Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Lê Hồng Minh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
MRI (Chụp cộng hưởng từ) được phát triển vào năm 1980 và thường được coi là phương pháp hình ảnh tốt giúp lên kế hoạch điều trị. MRI rất tốt trong chẩn đoán, theo dõi vấn đề về thần kinh và những chẩn đoán bất thường tại tủy sống. Vậy khi nào cần chụp MRI?
1. Khi nào cần chụp MRI?
Hơn 60 triệu bệnh nhân được chẩn đoán bằng hình ảnh chụp MRI (Chụp cộng hưởng từ) được thực hiện mỗi năm trên toàn thế giới. Kể từ khi phát triển vào những năm 1970, MRI đã tạo ra cuộc cách mạng trong chẩn đoán hình ảnh y học, cung cấp một phương pháp chẩn đoán không xâm lấn để kiểm tra bên trong cơ thể con người một cách chi tiết mà không cần sử dụng phóng xạ.
Bằng cách cho các nguyên tử Hydro trong cơ thể tiếp xúc với từ trường, MRI có thể kiểm soát hướng và đo tần số mà các proton hydro chuyển động. Một xung tần số vô tuyến (RF) đặc trưng cho cộng hưởng tử của nguyên tử Hydro được hướng vào khu vực nơi có cơ quan trong cơ thể mà bác sĩ muốn kiểm tra. Hình ảnh chi tiết các cơ quan có thể được thể hiện trên màn hình, cung cấp cho các bác sĩ có nhiều hướng nhìn và góc độ khác nhau những tổn thương có thể thấy ở cơ quan được chụp MRI.
MRI thường được bác sĩ chỉ định chụp MRI để biết thêm chi tiết hoặc nguyên nhân của các triệu chứng không rõ ràng trên các loại hình ảnh khác, chẳng hạn như siêu âm, chụp X-quang hay chụp cắt lớp vi tính. Chụp MRI có thể giúp chẩn đoán các bệnh về não, cột sống, xương, bụng và các mô mềm.
Ví dụ, MRI rất tốt trong chẩn đoán và theo dõi nhiều tình trạng thần kinh, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng, nhiễm trùng, khối u não, não úng thủy, bất thường mạch máu bao gồm đột quỵ cấp tính và chảy máu nội sọ, và để đánh giá quỹ đạo và tuyến yên. Chụp MRI cũng rất hữu ích để chẩn đoán bất thường tủy sống, bao gồm hủy myelination, khối u, hoặc thoát vị đĩa đệm và thay đổi thoái hóa.
Chụp MRI cho phép bác sĩ của bạn nhìn thấy các cơ quan, xương và các mô bên trong cơ thể bạn mà không phải phẫu thuật. Phương pháp này có thể giúp chẩn đoán bệnh hoặc chấn thương.
Bạn có thể cần chụp MRI nếu chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính chưa cung cấp đủ thông tin về tình trạng sức khoẻ của các cơ quan trong cơ thể. MRI cũng rất hữu ích cho bác sĩ lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả với tình trạng bệnh.
Người bệnh có thể đến các cơ sở y tế công lập hay y tế tư nhân để chụp MRI. Tuy nhiên, dù là công cộng hay tư nhân, MRI phải được yêu cầu bởi một bác sĩ chuyên chuyên khoa. Để xác định xem nó có phù hợp với người bệnh hay không, bác sĩ thường sẽ xem xét lịch sử y tế và gia đình của bệnh nhân, các yếu tố rủi ro, các triệu chứng đã xuất hiện bao lâu và ảnh hưởng của tình trạng sức khỏe đến các hoạt động hàng ngày.
Nếu chụp MRI ở cơ sở y tế tư nhân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa là tốt, bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn một hướng dẫn chuẩn bị cho việc chụp MRI của bệnh nhân. Sau đó người bệnh sẽ được lên lịch hẹn thời gian chụp phù hợp. Việc chụp MRI có thể mất từ 25-30 phút, tùy thuộc vào tình trạng sức khoẻ của cơ thể người bệnh được chụp.
2. Vì sao cần chụp MRI?
Chụp MRI - hình ảnh cộng hưởng từ cho thấy giải phẫu và bệnh lý của một số cơ quan bị tổn thương bên trong cơ thể. Chụp MRI là một công cụ chẩn đoán có giá trị dựa trên hình ảnh chi tiết về tổn thương của cơ quan trong cơ thể theo các góc nhìn đa chiều.
Chụp MRI có thể phân biệt giữa các mô tế bào khỏe mạnh và bệnh lý bất thường. Chụp MRI cũng có thể hiển thị những hình ảnh chi tiết của các cơ quan như não hoặc gan...
2.1. Đối với bác sĩ chuyên khoa
Việc chụp MRI sẽ giúp các bác sĩ thu thập thông tin cần thiết về những tổn thương của cơ quan trong cơ thể của bệnh nhân. Các cơ quan và hệ xương, bao gồm khớp, cột sống và não của người bệnh. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sử dụng các hình ảnh chi tiết của MRI để đánh giá tổn thương, hoặc bất thường liên quan đến dây chằng, dây thần kinh, xương, cơ và các mô khác của bệnh nhân.
MRI có thể phát hiện một loạt các vấn đề, bao gồm:
- Vấn đề về khớp: Các bác sĩ thường có thể chẩn đoán viêm khớp bằng MRI.
- Bất thường đĩa đệm cột sống: MRI là một phương pháp hữu ích để phát hiện di căn cột sống, nhiễm trùng cột sống, bất thường đĩa đệm và rối loạn rễ thần kinh.
- Vấn đề về cấu trúc: Đây có thể là tổn thương não hoặc vấn đề trong tim người bệnh.
- Khối u: Khối u có thể phát triển trong các cơ quan khác nhau, chẳng hạn như buồng trứng và thận của người bệnh.
Các bác sĩ thường sử dụng MRI khi họ nghi ngờ có bệnh hoặc tổn thương mà CT scan, X-quang hoặc siêu âm không cung cấp đủ chi tiết về những tổn thương của cơ quan trong cơ thể.
2.2. Đối với người bệnh
Có nhiều lý do mà bệnh nhân được chỉ định cần chụp MRI, bao gồm:
- Các tổn thương cơ, dây chằng hoặc sụn
- Mệt mỏi, tê hoặc ngứa ran
- Đau liên tục hoặc đau mà không được cải thiện với điều trị
- Sau khi phát hiện ra một khối u
- Tụ dịch, sưng hoặc đỏ của khớp
- Trật khớp hoặc sai khớp
- Phát hiện bất thường từ chụp X-quang hoặc CT
- Theo dõi sau phẫu thuật
- Các vấn đề về tiêu hóa
Việc chụp MRI sẽ giúp chuyên gia tư vấn, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ vật lý trị liệu hoặc bác sĩ lâm sàng đưa ra chẩn đoán chính xác liên quan đến các triệu chứng của bệnh nhân để hỗ trợ điều trị hiệu quả.
Nguồn: webmd.com & radiology.ca