Có phải nam giới bị thoát vị bẹn nhiều hơn nữ giới?

Thoát vị bẹn xảy ra khi một phần của ruột hoặc mỡ mạc treo xuyên qua một khu vực yếu của thành bụng đến hai bên của ống bẹn. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng; tuy nhiên, thoát vị bẹn thường gặp ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới

1. Thoát vị bẹn là gì?

Ống bẹn là một hố tự nhiên của vùng bẹn, có chứa các thành phần quan trọng như thừng tinh, dây chằng tròn ở nữ. Có thể tưởng tượng ống bẹn như là một ống hình trụ với hai đầu là lỗ bẹn sâu và lỗ bẹn nông, còn thân ống được bao quanh bởi các thành.

Thoát vị bẹn là tình trạng các tạng bên trong ổ bụng thoát ra ngoài qua điểm yếu của màng bụng vào ống bẹn vì một nguyên nhân nào đó. Tình trạng này có thể là bẩm sinh hoặc mắc phải.

Có hai dạng thoát vị bẹn gồm:

  • Bệnh thoát vị bẹn gián tiếp: Khi tạng trong ổ bụng thoát vị đi qua ống phúc tinh mạc, đây là dạng thoát vị bẹn bẩm sinh. Bình thường ống phúc tinh mạc sẽ được bít lại sau khi sinh, nhưng ở trường hợp này do nguyên nhân nào đó mà ống phúc tinh không bít lại, dẫn tới tạng trong ổ bụng thoát qua.
  • Bệnh thoát vị bẹn trực tiếp: Khi tạng trong ổ bụng thoát vị đi qua điểm yếu của thành bẹn, đây là dạng thoát vị bẹn mắc phải. Dạng thoát vị này xảy ra ở người làm việc gắng sức, người thường xuyên bị tăng áp lực ổ bụng.

Thoát vị bẹn là tình trạng các tạng bên trong ổ bụng thoát ra ngoài qua điểm yếu của màng bụng vào ống bẹn vì một nguyên nhân nào đó
Thoát vị bẹn là tình trạng các tạng bên trong ổ bụng thoát ra ngoài qua điểm yếu của màng bụng vào ống bẹn vì một nguyên nhân nào đó

2. Dấu hiệu bệnh thoát vị bẹn

  • Người bệnh thấy xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn. Khối này đôi khi tự mất đi khi nghỉ ngơi, thư giãn. Hoặc khối phồng xuất hiện tăng lên khi tăng áp lực ổ bụng như ho, hắt hơi, rặn, mang vác nặng...
  • Khi sờ thấy khối thoát vị mềm, di động, thường không đau, đôi khi cảm giác tức nhẹ hoặc nặng. Đôi khi người bệnh có thể tự đẩy khối thoát vị lên bằng tay.
  • Ngoài ra, một số dấu hiệu xuất hiện khi bệnh đã xảy ra biến chứng như: Nôn, buồn nôn, đau nhức nhiều, sốt, vùng thoát vị sưng nóng...

3. Biến chứng bệnh thoát vị bẹn

  • Nghẹt khối thoát vị: Khi khối thoát vị bị nghẹt làm giảm máu nuôi dưỡng tới phần nội tạng bị thoát vị, nếu khối thoát vị là ruột người bệnh thấy các triệu chứng khác như nôn, buồn nôn... Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây hoại tử do không đủ lượng máu cung cấp phần thoát vị.
  • Chèn ép cấu trúc xung quanh: Ở nam giới khi khối thoát vị lớn chui xuống ống bẹn gây chèn ép vào thừng tinh, gây ảnh hưởng tới mạch máu nuôi tinh hoàn gây đau và sưng bìu.
  • Tắc ruột: Thường gặp nhất là ruột non, hiếm hơn là đại tràng, đôi khi có cả dạ dày. Khi có bệnh nhân vào viện với triệu chứng của tắc ruột như đau bụng, buồn nôn, chướng bụng, bí trung đại tiện. Nhưng không biết nguyên nhân do đâu thì cần chú ý có thể nguyên nhân do khối thoát vị bẹn.

Tắc ruột là biến chứng có thể gặp phải của bệnh nhân thoát vị bẹn
Tắc ruột là biến chứng có thể gặp phải của bệnh nhân thoát vị bẹn

4. Ai có nguy cơ bị thoát vị bẹn cao?

Bệnh thoát vị bẹn có thể xảy ra ở bất cứ ai và ở bất cứ độ tuổi nào, cả nam giới và phụ nữ đều có thể mắc thoát vị bẹn. Tuy nhiên, thoát vị bẹn thường gặp ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới do cấu tạo vùng bẹn ở nam có thừng tinh chạy quá nên thành bụng tại nơi này khá yếu. Từ đó có nguy cơ thoát vị cao.

Theo thống kê thì tỷ lệ mắc thoát vị bẹn ở nam giới gắp từ 7-8 lần so với nữ giới... Như vậy tỷ lệ mắc bệnh thoát vị bẹn ở nam giới cao hơn nữ giới, gần như nữ giới rất hiếm thấy bị thoát vị bẹn, thường chỉ xuất hiện khi có tình trạng tăng áp lực ổ bụng kéo dài hoặc sau phẫu thuật.

Ngoài yếu tố giới tính thì có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc thoát vị bẹn bao gồm:

  • Thường xuyên bị táo bón: Nếu bị táo bón kéo dài cũng là một trong những yếu tố thuận lợi gây bệnh chủ yếu của thoát vị bẹn. Do khi bị táo bón, người bệnh thường rặn nhiều gây tăng áp lực ổ bụng.
  • Mang thai: Khi phụ nữ mang thai sẽ làm tăng áp lực ổ bụng, tăng nguy cơ gây thoát vị bẹn ở phụ nữ.
  • Tình trạng thừa cân, béo phì làm tăng thêm áp lực lên ổ bụng của người bệnh.
  • Trẻ sinh thiếu tháng: Yếu tố nguy cơ gây thoát vị bẩm sinh ở trẻ em, trẻ sơ sinh...
  • Ho mãn tính: Gặp người hút thuốc lá, bị viêm phế quản mạn tính có thể làm tăng nguy cơ bị thoát vị bẹn.
  • Người có ngành nghề hay phải đứng trong thời gian dài hoặc công việc lao động chân tay nặng.
  • Người có tiền sử gia đình đã có người bị thoát vị bẹn.

Táo bón kéo dài cũng là một trong những yếu tố thuận lợi gây bệnh chủ yếu của thoát vị bẹn
Táo bón kéo dài cũng là một trong những yếu tố thuận lợi gây bệnh chủ yếu của thoát vị bẹn

5. Cách phòng tránh thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn mắc phải hoàn toàn có thể hạn chế được nhờ chế độ sinh hoạt. Đặc biệt đối với nam giới đối tượng nguy cơ mắc bệnh cao cần chú ý để tránh nguy cơ mắc bệnh.

  • Giảm cân nếu bị béo phì, nên duy trì cân nặng hợp lý bằng cách tập thể dục thường xuyên và một chế độ ăn lành mạnh.
  • Ăn tăng cường chất xơ, uống đủ nước mỗi ngày để hạn chế táo bón.
  • Tránh mang vác vật nặng, sai tư thế. Nên chú ý khi mang vác vật thì luôn để cột sống thẳng.
  • Tránh hút thuốc lá, điều trị bệnh lý hô hấp triệt để.

Do một số nguyên nhân mà tỷ lệ mắc thoát vị bẹn ở nam giới cao hơn nữ giới rất nhiều. Nhưng không có nghĩa là nữ giới không mắc bệnh. Bệnh có thể phòng tránh được nếu chúng ta duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm và điều trị bệnh tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác và đem lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe