Hàm lượng Fluor trong kem đánh răng trẻ em bao nhiêu là vừa?

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại kem đánh răng chứa Fluor với nhiều hàm lượng khác nhau, khiến các bậc phụ huynh bối rối khi chọn kem đánh răng cho bé. Vậy hàm lượng Fluor trong kem đánh răng trẻ em bao nhiêu là phù hợp?

1. Vai trò của Fluor đối với cơ thể

Fluor vốn là nguyên tố không mùi vị, tồn tại trong tự nhiên ở trạng thái kết hợp với một chất khác như Canxi, Phosphate hoặc hòa tan trong nước. Fluor có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể như tham gia cấu trúc xương và dây chằng, kích thích tổng hợp collagen để khôi phục xương gãy, kích thích các tế bào xương làm tăng khối lượng xương dùng trong điều trị bệnh loãng xương.

Trong nha khoa, Fluor còn được biết đến với công dụng ngăn ngừa sâu răng. Men răng là tổ chức cứng nhất của cơ thể, thành phần chủ yếu của men răng là apatit, fluor có thể ngấm vào men răng và tạo thành fluoroapatit, giúp cho răng cứng chắc hơn và ít bị ăn mòn, từ đó tránh được sâu răng.

Tuy nhiên, bất cứ chất gì cũng có mặt lợi và hại. Nếu thiếu Fluor sẽ dẫn đến nguy cơ sâu răng, loãng xương; còn thừa Fluor sẽ dẫn đến ngộ độc, hỏng men răng (răng xỉn màu, ố vàng, đục), nặng hơn là hội chứng giòn, gãy xương. Do đó, Fluor chỉ thực sự hữu ích khi được dùng trong đúng ngưỡng cho phép. Theo tiêu chuẩn của Việt Nam, hàm lượng Fluor an toàn là từ 0,5 - 1mg/l, nếu hàm lượng Fluor vượt quá ngưỡng này thì có nguy cơ dẫn đến hội chứng giòn, gãy xương

2. Hàm lượng fluor trong kem đánh răng trẻ em bao nhiêu là an toàn?

Theo chỉ thị EU 76/768 / EEC của Châu Âu, nghiêm cấm việc tiếp thị các sản phẩm mỹ phẩm (bao gồm kem đánh răng) với mức độ florua lớn hơn 1.500 ppm (1 ppm tương ứng với 1mg/l) đối với người lớn. Theo khuyến cáo của các bác sĩ nha khoa, người lớn nên dùng kem đánh răng có hàm lượng Fluor từ 1000-1500ppm. Nồng độ fluor trong kem đánh răng trẻ em được khuyến cáo cụ thể như sau:

  • Trẻ dưới 3 tuổi thường nuốt kem đánh răng, do đó khuyến cáo không dùng kem đánh răng có Fluor.
  • Trẻ từ 3 - 6 tuổi là thời điểm răng vĩnh viễn đang hình thành, nếu lượng fluor quá lớn sẽ phá hủy men răng và tạo nên các mảng bám, do đó chỉ nên dùng kem đánh răng có lượng Fluor trong khoảng 200 – 500 ppm.
  • Trẻ từ 6 - 11 tuổi chỉ nên dùng kem đánh răng có hàm lượng Fluor tối đa là 1000 ppm.
  • Trẻ từ 12 tuổi trở lên có thể dùng kem đánh răng như người lớn.

3. Những lưu ý khi sử dụng kem đánh răng chứa Fluor

Bản thân chất Fluor là 1 hóa chất độc. Nếu là Fluor nguyên chất thì chỉ cần 1 lượng rất nhỏ dính vào móng tay cũng đủ làm mủn móng. Việc phối trộn Fluor trong kem đánh răng là cần thiết để ngừa sâu răng, tuy nhiên vẫn phải kiểm soát chặt chẽ và khuyến cáo nên sử dụng ở mức độ vừa phải. Với trẻ quá nhỏ thì không nên sử dụng kem đánh răng trẻ em có Flour. Để phòng ngừa sâu răng, trẻ ở độ tuổi từ 3-6 vẫn nên dùng kem đánh răng có chứa hàm lượng Fluor thấp (200ppm-500ppm), không nên cho trẻ dùng kem đánh răng của người lớn vì có thể dẫn đến thừa hoặc nhiễm fluor. Đối với người trưởng thành, chỉ cần bôi 1 lớp mỏng trên bề mặt bàn chải chứ không cần một lớp dày như quảng cáo. Nếu đánh răng ngày 2 lần thì 1 lần đánh với kem đánh răng có Fluor và 1 lần nên đánh răng với nước muối loãng. Chú ý, những vùng ô nhiễm fluor thì tuyệt đối không sử dụng kem đánh răng có chứa Fluor.

Các triệu chứng quá liều Fluor cần lưu ý là trong miệng có vị mặn hoặc mùi xà phòng, nước bọt tiết ra nhiều, buồn nôn, nôn, đau thắt vùng bụng, tiêu chảy, ra mồ hôi nhiều và khát nước. Nếu gặp phải tình trạng quá liều Fluor, cần áp dụng các biện pháp như: uống nhiều sữa, lấy ngón tay ấn vào đáy lưỡi để gây phản xạ nôn (nôn càng nhiều càng tốt), đồng thời cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Như vậy, cha mẹ nên lưu ý lựa chọn các sản phẩm kem đánh răng đạt tiêu chuẩn, phù hợp với từng độ tuổi để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe