Đôi tai của bạn nói gì về sức khỏe của bạn?

Đôi tai là một bộ phận quan trọng, giúp chúng ta tiếp nhận các âm thanh từ bên ngoài và nó còn tham gia vào việc giữ thăng bằng cho cơ thể chúng ta. Vậy thì khi đôi tai của bạn trông hơi khác một chút hoặc bị đau, ù hoặc ngứa có nghĩa là gì? Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe mà bạn có thể không nghĩ ra khi nghĩ đến tai mình.

1. Cấu tạo và chức năng của tai

Cấu tạo tai người được chia thành 3 phần bao gồm:

  • Tai ngoài: bao gồm vành tai và ống tai ngoài.
  • Tai giữa: gồm có màng nhĩ, hòm nhĩ và vòi nhĩ.
  • Tai trong: gồm có ốc tai, tiền đình và các ống bán khuyên.

Tai có hai chức năng quan trọng đó là tiếp nhận âm thanh và giữ thăng bằng cho cơ thể. Khi có các triệu chứng bất thường ở tai thường gây ảnh hưởng đến khả năng nghe và/hoặc khả năng giữ thăng bằng cơ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các triệu chứng ở tai còn có thể là biểu hiện của các tình trạng bệnh lý của các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể.

2. Đôi tai của bạn nói gì về sức khỏe của bạn?

2.1. Nếp nhăn dái tai cho biết điều gì?

Nếp nhăn dái tai còn được gọi là “dấu hiệu Frank” (dấu hiệu này được đặt theo tên bác sĩ lần đầu tiên nhận thấy nó). Đây là một nếp nhăn chéo ở dái tai của bạn có thể là dấu hiệu của bệnh tim.Các nhà khoa học không biết chính xác nguyên nhân gây ra nếp nhăn và không phải tất cả những ai có nó đều sẽ bị bệnh tim. Nhưng nếu bạn nhận thấy bạn hoặc ai đó có một nếp nhăn ở dái tai, hãy tới gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân gây ra nếp nhăn đó.

Nếp nhăn dái tai
Nếp nhăn dái tai có thể là biểu hiện cảnh báo của một loại bệnh lý tim mạch

2.2. Nếp nhăn hoặc lỗ nhỏ xung quanh tai

Trẻ sơ sinh có thể được sinh ra với các tình trạng ảnh hưởng đến cách phát triển của chúng, một trong số đó là hội chứng Beckwith-Wiedemann. Hội chứng này gây ra các nếp nhăn hoặc lỗ nhỏ xung quanh tai trẻ sơ sinh.

Những đứa trẻ mắc phải hội chứng Beckwith-Wiedmann cũng có thể lớn hơn bình thường, với một cái lưỡi to và lượng đường trong máu thấp. Hội chứng này không gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho hầu hết những người mắc phải. Nhưng khi đứa trẻ lớn lên, một bên cơ thể của chúng có thể lớn hơn bên còn lại, và chúng có nhiều khả năng mắc một số khối u nhất định.

2.3. Tai thấp cho thấy vấn đề gì về sức khỏe của bạn?

Hai trong số các tình trạng phổ biến liên quan đến hiện tượng tai thấp đó là hội chứng DownTurner. Các vấn đề với nhiễm sắc thể gây ra cả hai hội chứng này.

Những người mắc hội chứng Down cũng có những khác biệt về thể chất và các vấn đề phát triển khác. Hội chứng Turner có thể gây ra các vấn đề về cách hình thành đầu và cổ cũng như các vấn đề về tăng trưởng và dậy thì.

Hai tình trạng hiếm gặp khác đó là hội chứng Shprintzen-Goldberg và Jacobsen cũng có thể gây ra các vấn đề về tai và phát triển.

2.4. Thiếu tai ngoài là biểu hiện của tình trạng sức khỏe nào?

Thiếu tai ngoài có thể là một dấu hiệu của chứng thiếu máu bẩm sinh. Các bác sĩ không chắc chắn nguyên nhân gây ra tình trạng này, nhưng những yếu tố trong môi trường và việc sử dụng một số loại thuốc khi mang thai có thể đóng một vai trò nào đó gây ra tình trạng thiếu tai ngoài.

Thiếu tai ngoài có thể tự xảy ra hoặc cùng với một tình trạng di truyền khác. Trong hầu hết các trường hợp thiếu tai ngoài, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ để tạo hình tai ngoài.

2.5. Hình dạng tai bất thường báo hiệu điều gì?

Ngay cả khi bất thường về hình dạng tai chỉ là một "dấu hiệu da" trên tai, đó cũng có thể là dấu hiệu của vấn đề về cách hoạt động của thận. Đó là bởi vì thận và tai của em bé phát triển cùng lúc với nhau. Nếu bác sĩ nhận thấy hình dạng tai bất thường trên trẻ sơ sinh của bạn, họ có thể muốn kiểm tra thận của bé hoặc siêu âm để xem xét kỹ hơn.

Tai nhỏ - dị dạng vành tai bẩm sinh
Một số trẻ gặp tình trạng hình dạng tai bất thường cần được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa ngay

2.6. Ù tai

Ù tai thường là do vấn đề gì đó liên quan trực tiếp đến tai của bạn như ráy tai tích tụ hoặc xung quanh có tiếng ồn lớn. Nhưng ù tai cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề với khớp nơi xương hàm tiếp xúc với hộp sọ của bạn (khớp thái dương hàm), hoặc chấn thương ở cổ hoặc đầu của bạn, cũng có thể do một số tác nhân khác gây ra.

Nếu bạn nghe thấy tiếng chuông, tiếng vo ve, tiếng gầm rú, tiếng lách cách hoặc tiếng rít trong tai hãy đến gặp bác sĩ để tìm hiểu điều gì đang xảy ra trong tai bạn.

2.7. Ngứa tai

Nhiễm nấm hoặc kích ứng tai khác thường có thể gây ra hiện tượng ngứa tai. Một lý do khác có thể gây ngứa tai đó là bệnh vẩy nến, căn bệnh này xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công làn da của bạn do nhầm lẫn. Nó có thể rất đau nếu bạn bị tổn thương trên tai, nơi da mỏng.

Bệnh vảy nến có thể xảy ra bên ngoài và bên trong tai của bạn và có thể dẫn đến việc tích tụ da chết khiến bạn bị giảm thính lực, khó nghe hơn. Không có cách chữa khỏi bệnh vẩy nến, nhưng bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của căn bệnh này.

2.8. Đau tai

Đau tai có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tai, nhiễm trùng cổ họng, tích tụ ráy tai hoặc chất lỏng bất thường trong tai, răng bị áp xe hoặc có thể do bạn nghiến răng. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị đau tai và triệu chứng này không thuyên giảm trong một ngày hoặc lâu hơn, hoặc kèm theo sốt, nôn mửa, đau họng, chảy mủ tai hoặc sưng tấy quanh tai.

Bạn cũng nên gọi cho bác sĩ nhi khoa nếu con bạn dưới 6 tháng khóc liên tục và bạn nghĩ rằng chúng có thể bị đau tai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan