Đo đa ký giấc ngủ được chỉ định khi nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe của con người. Cuộc sống của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều nếu mắc phải các rối loạn về giấc ngủ. Vì vậy, bệnh nhân mắc phải các rối loạn này cần phải được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, đa ký giấc ngủ là một kỹ thuật hỗ trợ đáng kể việc chẩn đoán các rối loạn giấc ngủ.

1. Đa ký giấc ngủ là gì?

Đa ký giấc ngủ là một xét nghiệm được thực hiện chuyên sâu về giấc ngủ, có các kênh để đo điện não đồ, nhãn cầu đồ, điện cơ, điện tim, lưu lượng dòng khí qua mũi miệng, vận động cơ ngực, bụng, nồng độ oxy bão hòa trong máu, tiếng ngáy, xác định vị trí tư thế cơ thể, đo cử động chân, có video để theo dõi diễn biến trong đêm. Chính vì vậy, đo đa ký giấc ngủ cung cấp một cách đầy đủ các thông tin về giấc ngủ cũng như các rối loạn khác xảy ra trong giấc ngủ như rối loạn hô hấp, ngừng thở khi ngủ, rối loạn nhịp tim, các bất thường về vận động và hành vi...

Các tổ chức y tế trên thế giới cảnh bảo, đã có rất nhiều trường hợp tử vong bởi biến chứng của ngưng thở khi ngủ. Vì vậy, để xác định những rối loạn giấc ngủ, đo đa ký giấc ngủ được coi là phương pháp vàng, đồng thời phương pháp này giúp tránh được những nguy hiểm do chứng ngưng thở khi ngủ gây ra.

2. Đo đa ký giấc ngủ được chỉ định lúc nào?

Đo đa ký giấc ngủ được chỉ định khi người bệnh mắc phải những gián đoạn trong giấc ngủ nhằm theo dõi các giai đoạn và chu kỳ giấc ngủ, đồng thời tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.


Đo đa ký giấc ngủ khi người bệnh gặp các vấn đề về giấc ngủ
Đo đa ký giấc ngủ khi người bệnh gặp các vấn đề về giấc ngủ

Giấc ngủ chuyển động chậm (NREM) là dấu hiệu bắt đầu cho chu kỳ ngủ bình thường. Trong giai đoạn này, kết quả của điện não đồ cho thấy sóng não của bạn thường chậm lại đáng kể. Giấc ngủ chuyển động chậm (NREM) thường chỉ kéo dài từ 1 đến 2 giờ và sau đó não bắt đầu hoạt động bình thường trở lại, mở đầu cho giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM).

Bạn có thể trải qua nhiều chu kỳ ngủ khác nhau trong 1 đêm, quá trình chuyển tiếp giữa 2 giấc ngủ NREM và REM thường kéo dài 90 phút. Chu trình giấc ngủ của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi rối loạn giấc ngủ.

Nếu nghi ngờ bạn đang mắc các rối loạn dưới đây, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện đo đa ký giấc ngủ, bao gồm:

  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ hoặc các rối loạn hô hấp khác liên quan đến giấc ngủ: Khi đang ngủ, người bệnh ngừng thở trong khoảng từ 10 - 30 giây. Hội chứng này có thể khiến người bệnh có nguy cơ mắc phải nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, giảm trí nhớ hoặc đau thắt ngực.
  • Rối loạn vận động khi ngủ: Những người gặp phải rối loạn vận động khi ngủ sẽ vô tình uốn cong hoặc duỗi thẳng tay chân trong lúc đang ngủ. Bệnh nhân mắc rối loạn này có thể dẫn đến hội chứng chân bồn chồn, hay còn gọi là hội chứng chân không yên (RLS).
  • Chứng ngủ nhiều vào ban ngày: Được đặc trưng bởi việc buồn ngủ quá mức vào ban ngày và không thể kiểm soát được. Đây được coi là một rối loạn não hiếm gặp.

Buồn ngủ quá mức vào ban ngày cũng là loại một rối loạn não
Buồn ngủ quá mức vào ban ngày cũng là loại một rối loạn não
  • Rối loạn giấc ngủ REM: Giấc ngủ REM đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thải trừ các chất gây độc ở não. Các chất độc có thể tích tụ ở não bởi rối loạn giấc ngủ REM gây ra.
  • Những hành vi bất thường khi ngủ: Nếu bạn có những hành vi bất thường khi ngủ như di chuyển hoặc đi lại loanh quanh, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện đo đa ký giấc ngủ.
  • Mất ngủ không rõ lý do: Bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành kỹ thuật đa ký với hi vọng tìm được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nếu không xác định được nguyên nhân khiến bạn thường xuyên bị mất ngủ.
  • Chẩn đoán phân biệt: Các rối loạn vận động và hành vi trong khi ngủ với động kinh khi ngủ bởi 2 trường hợp này rất dễ bị nhầm lẫn với nhau.

Đo đa ký giấc ngủ không những giúp chẩn đoán các rối loạn về giấc ngủ mà kỹ thuật này còn được sử dụng để điều chỉnh phác đồ điều trị của các bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh.

3. Đối tượng nên thực hiện đo đa ký giấc ngủ

Các đối tượng sau nên thực hiện đo đa ký giấc ngủ, bao gồm:

  • Những người bị béo phì, ngủ ngày, thở ngáy khi ngủ
  • Những đối tượng uống nhiều bia rượu
  • Mắc bệnh về tai - mũi - họng kéo dài và bị tái phát nhiều lần
  • Những người có cấu trúc vùng mũi, xoang bất thường
  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim.

Để kết quả đo đa ký giấc ngủ được chính xác nhất, trong ngày thực hiện đo, bệnh nhân cần lưu ý một số hướng dẫn sau:

  • Tuyệt đối không uống bia rượu
  • Không sử dụng các chất kích thích như cà phê...
  • Để buổi tối dễ đi vào giấc ngủ, nên ngủ trưa ít
  • Ăn vừa đủ, không nên ăn quá no

Không nên ăn quá no trước khi đo đa ký giấc ngủ
Không nên ăn quá no trước khi đo đa ký giấc ngủ

  • Trước khi đo, làm vệ sinh cá nhân
  • Người bệnh cần đem theo các kết quả xét nghiệm, toa thuốc đã và đang sử dụng trong vòng 6 tháng tính đến ngày thực hiện đo. Đây chính là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán và tư vấn cho bệnh nhân
  • Bệnh nhân cần phải hoàn thành bảng câu hỏi đánh giá giấc ngủ trước khi đo được gửi bởi nhân viên y tế.
  • Trừ khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được dùng các loại thuốc ngủ

4. Đa ký giấc ngủ được thực hiện như thế nào?

Để thực hiện đo đa ký giấc ngủ, bác sĩ sẽ thực hiện tại phòng thăm dò dành riêng cho giấc ngủ. Nhằm giúp cho bệnh nhân có sự thoải mái và dễ chịu, phòng thực hiện được thiết kế đẹp, cách âm, có ánh sáng vừa phải tạo cảm giác giống như phòng ngủ ở nhà.

Bệnh nhân phải tắm và gội đầu sạch, không dùng chất kích thích, trước khi tiến hành ghi đa ký giấc ngủ.

Thời gian thực hiện ghi đa ký giấc ngủ thường kéo dài từ 21 giờ tới 6 giờ sáng hôm sau. Mất khoảng 60 phút cho giai đoạn chuẩn bị.

Kỹ thuật viên sẽ bắt đầu ghi và ghi liên tục cả đêm sau khi đặt điện cực và các thiết bị cho bệnh nhân, khởi động và kiểm tra máy xong. Tất cả các hoạt động điện não, thông số về nhịp tim, hô hấp, nồng độ oxy bão hoà, tiếng ngáy, các cử động chi, tư thế của cơ thể... sẽ được ghi lại trong đêm. Đối với bệnh nhân mắc hội chứng ngừng thở do tắc nghẽn khi ngủ sẽ được ghi đa ký giấc ngủ có đeo máy CPAP khi có chỉ định dùng CPAP (đeo máy thở áp lực dương liên tục). Vào sáng hôm sau, bệnh nhân được tháo điện cực và các phụ kiện.

Chỉ những bác sĩ chuyên khoa được đào tạo chuyên sâu mới có thể đọc kết quả ghi đa ký giấc ngủ. Kết quả của việc thực hiện đo đa ký giấc ngủ sẽ giúp khẳng định chẩn đoán và hỗ trợ tư vấn điều trị cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe