Tình trạng căng thẳng kéo dài không những có tác động tiêu cực đến khía cạnh tâm lý mà còn có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe răng miệng. Có không ít bằng chứng chỉ ra mối liên quan giữa căng thẳng và các vấn đề về răng, ví dụ như viêm nha chu, nghiến răng... Bài viết dưới đây sẽ làm rõ tác hại của căng thẳng, cách thức căng thẳng ảnh hưởng đến răng chúng ta như thế nào?
1. Căng thẳng và bệnh nha chu
Một nhóm các nhà khoa học đã xem xét 14 nghiên cứu được công bố từ năm 1990 đến năm 2006 về mối liên hệ giữa stress với bệnh nướu răng ở người lớn. Kết quả chỉ ra rằng, các vấn đề tâm lý như đau khổ, lo lắng, trầm cảm, cô đơn... thường làm tăng nồng độ cortisol - hormone căng thẳng trong cơ thể.
Tác hại của căng thẳng còn thể hiện ở việc người bệnh có xu hướng gia tăng các thói quen xấu gây hại cho răng, ví dụ như lơ là việc vệ sinh răng miệng, lạm dụng các chất kích thích như nicotine (thuốc lá), rượu hoặc ma túy để giải tỏa tâm lý.
Nếu không được khắc phục kịp thời, người bệnh có nguy cơ mắc các bệnh răng miệng mà nghiêm trọng nhất là viêm nha chu. Bệnh lý này có thể dẫn đến mất răng cũng như tiêu xương hàm. Các triệu chứng của bệnh nha chu bao gồm sưng nướu, chảy máu nướu, chứng hôi miệng và răng lung lay...
2. Căng thẳng và chứng nghiến răng
Nghiến răng khi căng thẳng là một dạng rối loạn vận động của cơ hàm, ở đó người bệnh thường vô thức cắn chặt hai hàm và nghiến qua lại. Hành động này nếu kéo dài thường xuyên có thể gây ra các tổn thương trong miệng, điển hình là nứt răng, vỡ miếng trám, mòn răng (mức độ nặng có thể làm tổn thương tủy răng, dễ mất răng); rối loạn khớp thái dương hàm (nặng có thể gây biến dạng thái dương hàm)...
Có 2 dạng nghiến răng chính là nghiến răng ban ngày và nghiến răng ban đêm. Trong khi nghiến răng ban ngày là hành vi có lựa chọn thì vào ban đêm, hành vi nghiến răng diễn ra vô thức. Có một số nguyên nhân dẫn đến chứng nghiến răng khi ngủ, đó là hút thuốc lá, uống nhiều rượu, sử dụng các chất kích thích và lo lắng, căng thẳng kéo dài.
3. Điều trị đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện
Người bệnh có thể tìm các phương thức lành mạnh để giảm căng thẳng, stress, ví dụ như giảm bớt cường độ công việc, dành thời gian để tham gia các hoạt động ngoài trời như đi bộ, chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè... ngoài ra cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày, duy trì thói quen ngủ đủ giấc, giữ thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề để tránh căng thẳng ảnh hưởng đến răng.
Một số chuyên gia trị liệu cũng gợi ý các bài tập thể dục chậm rãi như yoga, pilate, thiền... để giúp những bệnh nhân nghiến răng thả lỏng và bớt căng thẳng.
Bên cạnh đó, để bảo vệ sức khỏe răng miệng tất cả mọi người đều nên xây dựng thói quen chăm sóc răng miệng chủ động. Ví dụ như đánh răng tối thiểu 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa 1 lần/ngày, sử dụng nước súc miệng, công cụ cạo lưỡi để vệ sinh khoang miệng. Ngoài ra để nhận biết các vấn đề bất thường ở răng miệng, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nha khoa để lấy cao răng và thăm khám tổng quát tối thiểu 2 lần/ năm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, smh.com.au