Nguyên nhân, triệu chứng và thuốc trị nấm ống tai

Ống tai ngoài là phần nằm ở vị trí phía ngoài, ở giữa vành tai và màng nhĩ; có hình dạng cong như chữ S. Phần phía ngoài của ống tai có chứa các sợi lông nhỏ, các tuyến nhờn tạo ráy tai, nhiệt độ thường ấm và độ ẩm cao. Do cấu trúc và vị trí như vậy nên ống tai ngoài thường mắc phải các bệnh viêm nhiễm, bệnh nhiễm nấm ống tai là ví dụ điển hình. Chúng ta cùng tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này cũng như cách dùng thuốc trị nấm ống tai hiệu quả, tránh tái phát.

1. Nguyên nhân gây nên bệnh nấm ống tai là gì và những ai dễ mắc phải bệnh này?

Nấm ống tai là những tổn thương ở vùng ống tai ngoài gây ra bởi vi nấm.

Nấm ống tai là một bệnh khá phổ biến hiện nay; ở trẻ em dễ mắc bệnh hơn do có ống tai ngoài nhỏ, nhiều lông & dịch nhầy, là điều kiện thuận lợi cho các loại nấm phát triển.

Tỷ lệ mắc bệnh tùy thuộc vào vùng địa lý, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và các mùa trong năm. Nấm ống tai chiếm tỷ lệ 5% – 30 % trong các bệnh viêm tai ngoài trên toàn thế giới.

Ở nước ta, khí hậu nhiệt đới nóng, ẩm, môi trường ô nhiễm tạo điều kiện cho các loại nấm gây bệnh phát triển.

Nguyên nhân gây bệnh nấm ống tai có thể do nhiều loại nấm khác nhau nhưng chủ yếu là 2 loại chính là Candida và Aspergillus.

Những người dễ mắc bệnh nấm ống tai:

  • Người đang mắc bệnh suy giảm miễn dịch (đái tháo đường, suy dinh dưỡng, béo phì,...)
  • Người sử dụng thuốc chứa corticoid kéo dài.
  • Người làm việc trong môi trường nóng, ẩm mốc thường xuyên không vệ sinh tai ngoài sạch sẽ tạo môi trường bẩn, ẩm giúp nấm phát triển (ví dụ: người hay bơi lội ở bể bơi công cộng hay sông hồ suối, làm bếp,...)
  • Người sử dụng dịch vụ lấy ráy tai, rửa tai ở các quán cắt tóc có điều kiện vệ sinh không sạch sẽ làm lây nhiễm nấm.
  • Phụ nữ bị nhiễm nấm âm đạo cũng có thể dễ bị nấm ống tai.

2. Những triệu chứng để chẩn đoán nấm ống tai

Những triệu chứng của bệnh nấm ống tai có thể gặp ở một hoặc hai bên tai và thay đổi tùy mức độ như sau:

  • Ngứa tai là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh. Người bệnh sẽ cảm thấy ngứa liên tục, khó chịu nên thường dùng ngón tay ngoáy vào trong lỗ tai hoặc nghiêng đầu, đập tay vào bên tai bị ngứa. Càng ngoáy thì tai lại càng ngứa và có thể dẫn đến đau.
  • Ở giai đoạn đầu bệnh nhân có cảm giác sưng, căng tức rất khó chịu ở tai, có trường hợp chảy dịch ra ngoài hoặc ngoáy tai thấy có dịch ướt màu nâu vàng.
  • Nếu để lâu lớp biểu bì của ống tai sẽ bị bong tróc và trộn lẫn cùng với tổ chức nấm tạo thành vảy làm bít hẹp ống tai hoặc che lấp bề mặt màng nhĩ gây triệu chứng: ù tai và giảm thính lực.
  • Trường hợp có nhiễm trùng cơ hội kết hợp gây viêm ống tai thì sẽ có triệu chứng: sưng đỏ, đau trong tai.
  • Xuất hiện một lớp trắng đục hay từng đám bám ở ống, màng tai; có khi kết thành một khối trắng đục lấp một phần hay toàn bộ ống tai.
  • Khi soi đèn chuyên dụng thường thấy rõ tổ chức nấm mọc chi chít nhiều màu như trắng, xám tro, vàng, đen; có hình thái giống nấm men. Những đám vảy này khi bong tróc ra có dạng cục hoặc hình ống. Nếu lấy mảng nấm đó để soi dưới kính hiển vi sẽ thấy những nha bào hoặc sợi của nấm với những hình thái khác nhau đặc trưng cho từng loại nấm khác nhau ( ví dụ: những mảnh vụn màu trắng thường là nấm Candida; xen những đốm trắng, vàng và đen thường là nấm Aspergillus).

3. Điều trị nấm ống tai như thế nào?

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được các chuyên gia thăm khám kịp thời. Trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh nấm ống tai thì bệnh nhân cần được điều trị theo đúng phác đồ.

Thông thường với bệnh nấm ống tai sẽ sử dụng phương pháp điều trị tại chỗ:

  • Loại bỏ tổ chức nấm và vệ sinh ống tai và màng tai: Làm ẩm ống tai và dùng que bông thấm dung dịch betadin 1% hoặc các chế phẩm khác có tác dụng tương tự để lau rửa ống tai.
  • Dùng thuốc bôi vào niêm mạc ống tai: ví dụ xanh-methylen 2%, cồn acid salicylic 3%, boric, mỡ kháng nấm... để diệt vi nấm.

Nấm ống tai thường dai dẳng và khó trị dứt điểm, vậy nên phải dùng đúng thuốc trị nấm ống tai dài ngày theo chỉ định của bác sĩ.

4. Phòng bệnh nấm ống tai như thế nào?

  • Không sử dụng dụng cụ ngoáy tai bẩn hay dùng chung với người khác.
  • Luôn giữ ống tai sạch sẽ và khô ráo. Lau sạch và làm khô tai sau khi bơi lội hoặc tắm rửa tránh tạo môi trường cho nấm phát triển.
  • Đừng nên lau tai quá nhiều lần sẽ làm mất lớp miễn dịch tự nhiên ở da ống tai ngoài.
  • Không nên dùng các thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh kéo dài.
  • Không dùng thuốc corticoid kéo dài bởi có thể suy giảm miễn dịch tạo điều kiện gây nấm ống tai.
  • Tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách bổ sung các vitamin và khoáng chất.
  • Cần điều trị triệt để các bệnh nấm ở các bộ phận khác của cơ thể tránh làm nhiễm nấm ống tai (như bệnh nấm âm đạo,...).

Lưu ý khi bị nấm ống tai thì phải điều trị sớm và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh tái phát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan