Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Bác sĩ Hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Khi bị sốt nhẹ, cảm cúm, nhiều người chủ quan xem nhẹ bệnh hoặc uống qua loa và viên thuốc. Tuy nhiên, với những triệu chứng đó, chúng ta không nên xem thường, bởi có thể sau khi nhiễm virus người bệnh có thể bị viêm phổi do vi khuẩn.
1. Viêm phổi vi khuẩn là gì?
Viêm phổi do vi khuẩn (nhiễm trùng phổi) là bệnh nhiễm trùng liên quan đến phổi do vi khuẩn gây ra. Vi khuẩn vượt qua cơ chế bảo vệ của cơ thể, thông qua đường hô hấp, đường máu, vi khuẩn đã xâm nhập vào phổi. Trong nhiều trường hợp, viêm phổi vi khuẩn thường không gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng cũng có một số bệnh nhân bị tử vong do viêm phổi vi khuẩn.
Một số vi khuẩn phổ biến gây ra viêm phổi vi khuẩn là Streptococcus, Mycoplasma, Staphylococcus, Haemophilus và Legionella.
2. Lý do dễ bị viêm phổi do vi khuẩn sau nhiễm virus
Ngoài các nguyên nhân gây viêm phổi như: Hút thuốc lá, mắc một số bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và bệnh tim và hệ thống miễn dịch bị suy yếu hoặc bị ức chế do các yếu tố như HIV/AIDS, ghép tạng, hóa trị cho bệnh ung thư hay sử dụng steroid trong thời gian dài. Bệnh viêm phổi còn do vi khuẩn gây ra. Rất nhiều bệnh nhân bị viêm phổi do vi khuẩn sau khi nhiễm virus. Cụ thể là do virus làm rối loạn miễn dịch tế bào .
Virus sau khi xâm nhập vào đường hô hấp, vào phổi sẽ làm rối loạn hoạt động của lớp trụ lông, ức chế khả năng diệt khuẩn của đại thực bào phế nang, từ đó làm rối loạn miễn dịch tế bào. Khi miễn dịch tế bào bị rối loạn, người bệnh sẽ bị nhiễm vi khuẩn gây viêm phổi. Virus có thể làm thay đổi tính chất của chất hoạt động bề mặt (chất surfactant) khi làm tăng tiết chất nhầy. Dưới đây là một số điều kiện thuận lợi để viêm phổi do vi khuẩn sau nhiễm virus:
- Virus có thể xâm nhập vào đường phổi của người bệnh khi môi trường ô nhiễm, thời tiết lạnh, mùa đông, dầm mưa, lụt bão, từ đó có nguy cơ nhiễm thêm vi khuẩn gây viêm phổi.
- Vi khuẩn đi vào đường hô hấp của người bệnh đang nhiễm virus do người bệnh khác ho hoặc do dòng vi khuẩn từ mũi - hầu - xoang của chính bản thân xâm nhập hoặc hít các chất có chứa vi khuẩn như dịch dạ dày, dị vật, chất béo.
- Những người bị rối loạn thần kinh trung ương hoặc người dùng các thuốc giảm miễn dịch dài ngày, người bị biến dạng lồng ngực - gù - vẹo cột sống cũng dễ bị viêm phổi do vi khuẩn.
Trắc nghiệm: Làm thế nào để có một lá phổi khỏe mạnh?
Để nhận biết phổi của bạn có thật sự khỏe mạnh hay không và làm cách nào để có một lá phổi khỏe mạnh, bạn có thể thực hiện bài trắc nghiệm sau đây.3. Triệu chứng và chẩn đoán viêm phổi do vi khuẩn
3.1 Triệu chứng
Bệnh nhân viêm phổi do vi khuẩn sau nhiễm virus, thì những triệu chứng, dấu hiệu đầu tiên của người bệnh sẽ là bị nhiễm virus như: Cảm cúm hoặc cảm lạnh như viêm họng, sốt, đau đầu, đau cơ, chảy mũi, ngạt mũi, ho khan. Tuy nhiên, khi người bệnh nhiễm thêm cả vi khuẩn thì các triệu chứng đó sẽ nặng hơn và xuất hiện thêm một số dấu hiệu đi kèm như:
- Sốt cao từ 390C trở lên, có thể kèm rét run.
- Ho khạc đờm
- Đau ngực kiểu màng phổi (đau nông nhói, tăng khi hít sâu hoặc ho)
- Khó thở.
- Bác sĩ nghe phổi người bệnh sẽ thấy ran nổ tại vùng phổi bị viêm, có thể có tiếng thổi ống hoặc cọ màng phổi.
3.2 Chẩn đoán
Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ là viêm phổi do vi khuẩn, người bệnh cần đến khám bác sĩ để phát hiện sớm ra bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân làm một số thủ tục để chẩn đoán ra bệnh.
- Chụp X-quang tim phổi thẳng, xét nghiệm máu và đờm cho thấy có bằng chứng bị viêm phổi do vi khuẩn.
- Dựa vào tiền sử bệnh lý: Bác sĩ sẽ hỏi các dấu hiệu và triệu chứng của bạn, chúng xuất hiện khi nào và như thế nào;
- Khám lâm sàng: bác sĩ sẽ kiểm tra hoạt động của phổi bằng ống nghe. Nếu bạn bị viêm phổi, phổi sẽ có những âm thổi bất thường.
4. Phòng ngừa bệnh viêm phổi do vi khuẩn
Để không bị viêm phổi do vi khuẩn, trước hết bạn nên phòng chống bệnh thông qua các thói quen sinh hoạt như:
- Giữ gìn vệ sinh môi trường, nhà cửa, chống cảm lạnh
- Hạn chế tiếp xúc với những người bệnh có các dấu hiệu của nhiễm vi khuẩn, virus
- Nâng cao sức đề kháng của cơ thể, nhất là đối với trẻ em và người cao tuổi như: Tránh xa khói thuốc lá, thuốc lào, rượu, bia; tiêm vắc-xin ngừa cúm; ăn uống hợp lý và thường xuyên luyện tập để tăng cường thể lực; uống nhiều nước lọc, uống thêm nước cam, chanh hoặc bổ sung vitamin C để nâng sức đề kháng của cơ thể.
- Rửa tay thường xuyên nhằm tránh làm bệnh lây lan; nhỏ nước muối sinh lý và súc miệng bằng nước muối. Giữ ấm đầu, cổ, ngực trong mùa lạnh, mưa, lụt bão.
Lưu ý nên cho trẻ uống nhiều nước hoặc khuyến khích cho trẻ bú nhiều hơn. Đây là điều rất quan trọng vì trẻ em bị viêm phổi cần được cung cấp nhiều nước để làm loãng đờm, dịu họng, giảm ho và tránh bị mất nước. Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, trong một số trường hợp viêm phổi không điển hình có thể dẫn tới các biến chứng viêm phổi nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.