Keratosis pilaris là một tình trạng bệnh lý của da phổ biến gây ra các mảng da sần sùi như da gà, xuất hiện trên da của người bệnh. Những vết sần sùi này thường gặp ở những vị trí như trên cách tay, đùi, mông. Thường lành tính và không gây ra đau hay ngứa.
1. Bệnh dày sừng nang lông là gì?
Keratosis pilaris hay còn được gọi là bệnh dày sừng nang lông một tình trạng da phổ biến, không gây hại, bệnh gây ra các mảng khô ráp và các nốt sần nhỏ, thường xuất hiện trên cánh tay, đùi, má hoặc mông. Những mảng da sần sùi này giống như da gà nên đôi khi bệnh này còn được gọi với cái tên là bệnh da gà.
Bản chất của những vết sần sùi này thực chất là do tế bào da chết bịt kín các nang lông gây ra. Bệnh thường không gây ra khó chịu hay ngứa cho người bệnh. Tình trạng bệnh này được cho là trở nên nặng nề hơn trong những tháng mùa đông khi da có xu hướng bị khô và đôi khi cũng có thể trở nên tồi tệ hơn khi mang thai.
Bất cứ ai cũng có thể bị tình trạng da sần sùi này, nhưng nó phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Dày sừng thường bắt đầu ở giai đoạn giai đoạn cuối phôi thai hoặc trong thời kỳ thanh thiếu niên. Biểu hiện thường rõ ràng vào giữa tuổi 20. Bệnh thường không có cách chữa trị triệt để, nhưng có một số cách để điều trị hoặc ngăn ngừa nó trở nên tồi tệ hơn. Thường thì tình trạng dày sừng nang lông sẽ hết tự nhiên khi đến 30 tuổi.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh dày sừng nang lông
Keratosis pilaris (Dày sừng nang lông) là do sự tích tụ của keratin, đây là một loại protein cứng bảo vệ da khỏi các chất độc hại và nhiễm trùng. Chất sừng này ngăn chặn sự mở của các nang lông, gây ra các mảng da sần sùi, gồ ghề trên bề mặt.
Nguyên nhân dẫn tới keratin tích tụ lại thường không được xác định rõ, nó có thể xảy ra liên quan đến một bệnh lý di truyền hoặc với các tình trạng da đặc biệt như viêm da dị ứng. Da khô có xu hướng làm cho bệnh dày sừng nang lông trở nên tồi tệ hơn.
Nguyên nhân hiện chưa được xác định rõ nhưng có một số đối tượng nguy cơ mắc bệnh dày sừng nang lông hơn như:
- Người bị da khô
- Mắc bệnh chàm
- Gặp phải tình trạng sốt nóng vào mùa hè
- Thừa cân và béo phì
- Phụ nữ có yếu tố mắc bệnh cao hơn.
- Bệnh thường gặp ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên.
- Phổ biến hơn ở những người da trắng.
3. Dấu hiệu bệnh dày sừng nang lông
Bệnh dày sừng nang lông có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp nhiều hơn ở trẻ nhỏ. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:
- Các vết sưng nhỏ hơi hồng, đỏ, trắng hay nâu không đau, có thể bị ngứa. Các nốt sần nổi trên da giống như da gà hoặc da gà bị vặt lông, thường ở trên cánh tay, đùi, má hoặc mông. Ngoài ra, có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên bề mặt da của cơ thể nơi có nang lông và do đó những mụn này sẽ không bao giờ xuất hiện ở lòng bàn chân hay lòng bàn tay.
- Da khô và thô ráp ở những vùng có nổi nốt sần.
- Tình trạng này tệ hơn khi chuyển mùa khiến độ ẩm thấp và khô da.
- Da sần sùi sờ vào có cảm giác như giấy nhám.
4. Cách điều trị bệnh dày sừng nang lông
Không có cách chữa trị cho bệnh dày sừng nang lông. Bệnh thường tự mất dần theo tuổi tác. Những biện pháp điều trị có thể để giảm bớt triệu chứng của bệnh và thường chữa trị trong vài tháng.
Một số biện pháp có thể được sử dụng nhằm giảm bớt tình trạng bệnh gồm:
- Dưỡng ẩm: Phương pháp điều trị này nhằm dưỡng ẩm da để làm dịu tình trạng da khô, cải thiện ngứa và cải thiện làn da do phát ban dày sừng. Bạn có thể dùng kem bôi để dưỡng ẩm hay những loại dầu từ thiên để dưỡng ẩm cho da.
- Ngoài việc dưỡng ẩm: Có thể được sử dụng một liệu pháp tẩy tế bào chết, mặt nạ hay đôi khi là phương pháp như điều trị laser.
5. Cách chăm sóc vùng da bị dày sừng tại nhà
Một số biện pháp có thể thử để điều trị tại nhà. Mặc dù không thể chữa khỏi được tình trạng này, nhưng các phương pháp tự chăm sóc tại nhà giúp giảm thiểu các vết sưng, ngứa và kích ứng.
- Tắm nước ấm: Tắm nước ấm trong một thời gian ngắn có thể giúp làm thông thoáng và mở rộng lỗ chân lông. Tuy nhiên, cần hạn chế thời gian ngâm mình trong bồn tắm, vì thời gian tắm lâu hơn có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên của cơ thể dẫn tới da dễ bị khô hơn, lại kích thích làm nặng hơn tình trạng bệnh.
- Tẩy tế bào chết: Tẩy da chết vị trí bệnh hàng ngày có thể giúp cải thiện vẻ ngoài của da. Các bác sĩ da liễu khuyên nên tẩy da chết nhẹ nhàng bằng mướp hay một số biện pháp tự nhiên.
- Bôi kem dưỡng ẩm: Các loại kem dưỡng có axit alpha hydroxy (AHA) như axit lactic có thể cấp nước cho da khô và kích thích sự thay đổi tế bào. Thành phần glycerin, được tìm thấy trong hầu hết các cửa hàng mỹ phẩm, cũng có thể làm dịu vết sưng tấy, trong khi nước hoa hồng có thể làm dịu tình trạng viêm da. Nên bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên đặc biệt thời điểm sau khi tắm xong và buổi tối trước khi đi ngủ.
- Tránh quần áo bó sát: Mặc quần áo quá chật có thể gây ra hiện tượng ma sát khiến da cho vùng da bị kích ứng.
- Sử dụng máy tạo ẩm: Nếu điều kiện môi trường có độ âm thấp, máy tạo độ ẩm bổ sung độ ẩm cho không khí trong phòng, có thể duy trì độ ẩm trên da và ngăn ngừa các cơn ngứa bùng phát.
Bệnh dày sừng nang lông hay bệnh da gà thường là tình trạng lành tính, nhưng có thể gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh. Do đó, khi mắc bệnh, người bệnh nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ kiểm tra nhằm có những chỉ định kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com, https://www.mayoclinic.org