Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn là một rối loạn miễn dịch trong đó máu không đông như bình thường. Tình trạng này hiện nay thường được gọi là giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP).
1. Thế nào là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch
- Tiểu cầu được sản xuất trong tủy xương. Chúng giúp cầm máu bằng cách kết lại với nhau để tạo thành cục máu đông ở thành mạch máu và mô tại các vết cắt hoặc vết rách nhỏ. Nếu máu của bạn không có đủ tiểu cầu thì máu sẽ đông chậm dẫn tới chảy máu bên ngoài hoặc chảy máu dưới da.
- Giảm tiểu cầu miễn dịch có thể gây bầm tím và chảy máu quá mức. Nguyên nhân là do mức độ thấp bất thường của tiểu cầu, hoặc huyết khối trong máu dẫn đến giảm tiểu cầu miễn dịch.
- Những người bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu thường có nhiều vết bầm tím gọi là ban xuất huyết trên da hoặc xuất huyết niêm mạc bên trong miệng. Một số loại virus cụ thể, như thủy đậu, quai bị và sởi, cũng có thể dẫn đến đến tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu.
2. Các loại xuất huyết giảm tiểu cầu
Có hai loại xuất huyết giảm tiểu cầu chính là cấp tính (ngắn hạn) và mãn tính (dài hạn).
- Xuất huyết giảm tiểu cầu cấp tính là dạng rối loạn phổ biến nhất ở trẻ em. Nó thường kéo dài ít hơn sáu tháng.
- Xuất huyết giảm tiểu cầu mãn tính kéo dài sáu tháng hoặc lâu hơn. Nó thường được ghi nhận ở người lớn, mặc dù thanh thiếu niên và trẻ nhỏ cũng có thể bị ảnh hưởng.
3. Nguyên nhân gây ra xuất huyết giảm tiểu cầu?
Hệ thống miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và tiến triển của xuất huyết giảm tiểu cầu
Trong bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể chống lại tiểu cầu. Những tiểu cầu này bị một bộ phận trong thể là lá lách đánh dấu để phá hủy và loại bỏ, làm giảm số lượng tiểu cầu. Hệ thống miễn dịch dường như cũng can thiệp vào các tế bào chịu trách nhiệm sản xuất tiểu cầu, dẫn đến làm giảm thêm số lượng tiểu cầu trong máu.
Ở trẻ em, xuất huyết giảm tiểu cầu thường phát triển nhanh chóng sau quá trình nhiễm bệnh do virus. Ở người lớn, xuất huyết giảm tiểu cầu thường phát triển theo thời gian.
Xuất huyết giảm tiểu cầu cũng có thể là nguyên phát hoặc chúng gây ra bởi một bệnh lý nào đó (thứ phát). Các bệnh tự miễn, nhiễm trùng mãn tính, sử dụng thuốc, mang thai và một số bệnh ung thư là những nguyên nhân dẫn tới xuất huyết giảm tiểu cầu mãn tính.
4. Các triệu chứng của xuất huyết giảm tiểu cầu là gì?
Các triệu chứng phổ biến nhất của xuất huyết giảm tiểu cầu là:
- Dễ bầm tím
- Petechiae có kích thước cụ thể, thường xuất hiện ở chân dưới
- Chảy máu cam tự phát
- Chảy máu nướu (ví dụ, trong khi tiến hành các thủ thuật nha khoa)
- Xuất hiện máu trong nước tiểu
- Có máu trong phân
- Kinh nguyệt nhiều và kéo dài bất thường
- Chảy máu kéo dài do vết cắt
- Chảy máu trong khi phẫu thuật.
5. Xuất huyết giảm tiểu cầu được chẩn đoán như thế nào?
- Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra toàn trạng của bạn. Kèm theo đó Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh tật của bạn và các loại thuốc bạn đang dùng.
- Bác sĩ cũng sẽ yêu bạn thực hiện xét nghiệm máu bao gồm xét nghiệm công thức máu toàn bộ. Các xét nghiệm máu cũng có thể bao gồm các xét nghiệm để đánh giá chức năng gan và thận, tùy thuộc vào các triệu chứng của bạn. Một xét nghiệm máu để kiểm tra các kháng thể tiểu cầu cũng có thể được chỉ định.
- Bác sĩ sẽ lấy máu của bạn phết lên một phiến kính và tiến hành soi dưới kính hiển vi để xác định số lượng và sự xuất hiện của tiểu cầu quan sát được trong mẫu máu của bạn.
- Nếu bạn có số lượng tiểu cầu thấp, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn kiểm tra tuỷ. Nếu bạn bị xuất huyết giảm tiểu cầu thì tủy xương của bạn sẽ bình thường. Điều này là do tiểu cầu của bạn bị phá hủy trong máu và lách sau khi chúng rời khỏi tủy xương. Nếu tủy xương của bạn không bình thường kèm theo số lượng tiểu cầu thấp thì khả năng bạn đang mắc một bệnh khác chứ không phải là xuất huyết giảm tiểu cầu.
6. Các biện pháp điều trị cho xuất huyết giảm tiểu cầu là gì?
Bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị cho bạn dựa trên tổng số tiểu cầu đo được trong xét nghiệm, mức độ thường xuyên của bệnh và số lượng máu chảy. Trong một số trường hợp, điều trị là cần thiết. Ví dụ, trẻ em mắc xuất huyết giảm tiểu cầu cấp tính thường hồi phục trong vòng sáu tháng hoặc ít hơn mà không cần điều trị.
6.1 Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu bao gồm:
- Corticosteroid: Làm tăng số lượng tiểu cầu của bạn bằng cách giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch.
- Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIg): Nếu chảy máu của bạn đã đến mức nghiêm trọng, bạn sẽ phải phẫu thuật hoặc đang cần tăng số lượng tiểu cầu một cách nhanh chóng, bạn có thể được tiêm tĩnh mạch globulin miễn dịch (IVIg).
- Globulin miễn dịch chống D: Điều trị này dành cho những người có máu Rh dương. Giống như liệu pháp IVIg, nó có thể nhanh chóng tăng số lượng tiểu cầu, và nó có thể hoạt động thậm chí nhanh hơn IVIg. Tuy nhiên, nó có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng, vì vậy nên thận trọng đối với phương pháp điều trị này.
- Rituximab (Rituxan): Đây là một liệu pháp kháng thể nhắm vào các tế bào miễn dịch chịu trách nhiệm sản xuất các protein tấn công tiểu cầu.
- Thuốc vận thụ thể Thrombopoietin: Các chất chính vận thụ thể Thrombopoietin, bao gồm romiplostim (Nplate) và eltrombopag (Promacta), giúp ngăn ngừa bầm tím và chảy máu bằng cách làm cho tủy xương của bạn sản xuất nhiều tiểu cầu.
6.2 Liệu pháp kháng sinh
Helicobacter pylori là vi khuẩn gây ra hầu hết các vết loét dạ dày, có liên quan đến xuất huyết giảm tiểu cầu ở một số người. Liệu pháp kháng sinh để loại bỏ H. pylori đã được chứng minh là giúp tăng số lượng tiểu cầu ở một số người.
6.3 Phẫu thuật
Nếu bạn bị xuất huyết giảm tiểu cầu nặng và thuốc không cải thiện triệu chứng hoặc làm tăng số lượng tiểu cầu, bác sĩ có thể khuyên bạn nên phẫu thuật cắt bỏ lá lách.
Cắt lách thường không được thực hiện ở trẻ em do lo ngại điều trị cho kết quả không như mong muốn. Việc cắt lách cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm do một số vi khuẩn trong tương lai.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể khuyên bạn thực hiện một số thay đổi lối sống, bao gồm những điều sau đây:
- Tránh một số loại thuốc không kê đơn có thể ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu, bao gồm aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin) và thuốc làm loãng máu warfarin (Coumadin).
- Hạn chế uống rượu vì có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình đông máu.
- Chọn các hoạt động nhẹ nhàng thay vì các môn thể thao cạnh tranh hoặc các hoạt động mạnh khác để giảm nguy cơ chấn thương và chảy máu.
Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM