Dấu hiệu u bàng quang lành tính và cách chữa

U bàng quang lành tính được hình thành khi các tế bào bên trong bàng quang tiếp xúc với các hóa chất độc hại và xảy ra tình trạng phình, phù nề, mất nguyên sinh chất. Vậy dấu hiệu để nhận biết sớm u bàng quang lành tính là gì? Cách điều trị như thế nào? Nội dung bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc trên.

1. U bàng quang lành tính là gì?

U bàng quang lành tính được hình thành khi các tế bào bên trong bàng quang tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại và xảy ra các tình trạng như phình, phù nề và mất nguyên sinh chất. Chỉ có khoảng 1% người bệnh có u bàng quang được chẩn đoán là u bàng quang lành tính. Tỷ lệ này rất thấp và nếu người bệnh được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì u bàng quang lành tính có thể sẽ không phát triển thành bệnh u bàng quang ác tính. Mặc dù không đe dọa tới tính mạng nhưng u này vẫn khiến bệnh nhân gặp nhiều vấn đề rắc rối do các triệu chứng mà nó gây ra. Để chẩn đoán u bàng quang lành tính hay ác tính, người bệnh thường được chỉ định thực hiện các xét nghiệm về sinh thiết tế bào và phân tích thông số nước tiểu.

2. Phân loại u bàng quang lành tính

  • U nhú bàng quang (Papilloma): Khối u bắt đầu phát triển từ các tế bào biểu mô tạo nên lớp lót bên trong của bàng quang và có xu hướng phát triển về phía trung tâm.
  • U nhú ngược (Inverted papilloma): Ở lớp niêm mạc bàng quang xuất hiện các khối u nhỏ và lớn dần, lan rộng đến thành bàng quang.
  • U mềm cơ trơn (leiomyoma): Khối u khởi phát từ cơ trơn của bàng quang, chiếm 0.4% tổng các khối u bàng quang kể cả ác tính. Có đến 75% người gặp phải các khối u này là người trẻ tuổi và trung niên, chỉ có 25% là người cao tuổi.
  • U xơ đơn độc (solitary fibrous tumour): Khối u được hình thành từ các mô liên kết sợi của thành bàng quang.
  • U máu (hemangioma): Sự tích tụ bất thường của các mạch máu trong bàng quang.
  • U sợi thần kinh (neurofibroma): Khối u nhỏ nằm trong dây thần kinh bàng quang.
  • Lipoma: Xuất phát từ chất béo xung quanh bàng quang.

3. Dấu hiệu u bàng quang lành tính

Đa số các trường hợp bệnh nhân mắc phải u bàng quang lành tính, quá trình phát triển của bệnh khá chậm, khả năng di căn sang các mô và cơ quan khác trong cơ thể không nhiều và ít gây các triệu chứng khó chịu và đau đớn cho người bệnh như các trường hợp mắc phải u bàng quang ác tính. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm thì khối u đó cũng sẽ phát triển thành khối u lớn trong bàng quang, làm giảm sức chứa nước tiểu của bàng quang đáng kể và chèn ép lên các cơ quan khác như niệu đạo, tuyến tiền liệt ở nam giới hoặc tử cung của phụ nữ. Các triệu chứng của bệnh cũng tương tự như ung thư bàng quang như sau:

  • Tiểu khó: Người bệnh đi tiểu không hết nước tiểu trong bàng quang, nước tiểu ra từng ít một, tia tiểu yếu, tiểu ngắt quãng, tiểu nhỏ giọt. Một số người bệnh muốn đi tiểu được cố gắng rặn mới đi được khi khối u lớn gây chèn ép bàng quang.
  • Đau khi đi tiểu, có cảm giác đau buốt.
  • Đi tiểu liên tục, cần phải giải quyết ngay lập tức, đôi khi không kịp tiểu tiện khiến nước tiểu són ra quần, nhưng lượng nước tiểu mỗi lần đi rất ít.
  • Tiểu máu: Quan sát nước tiểu thường có máu cục hoặc màu nước tiểu thường có màu hồng, đỏ.

4. Mức độ nguy hiểm của u bàng quang lành tính

Tùy vào cơ địa của mỗi người, khối u sẽ tác động đến chức năng của bàng quang để xác định mức độ nguy hiểm mà nó gây ra. Theo số liệu thống kê, các trường hợp u bàng quang lành tính nếu không tích cực điều trị thì có thể tiến triển thành u bàng quang ác tính trong vòng khoảng 10 năm trở lại. Vì vậy, việc theo dõi và điều trị kịp thời khi có các triệu chứng bất thường ở bàng quang sẽ cực kỳ quan trọng trong việc phòng ngừa nguy cơ dẫn đến u bàng quang ác tính có thể xảy ra.

Đa số các trường hợp người bệnh mắc phải u bàng quang ác tính thì cơ chế gây bệnh là làm phá huỷ các tế bào tại bàng quang về chiều sâu vào các lớp cơ, nên nhiều trường hợp có thể gây thủng thành bàng quang. Ở giai đoạn muộn, u bàng quang ác tính có thể di căn đến các mô và cơ quan lân cận trong cơ thể, theo hệ thống tuần hoàn máu hoặc hệ bạch huyết, dễ dàng xâm nhập và gây bệnh tại các cơ quan trọng yếu của cơ thể như gan, xương và phổi,...

Tỷ lệ người bệnh có thể sống trên 5 năm nếu được chẩn đoán và điều trị sớm là từ 51 - 79%. Trường hợp khối u lớn, xâm lấn nhiều vào các lớp cơ của bàng quang thì khả năng sống của bệnh nhân trên 5 năm sẽ giảm xuống còn khoảng 25 - 47%.

5. Điều trị u bàng quang lành tính

Khi được chẩn đoán mắc u bàng quang, người bệnh thường có tâm lý chung là lo lắng. Tuy nhiên, trường hợp là u bàng quang lành tính thường không gây nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh. Khi các triệu chứng của u bàng quang lành tính xuất hiện, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm liên quan cần thiết để theo dõi mức độ tiến triển của bệnh. Trường hợp khối u còn nhỏ, chưa có hiện tượng chèn ép và chưa có triệu chứng lâm sàng thì người bệnh chưa cần can thiệp gì, có thể thăm khám theo định kỳ nhằm theo dõi tiến triển của bệnh. Những trường hợp u xơ lớn, chiếm quá nhiều diện tích bàng quang, gây chèn ép đến các cơ quan lân cận và có thể gây ra tình trạng chảy máu thì bắt buộc phải dùng phương pháp phẫu thuật để loại bỏ khối u.

Phẫu thuật nội soi u bàng quang là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị u bàng quang quang lành tính. Các bước thực hiện bao gồm:

  • Tiến hành gây tê tủy sống nửa thân người dưới hoặc toàn thân.
  • Luồn một ống nhỏ có gắn máy quay, đèn và dao cắt vào lỗ niệu đạo của bệnh nhân.
  • Ống nhỏ ở trên được đưa vào bàng quang, bác sĩ sau khi xác định được hình ảnh của khối u trên màn hình sẽ tiến hành cắt bỏ nó. Bác sĩ phẫu thuật có thể phải cắt sâu vào tận lớp cơ của bàng quang để loại bỏ tận gốc chân của tế bào khối u.

Sau khi kết thúc phẫu thuật, bệnh nhân cần được tiếp tục theo dõi và nghỉ ngơi, dưỡng sức trong vài ngày trước khi xuất viện. Người bệnh sẽ được đặt một ống thông tiểu để giúp nước tiểu dễ dàng thoát ra ngoài cho đến khi vết mổ được lành hẳn. Tuy nhiên, sau khi xuất viện mà người bệnh gặp bất cứ dấu hiệu bất thường nào thì cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra. Tùy vào mức độ chảy máu của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm thuốc giãn bàng quang nhằm giảm co thắt, giúp điều trị giảm nhẹ các triệu chứng kèm theo như đau cho người bệnh.

Trường hợp khối u có kích thước lớn, bác sĩ sẽ phải cắt tận sâu vào trong lớp cơ bàng quang để giúp loại bỏ chân của khối u. Theo số liệu nghiên cứu cho thấy u bàng quang nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì tỷ lệ sống trên 5 năm khoảng 51 - 79%, tỷ lệ này sẽ giảm xuống chỉ còn 25 - 47% khi khối u đã phát triển xuống sâu hơn vào bên trong các lớp cơ của bàng quang.

6. Phòng ngừa ung thư bàng quang

  • Không hút thuốc lá, đặc biệt hít phải khí thuốc lá.
  • Thực hiện đúng các quy định về phương tiện bảo hộ khi lao động trong môi trường tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại.
  • Cần kiểm tra nguồn nước sinh hoạt để xác định nồng độ, hàm lượng kim loại nặng và một số chất độc hại có trong nước trước khi sử dụng.
  • Nên uống đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để giúp thận đào thải các hóa chất, độc tố của cơ thể.
  • Cải thiện chế độ ăn uống khoa học, ăn các loại rau củ chứa nhiều chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa...
  • Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe.

Trên đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến u bàng quang lành tính. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh nhằm giúp người bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm, làm giảm khả năng xảy ra các nguy cơ bệnh diễn biến nặng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe