Thuốc Zaloe 10% thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh da liễu có thành phần chính là kẽm oxyd, nên được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý da liễu như chàm, bỏng, côn trùng đốt,...Người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn để đảm bảo hiệu quả điều trị, tránh tác dụng phụ không mong muốn.
1. Thuốc Zaloe là gì?
Thuốc Zaloe 10% thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh da liễu có thành phần chính là kẽm oxyd. Kẽm oxyd có khả năng làm săn da và sát khuẩn nhẹ. Thuốc thường được dùng bôi tại chỗ để bảo vệ, làm dịu tổn thương chàm và các chỗ trầy da nhẹ. Ngoài ra, kẽm oxyd có thể phản xạ tia cực tím nên còn được dùng trong kem bôi chống nắng.
Bên cạnh đó, kẽm oxyd còn là chất cơ sở để làm một số loại xi măng trong nha khoa. Khi trộn với acid phosphoric, kẽm oxyd tạo thành một vật liệu cứng, vật liệu này được trộn với dầu đinh hương hoặc eugenol dùng trám răng tạm thời.
Phần lớn các chế phẩm chứa kẽm oxyd còn có những chất khác như bismuth oxyd, titan oxyd, glycerol, bôm (nhựa thơm) Peru, ichthammol... đặc biệt các chất mỡ có thể bịt kín da và dễ gây bội nhiễm.
2. Chỉ định của thuốc Zaloe
Thuốc Zaloe được chỉ định rộng rãi trong trường hợp điều trị khô da, các bệnh da liễu bao gồm:
- Da bị kích ứng do hậu môn nhân tạo, lỗ dò tiêu hoá, mở thông bàng quang ra da.
- Hỗ trợ điều trị chàm
- Vết bỏng nông, không rộng.
- Cháy nắng, hồng ban do ánh nắng
- Côn trùng đốt, ban do tã lót, tăng tiết nhờn, chốc, nấm da, vẩy nến, loét giãn tĩnh mạch, ngứa.
3. Liều lượng và cách dùng thuốc Zaloe
Thuốc Zaloe được bào chế dưới dạng kem bôi, nên người bệnh cần dùng thuốc bằng cách bôi ngoài da. Liều lượng dùng thuốc như sau:
- Tổn thương trên da: sau khi khử khuẩn, bệnh nhân bôi một lớp thuốc mỏng lên vùng da bị tổn thương từ 1 - 2 lần/ngày. Có thể dùng một miếng bông vô khuẩn che lên vùng da tổn thương.
- Chàm: bôi một lớp dày chế phẩm có chứa ichthammol, kẽm oxyd, glycerol lên vùng tổn thương từ 2 - 3 lần một ngày.
- Đau ngứa hậu môn, nhất là trong những đợt trĩ: bôi thuốc vào hậu môn, ngày 2 - 3 lần, sau mỗi lần đi ngoài. Tuy nhiên, cần chú ý không nên dùng dài ngày. Trường hợp sau 7 - 10 ngày dùng thuốc triệu chứng vẫn không thuyên giảm, bệnh nhân cần tới bệnh viện thăm khám hậu môn trực tràng để tìm nguyên nhân gây chảy máu.
4. Chống chỉ định của thuốc Zaloe
Chống chỉ định sử dụng thuốc Zaloe trong những trường hợp sau đây:
- Quá mẫn với bất kỳ thành phần của chế phẩm, đặc biệt với pyrazol.
- Tổn thương da do nhiễm khuẩn.
5. Tác dụng phụ của thuốc Zaloe
Khi sử dụng thuốc Zaloe, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ hiếm gặp như sau:
- Các tá dược, bôm Peru, lanolin có thể gây chàm tiếp xúc.
- Dị ứng với các thành phần của chế phẩm.
Theo đó, để tránh tương tác thuốc có thể xảy ra khi sử dụng Zaloe, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, kể cả các loại thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng.
Bài viết đã cung cấp thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Zaloe. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng thuốc, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.