháp trám răng hay gắn mão răng, răng bị tiêu xương do bệnh nha chu thì phương pháp nhổ răng có thể là giải pháp tốt nhất. Trong hầu hết các trường hợp, việc nhổ răng thường được thực hiện khá dễ dàng, song đôi khi việc nhổ răng lại trở nên phức tạp hơn và đòi hỏi can thiệp một thủ thuật kĩ hơn. Đây là lý do tại sao lại cần nhổ răng tiểu thuật.
1. Nhổ răng tiểu phẫu là gì?
Nhổ răng tiểu phẫu là phương pháp mổ lấy hoàn toàn răng ra ngoài mà các phương pháp thông thường khác không làm được. Những loại răng mọc lệch, bị tai biến, răng dính khớp, gãy chân răng,... sẽ được chỉ định làm thủ thuật nhổ răng tiểu phẫu.
Nhổ răng tiểu phẫu sẽ cắt chia chân và mở rộng xương ổ răng để lấy toàn bộ răng ra ngoài, sau đó niêm mạc nướu sẽ được khâu lại cho mau lành thương.
2. Nguyên nhân dẫn đến nhổ răng tiểu phẫu là gì?
Dưới đây là một vài nguyên nhân dẫn đến phải nhổ răng tiểu phẫu như:
- Sâu răng: Tình trạng răng sâu trầm trọng mà không thể trám hoặc điều trị nội khoa thì cần thiết phải mổ tiểu phẫu.
- Bệnh nha chu trầm trọng: Răng bị lung lay đáng kể do xương bao bọc, hỗ trợ xung quanh răng đã bị tiêu huỷ, không còn khả năng phục hồi được nữa.
- Răng mọc lệch: Thường gặp ở răng nanh hàm trên và răng khôn. Trường hợp này thì cách duy nhất để ngăn chặn tình huống xấu nhất xảy ra là nhổ răng.
- Chỉnh hình răng: Nhổ răng để tạo những khoảng trống cần thiết cho việc điều trị chỉnh hình răng.
- Chấn thương: Gãy răng, gãy chân răng mà không thể chữa trị được bằng các phương pháp khác như trám hay phục hình răng.
- Yếu tố kinh tế: Nhổ răng đỡ tốn kém hơn việc lựa chọn phương pháp trám răng, nên một số người sẽ lựa chọn việc nhổ răng để có thể giảm bớt được chi phí.
3. Quy trình nhổ răng tiểu phẫu
Bước 1: Thăm khám
- Nha sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tổng thể sức khỏe răng miệng, xác định tình trạng sâu răng, mảng bám cao răng, viêm lợi,... từ đó đưa ra kế hoạch điều trị an toàn nhất.
- Tiếp theo sẽ chụp X – Quang toàn bộ hàm để xác định vị trí chân răng, hướng mọc và tình trạng xương xung quanh răng cần xử lý. Nếu răng bị sưng đỏ hoặc nhiễm trùng, nha sĩ buộc phải kê đơn thuốc và dời ngày phẫu thuật khi sức khỏe răng miệng đã đảm bảo.
Bước 2: Sát trùng và vệ sinh khoang miệng sạch sẽ
- Người bệnh súc miệng bằng nước súc miệng chuyên dụng, để đảm bảo khoang miệng sạch sẽ trọng quá trình phẫu thuật không bị vi khuẩn tấn công. Sát trùng cẩn thận vùng miệng và răng cần nhổ.
Bước 3: Gây tê
- Nha sĩ tiến hành gây tê tại chỗ và gây tê vùng tại vị trí răng cần nhổ.
Bước 4: Nhổ răng
- Đầu tiên, nha sĩ sẽ dùng dao rạch nướu mở rộng phẫu trường, để lộ thân răng.
- Những trường hợp răng mọc ngầm hay bị giữ trong xương hàm, bắt buộc phải cắt xương để tạo đường thoát cho răng. Chia phần thân và chân răng thành nhiều phần và được nhổ bỏ bằng kìm nhổ răng chuyên dụng.
- Sau khi răng khôn đã được loại bỏ hoàn toàn, vết thương sẽ được khâu lại và kèm bông đông máu.
4. Những lưu ý sau khi nhổ răng tiểu phẫu
Khi nhổ răng tiểu phẫu, rất có thể người bệnh sẽ phải khâu một hoặc nhiều mũi tại vị trí nhổ răng. Bất kể người bệnh thực hiện nhổ răng thông thường hay nhổ răng phẫu thuật, cũng cần tuân thủ chặt chẽ những hướng dẫn chăm sóc răng miệng sau phẫu thuật để đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tránh mọi biến chứng có thể xảy ra. Dưới đây là một số lưu ý sau khi nhổ răng tiểu phẫu như sau:
- Cắn một miếng gạc trong vòng 30 phút sau khi nhổ răng tiểu phẫu để cầm máu.
- Hạn chế nói chuyện và ăn uống trong 2 giờ đầu sau khi nhổ răng.
- Uống nhiều nước ấm hoặc đồ uống lạnh sau khi đã ngừng chảy máu.
- Duy trì chế độ ăn bình thường và hãy bắt đầu với những loại thức ăn mềm và đồ uống không màu trong ngày đầu tiên.
- Không đánh răng hoặc súc miệng trong vòng 12 giờ sau khi nhổ răng.
- Khi chải răng, cần tránh khu vực nhổ răng và vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng bằng nước súc miệng pha loãng hoặc nước muối pha ấm.
- Không sử dụng ống hút, hút thuốc hoặc khạc nhổ do phẫu thuật xong vẫn còn chảy máu.
- Tuân thủ đúng theo hướng dẫn của nha sĩ về việc sử dụng mọi loại thuốc giảm đau được kê đơn.
- Thông báo cho nha sĩ nếu bản thân có cảm giác đau nhói hoặc chảy máu liên tục.
Thủ thuật nhổ răng tiểu thuật nghe có vẻ rất phức tạp, nhưng với các quy trình và phương pháp gây mê ngày nay rất hiện đại. Vì thế, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn phương pháp nhổ răng tiểu phẫu. Người bệnh và nha sĩ có thể thảo luận về các lựa chọn thay thế cho răng để khôi phục chức năng răng và vẻ đẹp cho nụ cười của bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.