Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng cấp tính nặng và có khả năng gây tử vong nhanh chóng nếu không được xử trí kịp thời. Vì vậy, để hạn chế tai biến và giảm tỷ lệ tử vong do sốc phản vệ, hộp thuốc chống sốc cần phải luôn được trang bị ở mỗi xe tiêm hay bất cứ phòng điều trị nào trong cơ sở y tế.
1. Phản vệ là gì?
Phản vệ thường được phân thành 4 mức độ, tuy nhiên cần lưu ý rằng mức độ phản vệ có thể nặng lên rất nhanh và không theo tuần tự dưới đây:
Mức độ nhẹ (độ I): bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng ở da, tổ chức dưới da và niêm mạc như phù mạch, ngứa, mày đay.
Mức độ nặng (độ II): bệnh nhân xuất hiện từ 2 triệu chứng ở nhiều cơ quan:
- Mày đay, phù mạch có thể xuất hiện nhanh.
- Khó thở nhanh nông, chảy nước mũi, tức ngực, khàn tiếng.
- Đau bụng, nôn, tiêu chảy.
- Nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp. Huyết áp chưa tụt hoặc tăng.
Mức độ nguy kịch (độ III): triệu chứng xuất hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn như sau:
- Đường thở: dấu hiệu phù thanh quản, tiếng rít thanh quản.
- Thở: thở nhanh, rối loạn nhịp thở, khò khè, tím tái.
- Rối loạn ý thức: triệu chứng hôn mê, rối loạn cơ tròn, vật vã, co giật.
- Tuần hoàn: sốc, mạch nhanh nhỏ và tụt huyết áp.
Ngừng tuần hoàn (độ IV): bệnh nhân có biểu hiện ngừng hô hấp hoặc tuần hoàn.
Sốc phản vệ là một phản ứng quá mẫn toàn thân hoặc hệ thống nặng có thể đe dọa tính mạng, đặc trưng bởi các rối loạn tiến triển nhanh chóng về tuần hoàn và/hoặc hô hấp và/hoặc đường thở đe dọa tính mạng và thường kết hợp với các biểu hiện trên da và niêm mạc.
2. Hộp thuốc chống sốc gồm những gì?
Theo thông tư số 51/2017 TT- BYT về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ, hộp thuốc chống sốc phản vệ bao gồm:
STT | Nội dung | Đơn vị | Số lượng |
---|---|---|---|
1 |
Phác đồ, sơ đồ xử trí cấp cứu phản vệ (Phụ lục III, Phụ lục X) |
Bản | 01 |
2 | Bơm kim tiêm vô khuẩn | ||
Loại 10ml | Cái | 02 | |
Loại 5ml | Cái | 02 | |
Loại 1ml | Cái | 02 | |
Kim tiêm 14 – 16 | Cái | 02 | |
3 | Bông tiệt trùng có tẩm cồn | Gói/hộp | 01 |
4 | Dây garo | Cái | 02 |
5 | Adrenalin 1 mg/1ml | Ống | 05 |
6 | Methylprednisolon 40mg | Lọ | 02 |
7 | Diphenhydramin 10mg | Ống | 05 |
8 | Nước cất 10ml | Ống | 03 |
Các trang thiết bị y tế, thuốc tối thiểu cấp cứu phản vệ tại cơ sở y tế:
- Oxy.
- Mặt nạ và bóng AMBU dành cho người lớn và trẻ nhỏ.
- Bơm xịt Salbutamol.
- Bộ đặt nội khí quản và/hoặc bộ mở khí quản và/hoặc mask thanh quản.
- Nhũ dịch Lipid 20% lọ 100 ml (02 lọ) ở tủ thuốc cấp cứu tại cơ sở y tế sử dụng thuốc gây tê, gây mê.
- Thuốc chống dị ứng thường dùng.
- Dịch truyển Natriclorid 0,9%.
3. Xử trí cấp cứu phản vệ
3.1. Nguyên tắc chung:
Tất cả trường hợp bệnh nhân có phản vệ phải được phát hiện sớm, xử trí khẩn cấp và kịp thời tại chỗ; bệnh nhân cần được theo dõi liên tục ít nhất 24 giờ. Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu trong cứu sống bệnh nhân bị phản vệ, thuốc phải được tiêm bắp ngay khi bệnh nhân được chẩn đoán phản vệ từ độ II trở lên.
3.2. Xử trí phản vệ mức độ nhẹ (độ I):
Triệu chứng dị ứng nhưng có thể chuyển thành mức độ nặng hoặc nguy kịch. Tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà sử dụng thuốc diphenhydramin hoặc methylprednisolon qua đường uống hoặc tiêm. Theo dõi bệnh nhân trong vòng ít nhất 24 giờ để xử trí kịp thời.
3.3. Xử trí phản vệ mức nặng và nguy kịch (độ II, III):
Phản vệ độ II có thể nhanh chóng chuyển sang phản vệ độ III hoặc độ IV mà không tuân theo tuần tự nào. Do đó cần phải khẩn trương xử trí đồng thời theo diễn biến của từng bệnh nhân:
- Người bệnh cần phải ngừng tiếp xúc với thuốc hoặc dị nguyên (nếu có).
- Sử dụng thuốc Adrenalon tiêm hoặc truyền cho bệnh nhân phản vệ độ II trở lên ngay lập tức.
- Đặt bệnh nhân nằm tại chỗ, đầu thấp hoặc nghiêng trái nếu bệnh nhân có nôn.
- Thở oxy: cho bệnh nhân thở oxy với lưu lượng người lớn 6 – 10L/phút, trẻ em 2-4L/phút qua mặt nạ hở.
- Theo dõi và đánh giá tình trạng tuần hoàn, hô hấp, ý thức và triệu chứng ở da, niêm mạc.
- Nếu bệnh nhân ngừng tuần hoàn, hô hấp (phản vệ độ IV) cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực và bóp bóng.
- Bệnh nhân xuất hiện khó thở thanh quản, cần đặt nội khí quản hoặc mở khí quản cấp cứu.
- Thiết lập đường truyền Adrenalin tĩnh mạch với dây truyền thông thường nhưng với kim tiêm cỡ to (14G hoặc 16G) hoặc đặt catheter tĩnh mạch và đặt một đường truyền tĩnh mạch thứ hai cho bệnh nhân để truyền dịch.
- Hội chẩn với đồng nghiệp và tập trung xử lý, báo cáo với cấp trên, hội chẩn bác sĩ chuyên khoa cấp cứu hoặc hồi sức hoặc chuyên khoa dị ứng (nếu có).
Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính nghiêm trọng có thể đe doạ tính mạng của bệnh nhân trong vòng thời gian rất ngắn sau khi tiếp xúc với dị nguyên. Xử trí phản vệ kịp thời và đúng cách có khả năng cao cứu sống bệnh nhân. Hộp thuốc chống sốc phản vệ gồm thuốc và trang thiết bị cần thiết giúp xử trí bước đầu của phản vệ mà bất cứ cơ sở khám bệnh và chữa bệnh nào cũng cần có.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.