Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thục Vỹ - Bác sĩ Chẩn Đoán Hình Ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
U tuyến ức là căn bệnh hiếm gặp hơn nhiều so với các căn bệnh ung thư khác, theo đó tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với những người bị u tuyến ức là 71% nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Vì vậy, việc chẩn đoán u tuyến ức đóng vai trò quan trọng và cần được tìm hiểu rõ ràng.
1. U tuyến ức là gì?
Ung thư tuyến ức và ung thư biểu mô tuyến ức còn được gọi là khối u biểu mô tuyến ức (TETs) bởi những khối u được bắt đầu từ các tế bào biểu mô tuyến ức. Đây là hai loại ung thư hiếm gặp có thể hình thành trong các tế bào bao phủ bề mặt ngoài của tuyến ức. Trước đây, u tuyến ức được chia thành u tuyến ức lành tính và u tuyến ức ác tính dựa trên sự phát triển của các khối u. Tuy nhiên, bây giờ hầu hết các u tuyến ức có thể trở thành ung thư theo thời gian. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại u tuyến ức thành các loại sau:
● Loại A: Các tế bào trong các khối u này là các tế bào biểu mô hình trục chính hoặc hình bầu dục trông khá bình thường. Đây lại loại u tuyến ức hiếm nhất, nhưng nó dường như có tiên lượng tốt. Gần 100% người mắc loại u này sống ít nhất 15 năm sau khi chẩn đoán.
● Loại AB: còn được gọi là u tuyến ức hỗn hợp. Loại này giống như loại A nhưng cũng có những khu vực của tế bào lympho trộn trong khối u. Cơ hội phục hồi cho những người mắc bệnh này cũng rất tốt. Khoảng 90% bệnh nhân có thể sống ít nhất 15 năm sau khi chẩn đoán.
Loại B1: còn được gọi là u tuyến ức giàu tế bào lympho và cấu trúc của nó rất giống với cấu trúc bình thường của tuyến ức. Loại u tuyến ức này có nhiều tế bào lympho trong khối u. Cơ hội phục hồi của những người mắc bệnh u tuyến ức loại B1 cũng rất tốt. Khoảng 90% người bệnh có thể sống ít nhất 20 năm sau khi chẩn đoán.
● Loại B2: Loại này cũng có rất nhiều tế bào lympho, nhưng các tế bào biểu mô tuyến ức lớn hơn với các nhân tế bào bất thường (phần chứa DNA của tế bào). Có khoảng 60% người mắc bệnh này có thể sống ít nhất 20 năm sau khi chẩn đoán.
● Loại B3: Còn được gọi là u tuyến ức biểu mô, u tuyến ức không điển hình, u tuyến ức dạng vảy và ung thư biểu mô tuyến ức biệt hóa. Loại này có ít tế bào lympho và các tế bào tuyến ức trông bất thường. Có khoảng 40% người mắc bệnh có thể sống ít nhất 20 năm sau khi chẩn đoán.
● Loại C: Đây là loại nguy hiểm nhất còn được gọi là ung thư biểu mô tuyến ức. Nó có chứa các tế bào trông giống tế bào bất thường khi soi dưới kính hiển vi. Các tế bào có thể không còn trông giống như các tế bào tuyến ức. Những khối u này thường phát triển thành các mô gần đó hoặc lan sang các mô và cơ quan khác ở xa (di căn) tại thời điểm chúng được tìm thấy. Loại u tuyến ức này có triển vọng tiên lượng tồi tệ nhất. Khoảng 30% người mắc bệnh sống ít nhất 5 năm sau khi chẩn đoán.
Loại AB và loại B2 là hai loại phổ biến nhất của u tuyến ức. Còn loại A không phổ biến. Triển vọng sống sót từ loại A đến loại C có xu hướng trở nên tồi tệ. Tuy nhiên, đối với hầu hết các loại u tuyến ức, giai đoạn (mức độ tăng trưởng và lan rộng) là một yếu tố dự báo tốt hơn về kết quả điều trị cho người mắc bệnh.
2. U tuyến ức có mấy giai đoạn?
U tuyến ức được chia làm 4 giai đoạn:
● Giai đoạn 1: Giai đoạn này u chỉ được tìm thấy ở tuyến ức. Tất cả tế bào ung thư đều nằm trong túi nang bao quanh tuyến ức.
● Giai đoạn 2: U đã lan qua nang và vào mỡ quanh tuyến ức hoặc vào niêm mạc khoang ngực.
● Giai đoạn 3: U đã lan đến các cơ quan lân cận trong ngực bao gồm phổi, túi quanh tim hoặc các mạch máu lớn mang máu đến tim.
● Giai đoạn 4: Giai đoạn được được chia thành hai nhánh nhỏ IVA và IVB (tuỳ thuộc vào nơi ung thư lan rộng). IVA - ung thư đã lan rộng khắp phổi hoặc tim. IVB - ung thư đã lan đến hệ thống máu hoặc bạch huyết.
Ngoài ra, có thể sử dụng công cụ TNM (kích thước khối u-vị trí khối u-di căn) để chia giai đoạn u tuyến ức. Có 5 giai đoạn là 0 và I đến IV.
2.1. Kích thước khối u (T)
● T0: Không có bằng chứng về khối u nguyên phát
● T1: Khối u chỉ nằm trong tuyến ức hoặc đã phát triển thành các mô mỡ gần đó. T1a-khối u đã lan đến lớp mỡ bao quanh tuyến ức. T1b-khối u đã phát triển thành niêm mạc phổi bên cạnh khối u (màng phổi trung thất).
● T2: Khối u đã phát triển vào mô mỡ gần đó và vào túi quanh tim (màng ngoài tim).
● T3: Khối u đã lan đến các mô hoặc cơ quan lân cận bao gồm phổi, các mạch máu mang máu vào hoặc ra khỏi phổi hoặc dây thần kinh cơ - điều khiển nhịp thở.
● T4: Khối u đã lan đến các mô hoặc cơ quan lân cận bao gồm khí quản, thực quản hoặc các mạch máu bơm máu khỏi tim.
2.2. Vị trí khối u (N)
● N0: Khối u đã lan vào các hạch bạch huyết
● N1: Khối u có thể đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó
● N2: Khối U đã lan đến các hạch bạch huyết sâu trong khoang ngực hoặc cổ
2.3. Di căn (M)
● M0: Khối u chưa di căn
● M1: Khối u đã lan đến các cơ quan gần tuyến ức, chẳng hạn như phổi và mạch máu. M1a-khối u đã lan đến niêm mạc phổi (màng phổi) hay màng tim (màng ngoài tim). M1b-khối u có thể đã lan đến tim.
3. Các phương pháp chụp x quang chẩn đoán u tuyến ức
- Xquang ngực: Sử dụng chùm năng lượng có thể đi xuyên qua cơ thể lên phim tạo nên bức ảnh về khu vực cơ thể bên trong, kỹ thuật này có nhiều hạn chế, có thế bỏ sót tổn thương và không thể đánh giá sâu, đánh giá giai đoạn u nên hiện nay không còn được dùng trong thực tế chẩn đoán và điều trị.
- CT/CT scan: Kỹ thuật này tạo ra một loạt các hình ảnh chi tiết (hình ảnh 3 chiều) về các khu vực bên trong cơ thể. Các hình ảnh được thực hiện bởi máy tính liên kết với máy cắt lớp sử dụng tia X. Đồng thời sử dụng thuốc tương phản tiêm vào tĩnh mạch hoặc được uống để giúp các cơ quan hoặc mô hiển thị rõ ràng hơn. Thêm vào đó, kỹ thuật này có thể sử dụng để đo kích thước của khối u, đánh giá giai đoạn bệnh TNM. Đây là kỹ thuật được lựa chọn thích hợp nhất và rộng rãi nhất trong thực tế để chẩn đoán bệnh lý u của tuyến ức.
- MRI scan: Thủ tục này sử dụng từ trường, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra một loạt các hình ảnh chi tiết về các khu vực bên trong cơ thể chẳng hạn như ngực. Ngoài ra, thủ tục này cần sử dụng thêm thuốc tương phản từ hình ảnh rõ hơn. Thuốc được tiêm vào tĩnh mạch. Thêm vào đó, MRI cũng có thể đo kích thước khối u. Tuy nhiên kỹ thuật này còn nhiều hạn chế và chưa được sử dụng rộng rãi.
● PET scan: Đây là thủ tục để tìm ra các tế bào khối u ác tính trong cơ thể. Sử dụng một lượng nhỏ glucose phóng xạ tiêm vào tĩnh mạch. Máy quét PET xoay quanh cơ thể và tạo ra một bức tranh về nơi glucose đang được sử dụng trong các tế bào u trong cơ thể. Các tế bào khối u ác tính sẽ xuất hiện sáng hơn trong ảnh vì chúng hoạt động nhiều hơn và chiếm nhiều glucose hơn các tế bào bình thường.
PET còn giúp bác sĩ biết rõ hơn về sự thay đổi nhìn thấy được trên xét nghiệm hình ảnh có phải là khối u hay không. Ví dụ, nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm này để xem liệu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác của cơ thể chưa.
U tuyến ức là căn bệnh hiếm gặp hơn so với các căn bệnh ung thư khác, tuy nhiên khi mắc căn bệnh này nếu được thăm khám và điều trị kịp thời thì cơ hội sống rất cao. Theo đó bệnh u tuyến ức có thể được chẩn đoán bằng các kỹ thuật chụp X-quang, CT, MRI và PET. Do đó khi thấy các dấu hiệu của bệnh thì bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Hiện tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đưa các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại để phục vụ công tác thăm khám và điều trị của bệnh nhân. Với đội ngũ Y bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm sẽ đem lại kết quả điều trị tối ưu cho Quý khách hàng.
Để đăng ký khám và điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trên toàn quốc, Quý khách hàng có thể đăng ký khám TẠI ĐÂY để được hỗ trợ.
Nguồn tham khảo: cancer.net