Chức năng của các tế bào máu và huyết tương

Bài viết được viết bởi ThS.BS Lê Thị Na - Bác sĩ Huyết học, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Lượng máu ở người khỏe mạnh tương đối ổn định và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới, cân nặng... Lượng máu tỉ lệ thuận với trọng lượng cơ thể, mỗi người có trung bình từ 70 - 80ml máu/kg cân nặng. Lượng máu tương đối ổn định nhờ cơ chế điều hòa giữa lượng máu sinh ra ở tủy xương và lượng máu bị mất đi hàng ngày. Máu gồm hai thành phần: tế bào và huyết tương. Tế bào máu gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Huyết tương gồm các yếu tố đông máu, kháng thể, nội tiết tố, protein, muối khoáng và nước.

1. Hồng cầu

Tế bào hồng cầu làm nhiệm vụ vận chuyển oxy trong cơ thể. Chúng rất nhỏ và có hình dạng trông như những chiếc bánh vòng. Tuổi thọ trung bình của hồng cầu là 120 ngày trong cơ thể. Chúng chứa một protein gọi là hemoglobin, chứa sắt, có khả năng hút chặt lấy oxy và cũng là nguyên nhân làm cho máu màu đỏ.

Tế bào hồng cầu rất mềm dẻo. Chúng có khả năng chui xuyên qua cả những mạch máu nhỏ nhất, gọi là mao mạch, để cung cấp oxy cho tất cả các tế bào trong cơ thể. Khi hồng cầu chạm đến các cơ quan và mô, hemoglobin sẽ nhả oxy cung cấp cho những tế bào cần nó.


Hình ảnh tế bào hồng cầu
Hình ảnh tế bào hồng cầu

2. Tiểu cầu

Tiểu cầu là tế bào nhỏ hơn tế bào hồng cầu. Trên thực tế, chúng là những mảnh nhỏ của một loại tế bào lớn hơn khác, gọi là mẫu tiểu cầu (megakaryocyte) trong tủy xương. Tiểu cầu được hình thành bằng cách tách ra từ mẫu tiểu cầu.

Tiểu cầu chỉ có tuổi thọ trung bình từ 8 đến 10 ngày trong cơ thể. Bởi vậy, những thế hệ tiểu cầu mới được tạo ra liên tục. Trong cơ thể tiểu cầu có tác dụng làm đông máu. Khi bị thương, tiểu cầu trong máu sẽ kết tụ lại, dính vào những mô bị tổn thương và hình thành cục máu đông. Tiểu cầu cũng giải phóng một số chất tăng trưởng làm tăng tốc độ bình phục của mô hư hỏng.


Hình ảnh tế bào tiểu cầu
Hình ảnh tế bào tiểu cầu

3. Bạch cầu

Là một thành phần trong máu, bạch cầu là những tế bào thuộc hệ thống miễn dịch của cơ thể. Một số tế bào bạch cầu có khả năng giết chết vi sinh vật bằng cách nuốt chửng chúng. Một số loại tế bào bạch cầu khác, được gọi là lymphocytes, giải phóng kháng thể giúp chống lại nhiễm trùng.

Tất cả các tế bào máu và huyết tương không hoạt động riêng rẽ mà phối hợp nhịp nhàng với nhau. Ví dụ, khi bạn bị đứt tay, tiểu cầu sẽ kết tụ để ngăn ngừa chảy máu. Huyết tương cung cấp các chất dinh dưỡng và protein hỗ trợ việc đông máu. Trong khi đó, các tế bào bạch cầu giúp ngăn ngừa vết cắt bị nhiễm trùng. Các tế bào hồng cầu cung cấp oxy để giữ cho mô khỏe mạnh và bình phục sau này.


Hình ảnh tế bào bạch cầu hạt trung tính
Hình ảnh tế bào bạch cầu hạt trung tính

4. Huyết tương

Phần dung dịch, có màu vàng, là dịch thể của máu gồm nhiều chất quan trọng cho sự sống. Thành phần của huyết tương bao gồm:

  • Nước: Ở người trưởng thành, nước chiếm khoảng 70% trọng lượng toàn cơ thể, nước phần lớn nằm ngoài tế bào ở dịch kẽ và máu tuần hoàn, duy trì cân bằng giữa nước trong và ngoài tế bào.
  • Các chất khoáng: Natri, calci, clo, magie, sắt, các chất kiềm khác,...
  • Protein: bao gồm albuminglobulin, là nguồn cung cấp nguyên liệu tạo dựng cơ thể và chống nhiễm trùng.
  • Lipid: Tham gia điều hòa nội môi, dinh dưỡng, tạo tổ chức.
  • Đường: Dinh dưỡng tạo năng lượng.
  • Các sinh tố: Tham gia tổng hợp các chất và chuyển hóa năng lượng.

Huyết tương thay đổi theo tình trạng sinh lý trong cơ thể, ví dụ sau bữa ăn huyết tương có màu đục và trở nên trong, màu vàng chanh sau khi ăn vài giờ.


Huyết tương đã được ly tâm
Huyết tương đã được ly tâm

Khi cơ thể mất máu, mất nước hoặc thiếu các nguyên liệu tạo máu đều ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể. Mất máu có thể là do chảy máu cấp tính hoặc các nguyên nhân gây mất máu từ từ. Mất nước có thể do nôn, tiêu chảy, sốt hoặc tình trạng thiếu nước của cơ thể. Chế độ ăn cung cấp không đủ, không cân đối các chất dinh dưỡng, các nguyên liệu tạo máu đều gây thiếu hụt các thành phần của máu. Thêm vào đó là các yếu tố ngoại lai như nhiễm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, các bệnh lý mắc phải đều ảnh hưởng đến chức năng của các thành phần trong máu.

Khám sức khỏe và đặc biệt là xét nghiệm máu định kỳ nhằm phát hiện sớm các nguy cơ gây bất thường các thành phần của máu để có biện pháp can thiệp kịp thời.

>>Xem thêm: Vai trò của huyết tương trong cơ thể- Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Na - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe