Dị ứng do bị côn trùng đốt

Khi bị côn trùng đốt (đặc biệt là côn trùng độc) không nên chủ quan coi thường bởi theo ước tính trong 100 người bị côn trùng cắn sẽ có 1-3 người bị các phản ứng như nổi mề đay, phù mặt, co thắt phế quản, và nặng nhất là sốc phản vệ nguy hiểm tới tính mạng. Tình trạng dị ứng với nọc côn trùng có thể giảm thiểu nếu người bệnh nắm vững các bước xử lý và phòng ngừa cơ bản.

1. Nguyên nhân dị ứng do côn trùng đốt

Các côn trùng thường hay cắn và gây phản ứng dị ứng ở da là: Bọ ve, chấy rận, rệp, ruồi trâu, kiến ba khoang, ong vò vẽ, ong bắp cày và kiến lửa...Một số loại thường tiết ra pederin khi tiếp xúc với da người thường gây phản ứng viêm mạnh, tạo ra các nốt phỏng nước.

Việc dị ứng với nọc côn trùng là do sự nhạy cảm với kháng nguyên độc tố. Hệ thống miễn dịch của người bị côn trùng đốt phản ứng quá mạnh với nọc côn trùng và coi những chất này như “tác nhân lạ” gây hại cho cơ thể. Trong quá trình phản ứng với tín hiệu nhầm lẫn, hệ miễn dịch sẽ sản sinh lượng kháng thể IgE nhỏ nhắm vào nọc côn trùng đó. Nhưng ở những lần sau, phản ứng của kháng thể IgE sẽ mạnh và nhanh hơn. Phản ứng IgE này dẫn đến giải phóng Histamin và các hóa chất gây viêm khác, là nguồn cơn của các triệu chứng dị ứng với nọc côn trùng.

Bọ ve truyền bệnh Lyme
Côn trùng thường hay cắn và gây phản ứng dị ứng ở da là bọ ve, chấy rận, rệp, ruồi trâu..

2. Triệu chứng dị ứng với nọc côn trùng

Một số phản ứng nhẹ có thể thấy ngay tại chỗ bị côn trùng đốt (thường là tay, chân, vùng da hở) như:

  • Một vết nhỏ giống như mụn
  • Sưng nhẹ đến vừa phải
  • Đau rát
  • Nóng tại chỗ đốt
  • Ngứa

Các phản ứng nặng hơn (ít gặp) thể hiện việc dị ứng với nọc côn trùng là:

  • Khó thở
  • Phát ban
  • Ngứa ngáy lan rộng đến các khu vực xa vết đốt
  • Sưng phù mặt, cổ họng hoặc phần miệng hoặc lưỡi
  • Thở khò khè, nuốt khó
  • Nôn mửa
  • Bồn chồn lo lắng
  • Mạch nhanh
  • Chóng mặt, tụt huyết áp
  • Sốt nhẹ
  • Sốc phản vệ

Tùy vào nguyên nhân do loài côn trùng nào đốt, số lượng và diện tính tổn thương da mà thể hiện ra những triệu chứng bên ngoài khác nhau. Nhiều trường hợp các loại côn trùng có nọc độc như ong vò vẽ, ong bắp cày, bọ cạp khi cắn, đốt có thể gây phản ứng tức thời mạnh như sốc phản vệ gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

Bác sĩ có thể chẩn đoán nguy cơ diễn tiến bằng cách nhận biết được con vật đốt, thăm khám và hỏi qua bệnh sử bệnh nhân

Bé bị sốt siêu vi phát ban phải làm sao
Phát ban là triệu chứng dị ứng thường gặp khi bị côn trùng đốt

3. Xử lý dị ứng do bị côn trùng đốt

Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của phản ứng mà có những cách xử lý khác nhau. Đối với phản ứng tại chỗ bằng các loại thuốc uống và bôi tại chỗ:

  • Loại bỏ tiếp xúc với nọc côn trùng
  • Vệ sinh sạch sẽ vùng bị đốt với nước và xà phòng
  • Áp bọc nước lạnh để giảm đau và giảm sưng
  • Uống nhiều nước
  • Dùng thuốc bôi tại chỗ như dung dịch Jarish, tránh dùng các thuốc bôi corticoid vì hạn chế lành vết thương
  • Nếu nặng hơn thì cân nhắc dùng thuốc uống như thuốc kháng Histamin thế hệ 1 (chlorpheniramin, promethazin, hydroxyzine...) hoặc thế hệ 2 (loratadin, cetirizin, fexofenadin...) hoặc kết hợp cả hai loại nếu bị ngứa, phát ban, sưng nhiều.

Đối với trường hợp phản ứng nặng, thậm chí nguy kịch thì cần phải chăm sóc, cấp cứu tích cực, cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Uống nhiều nước giúp phòng ngừa vôi hóa gan
Uống nhiều nước để giảm dị ứng khi bị côn trùng đốt

4. Phòng ngừa dị ứng do côn trùng đốt

Để phòng ngừa nguy cơ bị côn trùng đốt, bạn có thể:

  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường có nhiều côn trùng, tổ côn trùng như gác xép, gò đất, khúc gỗ, tường cũ, tổ ong, bụi cây
  • Phát quang bụi rậm quanh nhà tránh để côn trùng sản sinh, tụ tập làm tổ
  • Quan sát kiểm tra kĩ đồ vật trước khi sử dụng
  • Chuẩn bị trang phục kín, giày, vớ khi đến khu vực nông thôn hay rừng cây hoăc khi phải lao động tại môi trường có nhiều côn trùng
  • Tránh xịt nước hoa hoặc mặc quần áo có màu sáng, vì chúng có xu hướng thu hút các loại côn trùng
  • Mắc cửa lưới cho cửa sổ và cửa ra vào để ngăn côn trùng. Hoặc sử dụng thuốc bôi chống côn trùng khi ở bên ngoài
  • Nếu bạn có tiền sử dị ứng côn trùng đốt nghiêm trọng, hãy đảm bảo có người đi cùng nếu bạn đi dạo hoặc thực hiện những hoạt động ngoài trời tại nơi có nhiều cây cỏ, bụi cây. Lưu ý nên mang theo hộp sơ cứu chống dị ứng có thuốc kháng Histamin và Epinephrine loại chích
  • Có thể cân nhắc tiêm ngừa dị ứng để giảm thiểu sự nhạy cảm với độc tố của nọc côn trùng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

125.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan