Hỏi
Chào bác sĩ,
Huyết tương của em có màu hồng nhạt và máu của em đặc. Vậy bác sĩ cho em hỏi nữ giới huyết tương màu hồng nhạt có ảnh hưởng gì? Em cảm ơn bác sĩ.
Trương Thảo (2001)
Trả lời
Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương - Đơn nguyên Huyết học và Trị liệu tế bào, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Nữ giới huyết tương màu hồng nhạt có ảnh hưởng gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Bạn đang hiểu nhầm về huyết tương. Huyết tương cùng với các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) tạo nên máu trong cơ thể con người. Huyết tương là một trong những thành phần quan trọng nhất của máu. Huyết tương chiếm tới 55 - 65% tổng lượng máu trong cơ thể.
- Màu sắc: Huyết tương ở người khỏe mạnh là chất lỏng có màu vàng nhạt và trong suốt. Huyết tương thay đổi thường xuyên theo tình trạng sinh lý trong cơ thể, ví dụ sau bữa ăn huyết tương có màu đục và trở nên trong, màu vàng chanh sau khi ăn vài giờ.
- Thành phần: Huyết tương chứa 90% nước về thể tích, 10% còn lại là các chất tan như protein huyết tương, các thành phần hữu cơ và muối vô cơ,...
Có lẽ bạn đang băn khoăn nghĩ rằng máu của mình màu hồng nhạt. Bác sĩ đoán là bạn đang lo lắng thiếu máu (máu nhạt hơn bình thường). Thiếu máu là tình trạng giảm lượng hemoglobin trong máu của người bệnh so với ngƣời cùng giới, cùng lứa tuổi và cùng điều kiện sống, gây ra các biểu hiện thiếu oxy ở các mô và tổ chức của cơ thể. Thiếu máu có thể được xếp loại dựa vào mức độ thiếu máu, diễn biến thiếu máu, nguyên nhân thiếu máu và đặc điểm hồng cầu. Mỗi cách xếp loại có ý nghĩa và ứng dụng khác nhau trong việc tiếp cận chẩn đoán và tím nguyên nhân gây thiếu máu. Bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám lâm sàng, tùy theo mức độ và đặc điểm thiếu máu mà bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm chẩn đoán, tìm nguyên nhân từ đó mới điều trị đúng.
Máu của bạn đặc không phải là bạn nhìn máu chảy ra khỏi mạch máu, bạn nghĩ máu của bạn đặc. Trước hết cần xác định có đúng máu đặc hay không. Bệnh máu đặc có thể do nhiều yếu tố dẫn đến đông máu quá mức. Điều này khiến lưu lượng máu trong cơ thể bị hạn chế hoặc tắc nghẽn. Các cục máu đông có thể di chuyển đến các động mạch hoặc tĩnh mạch ở não, tim, thận, phổi và các chi. Điều này có thể khiến bệnh nhân đau tim, đột quỵ, tổn thương các cơ quan trong cơ thể hoặc thậm chí tử vong.
Nguyên nhân máu đặc do yếu tố di truyền. Bệnh máu đặc còn có thể do di truyền, ít phổ biến hơn. Những khiếm khuyết về máu thường xảy ra do thiếu hụt các protein cần thiết cho quá trình đông máu. Một số đối tượng có thể bị bệnh máu đặc như:
- Các thành viên trong gia đình bị đông máu nguy hiểm
- Tiền sử cá nhân về cục máu đông lặp lại trước 40 tuổi
- Tiền sử sảy thai không rõ nguyên nhân
- Các yếu tố rủi ro khác
Ở một số người bệnh xảy ra tình trạng hình thành cục máu đông ở các khu vực cụ thể của cơ thể ví dụ như tình trạng đông máu quá mức trong tim và não.
Tình trạng máu đặc trong tim và não có thể do một số nguyên căn sau:
- Xơ vữa động mạch: Đây là một căn bệnh khiến cho mảng sáp xơ vữa bám tích tụ bên trong động mạch của bạn. Sau khi bị vỡ, các tiểu cầu kết tụ lại với nhau tạo thành cục máu đông tại vị trí tổn thương.
- Viêm mạch: Là một loại rối loạn khiến các mạch máu của cơ thể bị viêm. Tiểu cầu có thể dính vào những nơi mạch máu bị tổn thương và hình thành cục máu đông.
- Bệnh tiểu đường: Đây là một trong những bệnh lý làm tăng nguy cơ tích tụ mảng bám trong động mạch, có thể gây ra các cục máu đặc nguy hiểm. Gần 80% những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến cục máu đông.
- Suy tim: Đây là tình trạng tim bị tổn thương hoặc suy yếu. Khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, lưu lượng máu chậm lại có thể hình thành cục máu đông.
- Thừa cân và béo phì: Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Máu đặc ở các chi
Một số bệnh lý dẫn đến tình trạng máu đặc ở các chi như:
- Huyết khối tĩnh mạch sâu: Bệnh lý gây ảnh hưởng đến các tĩnh mạch sâu của chân. Cục máu đông trong tĩnh mạch có thể vỡ ra và di chuyển theo dòng máu. Khi cục máu đông di chuyển đến phổi và chặn dòng máu gây nên tình trạng thuyên tắc phổi.
- Bệnh động mạch ngoại biên: Khiến các động mạch bị thu hẹp và tắc nghẽn ở các vùng quan trọng khác nhau của cơ thể. Các động mạch cứng ở vùng động mạch vành là, hạn chế cung cấp máu cho cơ tim gây ra tình trạng xơ vữa trong các động mạch cung cấp máu cho não.
- Các yếu tố khác
Có rất nhiều yếu tố khác có thể dẫn đến máu đặc khác như:
- Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông không mong muốn và làm cho các tiểu cầu kết dính với nhau nhiều hơn. Ngoài ra nó cũng làm hỏng lớp niêm mạc của mạch máu, có thể gây ra các cục máu đông.
- Tăng mức homocysteine có thể làm hỏng lớp lót bên trong của động mạch.
- Mang thai: Phụ nữ có nhiều khả năng hình thành cục máu đông do sự gia tăng tiểu cầu và các yếu tố đông máu. Ngoài ra, tử cung cũng có thể chèn ép các tĩnh mạch làm chậm lưu lượng máu, có thể dẫn đến tình trạng máu đặc
- Không hoạt động quá lâu có thể làm tăng nguy cơ đông máu.
- Sử dụng thuốc tránh thai có thể làm chậm lưu lượng máu và gây đông máu.
- Một số loại bệnh ung thư làm gia tăng các protein làm đông máu.
- Bệnh nhân bị HIV và đang áp dụng các phương pháp điều trị HIV.
- Mất nước khiến mạch máu thu hẹp và máu đặc lại, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Bạn cần phải đến bệnh viện khám nếu lo ngại mình bị thiếu máu hoặc máu đặc.
Nếu bạn còn thắc mắc về nữ giới huyết tương màu hồng nhạt, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.