Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có tên là gì? Cách phân biệt muỗi sốt xuất huyết với muỗi thường

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể lây lan diện rộng và bùng phát thành dịch. Bệnh do vi rút dengue gây ra và lây lan sang người lành do muỗi vằn đốt. Vậy loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có tên là gì?

1. Tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết là gì?

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh lý phổ biến ở vùng có khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến cả ở thành thị và nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, đặc biệt ở các tháng 7, 8, 9, 10.

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh thường gặp và nguy hiểm ở Việt Nam do nguy cơ bùng dịch cao, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin dự phòng. Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây ra gồm 4 chủng huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Vì vậy những bệnh nhân đã từng mắc bệnh và được chữa khỏi vẫn có thể tái nhiễm 3 tuýp virus còn lại.

Ai cũng có thể mắc bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên đối tượng đáng lo ngại nhất là trẻ em do sức đề kháng non yếu của các bé. Theo thống kê, trẻ trong độ tuổi từ 4 - 9 thường có nguy cơ mắc bệnh cao nhất tuy nhiên với những bé dưới 1 tuổi mắc bệnh sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

2. Loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có tên là gì?

Loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có tên là gì? Có 2 loài muỗi sốt xuất huyết thuộc họ chi Aedes gồm: Aedes albopictus và Aedes aegypti, đây là tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, tỷ lệ truyền bệnh sốt xuất huyết ở muỗi Aedes albopictus thấp hơn, do đó khi nhắc đến muỗi sốt xuất huyết người ta thường chú ý đến loài muỗi Aedes aegypti.

Muỗi Aedes aegypti là muỗi vằn có màu đen sẫm, thân và chân muỗi Aedes aegypti có các đốm trắng, dài 4 - 7mm. Aedes aegypti hay sống ở khu vực tối hoặc những nơi có ánh sáng yếu, thường đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước và những nơi có nước đọng. Trứng của Aedes aegypti có thể tồn tại đến 1 năm trong điều kiện rất khô nhưng sau khi ngập trong nước, trứng Aedes aegypti sẽ nở ngay lập tức.

Sau khi Aedes aegypti hút máu của người nhiễm virus Dengue, virus này sẽ nằm dưới tuyến nước bọt của muỗi và ủ bệnh trong thời gian khoảng 10 - 12 ngày. Sau đó muỗi Aedes aegypti sẽ truyền virus gây bệnh cho người khỏe mạnh thông qua các vết đốt. Bản thân người mắc bệnh sốt xuất huyết cũng là nguồn lây truyền virus cho những con muỗi khác.

Bên cạnh đó muỗi là loài vật thường xuyên thay đổi vật chủ, chúng sẽ đốt hết người này sang người khác, điều này sẽ càng làm tăng nguy cơ lây truyền virus cho nhiều người và khiến bệnh sốt xuất huyết lây lan thành dịch.

Xem ngay: Bị muỗi đốt bao lâu sẽ mắc sốt xuất huyết?

3. Cách phân biệt muỗi sốt xuất huyết và muỗi thường

Như đã đề cập ở trên, tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyếtvirus Dengue, virus truyền bệnh thông qua trung gian là muỗi Aedes aegypti. Loài muỗi này có màu đen sẫm, có đốm trắng ở thân và chân, hoạt động mạnh nhất vào ban ngày, khoảng 2 giờ sau khi mặt trời đã mọc cho đến khoảng vài giờ trước khi mặt trời lặn.

Loại muỗi sốt xuất huyết này rất thích sinh sản xung quanh nơi con người ở. Chúng thường có xu hướng tấn công từ phía sau hoặc bên dưới (dưới bàn ghế) và thường đốt ở vị trí mắt cá chân và bàn chân. Vũng nước, ao hồ, dụng cụ chứa nước... chính là môi trường thuận lợi cho muỗi sốt xuất huyết sản sinh.

Khác với muỗi sốt xuất huyết, muỗi Anophen - tác nhân gây ra bệnh sốt rét khi trưởng thành sẽ có màu đen hoặc nâu sẫm. Loại muỗi này rất khác so với muỗi sốt xuất huyết vì khi nghỉ ngơi, bụng của chúng sẽ hướng lên chứ không hướng xuống bên dưới. Chiều dài cơ thể muỗi Anophen gần bằng với chiều dài của vòi hút, phía trên cánh của muỗi Anophen có vảy màu đen trắng, trong khi Aedes aegypti có đốm trắng ở thân và chân.

Thời gian hoạt động của muỗi Anophen cũng trái ngược với muỗi sốt xuất huyết, loài muỗi này hoạt động là từ lúc mặt trời bắt đầu lặn cho đến khi mặt trời mọc. Sau khi đốt người, muỗi anophen sẽ đậu trong nhà khoảng vài giờ. Môi trường trú ngụ và sinh sản thuận lợi của muỗi Anophen là vùng nước ngọt. Hút máu người là việc làm giúp loài muỗi này bổ sung dinh dưỡng để nuôi trứng lớn. Muỗi Anophen cái dù chỉ sống được khoảng vài tuần đến 1 tháng nhưng chúng có thể giao phối rất nhiều lần.

Trên thực tế, phân biệt các loại muỗi chủ yếu dựa vào hình dạng và tập tính của muỗi. Rất khó để nhận diện được bệnh sốt xuất huyết thông qua vết đốt của muỗi sốt xuất huyết.

4. Dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân mắc sốt xuất huyết

Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân sốt xuất huyết như sau:

Sốt xuất huyết thể bệnh nhẹ:

  • Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, có thể kéo dài 2 - 7 ngày và khó hạ sốt bới các loại thuốc giảm đau;.
  • Đau đầu dữ dội.
  • Nổi mẩn, phát ban.

Thể bệnh sốt xuất huyết nặng:

  • Xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen;
  • Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

5. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng chống muỗi đốt:

  • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước đọng ngăn không cho muỗi vào đẻ trứng;
  • Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để cá ăn lăng quăng hoặc bọ gậy;
  • Dọn vệ sinh môi trường sống, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến;
  • Mặc quần áo dài tay khi ở nhà, ngủ mùng kể cả ban ngày;
  • Sử dụng bình xịt diệt muỗi, nhang muỗi, kem xua muỗi, vợt diệt muỗi...;
  • Bệnh nhân bị sốt xuất huyết nên nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan virus.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu hơn về loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết để biết cách phòng ngừa, nhận biết sớm. Hiện nay chưa có vắc-xin phòng ngừa virus gây bệnh sốt xuất huyết gây nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu dựa vào việc phòng chống muỗi, bao gồm các biện pháp vệ sinh môi trường, bảo vệ cá nhân tránh muỗi đốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe