Ho là triệu chứng hô hấp phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi. Thời điểm dễ mắc các bệnh lý hô hấp gây ho là khi thời tiết thay đổi, từ nóng sang lạnh, từ mưa sang nắng... Những cơn ho kéo dài dai dẳng khiến người bệnh rất khó chịu và tìm đến các biện pháp để hết ho. Vậy bị ho hạn chế ăn gì?
1. Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị ho
Trước khi xác định bị ho hạn chế ăn gì, người bệnh cần hiểu được tác động của chế độ ăn uống đến hiệu quả điều trị triệu chứng ho. Ăn uống là một trong những nhu cầu tối thiểu của mỗi người, mục đích quan trọng nhất vẫn là cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động cơ thể. Tương tự người đang bị ho cũng vậy, việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết là điều kiện để tăng sức đề kháng cơ thể và chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, chế độ ăn của người bị ho cần tuân thủ một số nguyên tắc, bị ho không được ăn gì hay nên ăn gì và việc chọn lựa thực phẩm phù hợp đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị.
Một số yêu cầu và vai trò của chế độ dinh dưỡng trong quá trình điều trị ho, bao gồm:
- Chế độ ăn cần cung cấp đủ các nhóm dinh dưỡng cần thiết: Việc lựa chọn món ăn, cách chế biến thích hợp sẽ giúp bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa người bị ho có thể ăn mọi thứ. Một số sự lựa chọn gây kích thích cổ họng, khiến người bệnh ho nhiều hơn thì cần phải hạn chế;
- Tăng cường hệ thống miễn dịch, nâng cao đề kháng: Đa số bệnh nhân bị ho có đề kháng cơ thể suy giảm. Để vượt qua bệnh tật, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Tuy nhiên, việc lựa chọn món ăn phải đảm bảo vừa đẩy đủ dinh dưỡng, vừa không khiến triệu chứng ho tồi tệ hơn;
- Giảm kích thích lên cổ họng: Lựa chọn thực phẩm và cách chế biến thích hợp giúp giảm các kích thích lên cổ họng, hạn chế tối đa tình trạng ngứa họng gây ho nhiều hơn. Bị ho hạn chế ăn gì thì tốt nhất nên tránh các món kích thích như chua, cay, mặn, nóng...
2. Không nên ăn gì khi ho?
Theo cách nghĩ của nhiều người, bệnh nhân mắc bất kỳ bệnh lý nào đều cần bổ sung thật nhiều dinh dưỡng cho cơ thể và ăn gì cũng được. Tuy nhiên, lưu ý đây là một suy nghĩ sai lầm, đặc biệt là với bệnh nhân đang mắc triệu chứng ho. Khi ho kéo dài dai dẳng, niêm mạc vùng cổ họng sẽ bị tổn thương, gây đau rát. Hệ quả là mỗi khi nhai nuốt thức ăn, một số trong chúng có thể gây kích ứng niêm mạc và dẫn đến cơn ho diễn ra nhiều hơn. Vì vậy, để trả lời câu hỏi bị ho không được ăn gì, người bệnh có thể tham khảo danh sách các loại thực phẩm sau đây:
- Hạn chế thực phẩm tanh hay các loại hải sản: Theo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân bị ho (đặc biệt là do hen suyễn) không nên tiêu thụ các món có mùi tanh. Cụ thể là các loại hải sản như tôm, mực, cá, cua, ốc... Lý do là vì trong hải sản chứa rất nhiều protein, một chất có thể gây dị ứng và khiến cơn ho không dứt, bệnh lâu khỏi. Bên cạnh đó, một số trường hợp khi tiêu thụ các món ăn có mùi tanh lại cảm thấy khó thở, buồn nôn, nôn ói... Điều này vô tình kích ứng niêm mạc cổ họng và sinh ra các cơn ho dai dẳng hơn;
- Món ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ: Đây là một câu trả lời cho thắc mắc người bị ho hạn chế ăn gì. Sức đề kháng của người bị ho thường suy yếu, dẫn đến thể trạng mệt mỏi và nếu ăn các loại thực phẩm này sẽ tăng nguy cơ gây hại cho dạ dày. Đồng thời, món ăn nhiều dầu mỡ còn gây tăng tiết đờm, khiến dấu hiệu ho lâu thuyên giảm;
- Thức ăn có tính lạnh: Khi ho, bệnh tuyệt đối không nên sử dụng những loại thực phẩm có tính lạnh, vì chúng có khả năng gây kích ứng cổ họng, kích thích ho nhiều hơn. Ngoài ra, đồ lạnh là một tác nhân gây tổn thương phổi, tắc đường dẫn khí và khiến bệnh trở nặng hơn. Nếu phải bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, người bệnh tốt nhất nên lấy ra ngoài và để nguội trước khi sử dụng;
- Thức ăn quá mặn và quá ngọt: Những loại thức ăn này khiến cơ thể bị nóng từ bên trong, tạo điều kiện cho triệu chứng ho kéo dài và dai dẳng hơn. Cụ thể, người bệnh ho không nên sử dụng các món ăn có lượng muối cao như thịt xông khói hay các loại cá muối và các món ăn quá ngọt như bánh ngọt, socola...;
- Thực phẩm chế biến sẵn: Đây là nhóm thực phẩm trong danh sách người bị ho không được ăn gì. Thực phẩm chế biến sẵn luôn có một lượng chất bảo quản và có thể gây hại cho cơ thể, cụ thể bao gồm bánh mì, quả sấy khô, đồ ăn đóng gói...
- Thức uống có gas, cồn và chất kích thích: Người bị ho thường cảm thấy đau rát cổ họng rất khó chịu. Sử dụng các loại đồ uống như bia, rượu, cà phê khiến tình trạng này nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, người bị ho nên bổ sung đủ nước (tốt nhất là nước ấm) để làm dịu cổ họng;
- Hạn chế uống sữa: Theo đó, bệnh nhân bị không nên uống sữa vì loại thực phẩm này kích thích tạo chất nhầy, khiến lượng đờm tiết ra nhiều hơn. Tình trạng này kéo dài kéo theo nguy cơ viêm nhiễm và khiến bệnh tình nghiêm trọng hơn;
- Các loại rau củ chứa nhiều chất nhầy: Cụ thể như khoai sọ, củ từ, mồng tơi, rau đay... Lượng chất nhầy trong các loại thực phẩm này khiến cơ thể tăng tạo đờm nhớt và kéo theo một loạt các cơn ho dai dẳng;
- Quýt và dừa: 2 loại trái cây này có tính mát, nhưng lại không thực sự thích hợp cho người bị ho sử dụng. Sử dụng dừa và quýt khi đang ho khiến nội tạng dễ bị tổn thương. Ngoài ra, trong quýt có chứa chất Cellulite, một chất có khả năng tăng sinh đờm nhớt và kéo theo những cơn ho đờm dai dẳng.
3. Một số lưu ý khác đối với người bị ho
Bên cạnh quan tâm người bị ho hạn chế ăn gì, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề khác để tăng hiệu quả điều trị và nhanh khỏi bệnh.
- Không hút thuốc: Suy nghĩ sai của một số người khi cho rằng hút thuốc giúp giảm căng thẳng và hạn chế các cơn ho. Tuy nhiên, thói quen này ngược lại là một trong những nguyên nhân gây ho kéo dài và sinh ra nhiều bệnh lý hô hấp nguy hiểm;
- Không ăn quá no vào buổi tối: Trào ngược dạ dày thực quản được xem là một yếu tố dẫn đến triệu chứng ho dai dẳng. Do đó, người bệnh không nên ăn quá no vào buổi tối, vì thói quen này có thể làm dạ dày tăng tiết dịch để tiêu hóa thức ăn, từ đó tăng nguy cơ trào ngược và dẫn đến ho;
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng ít nhất 2 lần vào buổi sáng và buổi tối;
- Xông và rửa mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý trong lúc đang bị ho;
- Súc miệng bằng nước muối;
- Luyện tập thể dục nhẹ nhàng, nâng cao sức đề kháng;
- Hạn chế các hoạt động mạnh. Nếu không biết kiểm soát nhịp thở, việc vận động mạnh dẫn đến thở bằng miệng nhiều hơn, dẫn đến khô rát cổ họng và tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại xâm nhập gây bệnh;
- Hạn chế tiếp xúc môi trường ô nhiễm, quá lạnh hoặc ngồi trong phòng điều hòa quá lâu.
4. Thực đơn cho người bị ho
Bên cạnh danh sách các thực phẩm người bị ho không được ăn gì, người bệnh có thể tham khảo một số món ăn vừa bổ dưỡng, vừa ngon miệng và còn giúp giảm triệu chứng ho hiệu quả:
- Canh rau má: Món canh rau má thịt heo là một món ăn thanh mát, có thể hỗ trợ chữa chứng ho khan, ho lâu ngày hiệu quả;
- Canh củ cải: Đây là một món ăn được chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng cho người bị ho vì khả năng chữa ho khan hiệu quả;
- Canh mướp hương: Món canh này không chỉ ngon miệng mà còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết. Đồng thời, canh mướp hương có khả năng giảm ho, giảm viêm họng nhanh chóng. Bệnh nhân có thể sử dụng mướp hương nấu chung với rau mồng tơi, thịt băm...;
- Giá đậu: Đây là loại thực phẩm giúp giảm những cơn đau họng, khàn tiếng, đầy bụng... Do đó, chỉ cần chế biến đơn giản bằng cách luộc, ép nước uống hoặc nấu canh đều có thể mang lại hiệu quả giảm ho nhanh chóng;
- Canh cải cúc: Cải cúc là loại rau có thể tiêu đờm, giảm viêm và hạn chế tình trạng đau họng. Bệnh nhân bị ho có thể nấu cải cúc với thịt lợn, hành, gừng để tạo ra món ăn vừa ngon miệng vừa đẩy lùi ho nhanh chóng.
Ngoài ra, khi chế biến món ăn, người bệnh bị ho nên lưu ý nêm nếm nhạt, ít muối vì muối là chất tăng tình trạng tiết chất nhầy và khiến cơn ho dai dẳng lâu khỏi.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.