Trầm cảm ở phụ nữ: Những điều cần biết

Trầm cảm là một rối loạn tâm trạng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của con người, đặc biệt là nữ giới. Bệnh gây ra cảm giác buồn bã, lo lắng, mất phương hướng, thiếu động lực và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.

1. Trầm cảm là gì?

Trầm cảm là một rối loạn tâm trạng nguy hiểm và có khả năng tiến triển. Nó gây ra cảm giác buồn bã, mất phương hướng, thiếu động lực sống và tự ty về bản thân. Từ mức độ nhẹ đến trung bình, bệnh xảy ra với các triệu chứng lãnh đạm, chán ăn, khó ngủ, lòng tự trọng thấp, mệt mỏi nhẹ và còn có thể tiến triển nặng hơn.

2. Biểu hiện bệnh trầm cảm ở phụ nữ

Các triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ bao gồm:

  • Tâm trạng buồn bã, lo lắng, cảm giác "trống rỗng"
  • Mất hứng thú, niềm vui trong các hoạt động sống, kể cả tình dục
  • Bồn chồn, cáu gắt, khóc nhiều
  • Cảm giác tội lỗi, bất lực, thiếu niềm tin vào cuộc sống, tự ty về bản thân
  • Ngủ quá nhiều hoặc quá ít, thức dậy sớm vào buổi sáng
  • Ăn không ngon miệng và/hoặc giảm cân
  • Ăn quá nhiều và/hoặc tăng cân
  • Thiếu năng lượng, mệt mỏi, cảm giác "chậm lại"
  • Khó tập trung, ghi nhớ, đưa ra quyết định
  • Đau đầu, rối loạn tiêu hóa kéo dài
  • Suy nghĩ về cái chết, tự tử hoặc cố gắng tự tử

3. Điều gì làm tăng nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ?

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ thường chịu tác động của các yếu tố sinh sản, di truyền, một số đặc điểm tâm lý và tính cách nhất định. Phụ nữ trong thời gian chăm con nhỏ và mẹ đơn thân cũng là những đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm. Các yếu tố cụ thể như sau:

  • Tiền sử gia đình rối loạn tâm trạng
  • Tiền sử rối loạn tâm trạng trong những năm đầu sau sinh
  • Mất cha mẹ trước 10 tuổi
  • Bị cộng đồng xa lánh hoặc các yếu tố tạo cảm giác mất mát tương tự
  • Căng thẳng tâm lý do mất việc, các mối quan hệ, ly thân, ly hôn
  • Bị bóc lột sức lao động hoặc lạm dụng tình dục khi còn nhỏ
  • Do tác dụng của một số loại thuốc
  • Phụ nữ sau sinh và trầm cảm theo mùa, đặc biệt là mùa đông

Căng thẳng tâm lý do mất việc, các mối quan hệ, ly thân, ly hôn có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ
Căng thẳng tâm lý do mất việc, các mối quan hệ, ly thân, ly hôn có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ

4. Trầm cảm có di truyền không?

Trầm cảm có khả năng di truyền ở phụ nữ, xảy ra chủ yếu ở độ tuổi từ 15 đến 30. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra trầm cảm không phải lúc nào cũng có mối liên hệ với các yếu tố di truyền một cách rõ ràng.

5. Trầm cảm ở phụ nữ khác với trầm cảm ở nam giới như thế nào?

Trầm cảm ở phụ nữ có nhiều điểm khác với trầm cảm ở nam giới:

  • Trầm cảm ở phụ nữ thường xảy ra sớm hơn, kéo dài hơn, khả năng tái phát cao hơn nam giới. Nó thường gây ra bởi trạng thái căng thẳng kéo dài và nhạy cảm với những thay đổi cảm xúc theo mùa.
  • Phụ nữ bị trầm cảm thường trải qua cảm giác tội lỗi, cố gắng tự tử nhiều hơn nam giới, mặc dù trên thực tế tỷ lệ tự tự ở nữ thấp hơn so với nam.
  • Trầm cảm ở phụ nữ thường liên quan đến rối loạn lo âu, đặc biệt là các triệu chứng hoảng loạn, ám ảnh và rối loạn ăn uống.

6. Tại sao trầm cảm ở phụ nữ phổ biến hơn trầm cảm ở nam giới?

Trước độ tuổi thiếu niên, nguy cơ mắc trầm cảm ở nữ và nam là tương đương nhau. Bước vào tuổi dậy thì, nguy cơ trầm cảm ở nữ tăng gấp đôi so với nam.

Một số chuyên gia cho rằng tỷ lệ mắc trầm cảm cao ở nữ giới có liên quan đến sự thay đổi nồng độ nội tiết tố trong suốt cuộc đời, đặc biệt là các giai đoạn thay đổi nồng độ rõ ràng nhất như dậy thì, mang thai, mãn kinh, sinh con.

Ngoài ra, lượng hormone dao động theo chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng có thể góp phần gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) hoặc rối loạn tiền kinh nguyệt nghiêm trọng (PMDD). Đây là những chứng bệnh có nguyên nhân liên quan đến trầm cảm, lo lắng và thay đổi tâm trạng xảy ra ở tuần trước hành kinh và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

7. PMS và PMDD có mối quan với trầm cảm ở nữ giới?

Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) xảy ra ở mỗi 3 trên 4 phụ nữ có kinh nguyệt. PMS là một rối loạn đặc trưng bởi các triệu chứng thay đổi thể chất và tinh thần theo mức độ dao động của hormone trong từng chu kỳ kinh nguyệt. Bệnh thường gặp ở phụ nữ từ 20 - 30 tuổi.

Khoảng 3% đến 5% phụ nữ có kinh nguyệt bị rối loạn tiền kinh nguyệt nghiêm trọng (PMDD). PMDD là một dạng bệnh có triệu chứng tương tự nhưng mức độ nặng hơn của PMS. Triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng từ 7 - 10 ngày trước khi có kinh nguyệt.

Hiện nay, các nhà khoa học mới chỉ nghi ngờ chứ chưa xác định được chính xác mối liên hệ giữa PMS, PMDD với trầm cảm. Mọi điều kiện làm thay đổi hoạt động điều chỉnh tâm trạng của não bộ cùng với dao động nồng độ hormone đều có thể là yếu tố nguy cơ.

8. PMS và PMDD được điều trị như thế nào?


Tập thể dục và thiền có thể giúp ích trong quá trình điều trị PMS và PMDD
Tập thể dục và thiền có thể giúp ích trong quá trình điều trị PMS và PMDD

Tập thể dục và thiền có thể giúp ích trong quá trình điều trị PMS và PMDD. Trong các trường hợp bệnh tiến triển nghiêm trọng, người bệnh có thể được đề nghị sử dụng các biện pháp điều trị bằng thuốc, liệu pháp tâm lý cá nhân hoặc nhóm, liệu pháp kiểm soát căng thẳng.

9. Trầm cảm thường xảy ra trong thai kỳ?

Mang thai được coi là khoảng thời gian hạnh phúc, giúp bảo vệ phụ nữ khỏi các rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ mang thai và không mang thai là tương đương nhau. Vậy yếu tố nào làm tăng nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ mang thai?

  • Tiền sử trầm cảm hoặc PMDD
  • Tuổi bà mẹ khi mang thai: Tuổi càng trẻ, nguy cơ trầm cảm càng cao
  • Sống một mình
  • Ít nhận được sự quan tâm từ mọi người
  • Xung đột hôn nhân
  • Có ý định bỏ đứa bé

10. Ảnh hưởng của trầm cảm đến thai kỳ là gì?

Tác động tiềm tàng của trầm cảm đối với thai kỳ bao gồm:

  • Trầm cảm có thể cản trở khả năng tự chăm sóc của người phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Nguy cơ cao người phụ nữ sẽ không tuân theo các hướng dẫn chăm sóc thai sản trong giai đoạn mang thai, ăn ngủ không đúng cách.
  • Trầm cảm có thể khiến người phụ nữ sử dụng các chất như thuốc lá, rượu và/hoặc các loại thuốc khác có thể gây hại cho em bé.
  • Trầm cảm có thể gây khó khăn trong kết nối tình cảm mẹ con.

Bên cạnh đó, mang thai cũng tác động ngược trở lại đối với trầm cảm ở phụ nữ:

  • Những căng thẳng trong thai kỳ có thể góp phần làm tiến triển/tái phát/trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm.
  • Trầm cảm khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm sau sinh.

11. Nên làm gì khi bị trầm cảm thai kỳ?


Trong trường hợp bạn bị trầm cảm thai kỳ, bạn nêu ưu tiên chăm sóc sức khỏe của chính mình
Trong trường hợp bạn bị trầm cảm thai kỳ, bạn nêu ưu tiên chăm sóc sức khỏe của chính mình

Bạn nên ưu tiên chăm sóc sức khỏe chính mình. Giảm lượng công việc và thực hiện những điều tạo cảm giác thư giãn. Điều quan trọng không kém là bạn nên tâm sự thường xuyên với bạn bè và người thân về các mong muốn, khó khăn gặp phải trong quá trình mang thai để được nhận hỗ trợ kịp thời.

Nếu bạn tăng cường độ lo lắng, cảm giác thất vọng thì nên cân nhắc thực hiện các liệu pháp điều trị. Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ để được giới thiệu đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần có uy tín để điều trị.

12. Trầm cảm trong thời kỳ mang thai được điều trị như thế nào?

Hiện nay, các loại thuốc chống trầm cảm (hầu hết các SSRI, trừ Paxil) đều có nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi. Tùy vào loại thuốc sử dụng mà tạo ra các ảnh hưởng khác nhau. Do đó, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn về các lợi ích và rủi ro trong quá trình điều trị trầm cảm khi mang thai để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Tuy nhiên, nếu trầm cảm không được điều trị có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Liệu pháp sốc điện (ECT) thỉnh thoảng được sử dụng trong điều trị trầm cảm nặng trong thời kỳ mang thai khi các phương pháp khác không có tác dụng.

13. Trầm cảm sau sinh ở phụ nữ được điều trị như thế nào?

Trầm cảm sau sinh thường được điều trị như các dạng trầm cảm khác là sử dụng thuốc và các liệu pháp tâm lý. Nếu phụ nữ trong thời kỳ cho con bú muốn sử dụng thuốc chống trầm cảm thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ trước khi quyết định sử dụng thuốc. Thuốc chống trầm cảm chỉ tồn tại với một hàm lượng nhỏ trong sữa mẹ và ảnh hưởng của nó đến trẻ sơ sinh vẫn chưa được tìm hiểu rõ.

Hiện nay, brexanolone (Zulresso), một loại thuốc mới đã được phê duyệt trong điều trị trầm cảm sau sinh. Thuốc được sử dụng bằng cách tiêm tĩnh mạch trong thời gian 3 ngày, và có tác dụng hiệu quả đối với hầu hết phụ nữ.

14. Có phải tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ tăng ở tuổi trung niên?

Thời kỳ tiền mãn kinh thường bắt đầu ở độ tuổi 40 (hoặc sớm hơn đối với một số người) và kéo dài cho đến khi kết thúc kinh nguyệt trong một năm (chuyển sang giai đoạn mãn kinh). Trong 1 - 2 năm cuối của thời kỳ tiền mãn kinh, nồng độ estrogen giảm xuống nhanh chóng, gây các triệu chứng mãn kinh.

Sự sụt giảm nồng độ estrogen trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh gây ra những thay đổi về thể chất và cảm xúc như trầm cảm hoặc lo lắng. Sự thay đổi đột ngột nồng độ hormone gây ra các ảnh hưởng về thể chất và tinh thần nhất định. Tiêu biểu là kinh nguyệt quá dài hoặc ngắn ngày, chu kỳ kinh nguyệt bất thường và bốc hỏa.

15. Làm thế nào giảm các triệu chứng mãn kinh?


Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn giảm thiệu các triệu chứng ở thời kỳ mãn kinh
Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn giảm thiệu các triệu chứng ở thời kỳ mãn kinh

Một số lời khuyên cho người phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh như sau:

  • Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên
  • Khuyến khích tham gia các hoạt động xã hội, môi trường phát triển lành mạnh
  • Tập yoga, thiền hoặc thực hiện các động tác thở chậm, sâu
  • Giữ cho phòng ngủ mát mẻ, ngăn mồ hôi đêm và xáo trộn giấc ngủ
  • Chia sẻ những khó khăn gặp phải cho bạn bè, người thân hoặc nhờ sự giúp đỡ của các tư vấn viên chuyên ngành
  • Luôn kết nối với gia đình và cộng đồng, nuôi dưỡng tình bạn
  • Uống thuốc, vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ
  • Mặc quần áo rộng để giữ mát khi thời tiết nóng

16. Trầm cảm ở phụ nữ được điều trị như thế nào?

Các phương pháp được sử dụng trong điều trị trầm cảm bao gồm thuốc chống trầm cảm, liệu pháp kích thích hoạt động của não bộ như ECT và liệu pháp tâm lý cá nhân. Trị liệu gia đình có thể giải pháp cho những người bị trầm cảm do căng thẳng trong đời sống gia đình.

Các bác sĩ tâm lý sẽ tư vấn bạn xác định liệu trình điều trị tốt. Nếu không, bạn có thể lựa chọn các sự trợ giúp khác từ cộng đồng như:

  • Trung tâm sức khỏe tâm thần cộng đồng
  • Chương trình hỗ trợ nhân viên
  • Bác sĩ gia đình
  • Dịch vụ gia đình/cơ quan xã hội
  • Tổ chức bảo vệ sức khỏe
  • Khoa tâm thần bệnh viện và phòng khám ngoại trú
  • Trung tâm y tế và/hoặc tâm thần địa phương
  • Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần như bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học, nhân viên xã hội hoặc cố vấn sức khỏe tâm thần
  • Phòng khám tư nhân
  • Bệnh viện ngoại trú
  • Các chương trình liên kết với trường đại học hoặc trường y dược

Trầm cảm là một bệnh lý liên quan đến tâm trí và cơ thể, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đặc biệt là khi nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở phụ nữ ngày càng tăng cao do nhiều yếu tố như áp lực cuộc sống, sinh con, sau sinh,... Vì thế khi thấy các triệu chứng trầm cảm của chính mình hoặc bạn bè, người thân xung quanh, cần đi khám chuyên khoa sớm nhất để được điều trị bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe