Cách phục hồi răng mẻ

Răng mẻ là tình trạng rất phổ biến, do nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau gây nên. Do đó nhu cầu phục hồi răng mẻ là tương đối cao. Vậy người bệnh cần phục hồi răng bị mẻ như thế nào để đảm bảo hiệu quả và an toàn?

1. Nguyên nhân khiến răng bị mẻ

Trước khi tìm hiểu các phương pháp phục hồi răng mẻ, chúng ta cần tìm hiểu khái niệm cũng như những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo đó, răng mẻ là một dạng tổn thương răng tuy không quá nghiêm trọng nhưng lại rất phổ biến. Người bị mẻ răng thường có cảm giác ê buốt, khó chịu và đau nhức liên tục do vị trí sứt mẻ làm lộ phần ngà răng bên trong, từ đó dẫn đến kích ứng khi tiêu thụ thực phẩm quá nóng/lạnh. Kèm theo đó, tình trạng sứt mẻ khiến các mặt răng chịu lực tiếp xúc không đều nhau trong quá trình ăn nhai cũng là nguyên nhân tạo ra cảm giác ê buốt cho răng.

Theo các chuyên gia, tình trạng răng mẻ rất thường gặp và liên quan đến những nguyên nhân sau đây:

  • Té ngã hoặc chấn thương thể thao là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến răng bị mẻ, đặc biệt là răng cửa;
  • Một số trường hợp có thói quen nhai nước đá, cắn mạnh hay tiêu thụ các loại thực phẩm quá cứng có nguy cơ mẻ răng cao hơn;
  • Chứng nghiến răng khi ngủ sẽ khiến răng bị mẻ một cách nhanh chóng;
  • Ngoài các tác động trực tiếp từ bên ngoài, tình trạng mẻ răng dễ xảy ra hơn nếu răng bị sâu, hay gặp ở người thường xuyên sử dụng thực phẩm không lành mạnh như đồ ngọt, đồ cay hoặc rượu, cà phê...;
  • Với bệnh nhân mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản, lượng acid thường xuyên trào ngược lên thực quản, thậm chí lên đến khoang miệng sẽ ảnh hưởng đến men răng và làm tăng nguy cơ mẻ răng;
  • Tuổi tác, đặc biệt là trên 50, là một yếu tố nguy cơ dẫn đến mẻ răng do tuổi càng cao thì men răng càng yếu;
  • Thiếu Calci làm răng yếu đi và do đó dễ bị tổn thương hơn người bình thường;
  • Bác sĩ nha khoa cho biết thêm bệnh viêm tủy răng nằm trong nhóm những nguyên nhân hàng đầu khiến răng bị mẻ.

Những trường hợp mẻ răng hay gặp:

  • Mẻ răng cửa: Nhiều người thắc mắc về cách phục hồi răng cửa bị mẻ, vì đây là tình trạng mẻ răng phổ biến nhất. Răng cửa là vị trí có nguy cơ sứt mẻ cao nhất do các nguyên nhân như tai nạn, té ngã hay va chạm khi chơi thể thao;
  • Mẻ răng hàm: Răng hàm có vị trí sâu bên trong khoang miệng và tương đối cứng chắc nên khả năng sứt mẻ thấp hơn răng cửa. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn bị mẻ răng hàm do lực tác động mạnh như lực cắn hay nhai vật quá cứng...;
  • Mẻ chân răng: Tình trạng trạng mẻ chân răng cần đến gặp bác sĩ nha khoa càng sớm càng tốt, vì nguyên nhân thường liên quan đến bệnh sâu răng hoặc mòn cổ chân răng, từ đó nguy cơ mất răng sẽ cao hơn;
  • Mẻ nhiều răng: Người bệnh có bộ răng yếu bẩm sinh có khả năng bị mẻ nhiều răng và khi đó rất dễ quan sát bằng mắt thường.

2. Vì sao cần phục hồi bị răng mẻ?

Mẻ răng rất phổ biến, tuy nhiên nhiều người vẫn tỏ ra chủ quan khi mắc phải tình trạng này, vì cho rằng nó không ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo các chuyên gia đây là một suy nghĩ sai lầm, vì răng bị gãy hay mẻ sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ như sau:

  • Tổn thương tủy răng, dẫn đến cảm giác đau nhức và ê buốt dữ dội. Nếu để kéo dài mà không điều trị thì nguy cơ chết tủy là rất cao, khi đó răng mất đi hoàn toàn hệ thống dây thần kinh;
  • Răng yếu đi, nền răng không ổn định dẫn đến nguy cơ gãy cao hơn so với thông thường;
  • Mất chân răng nếu mẻ răng kéo dài, khi đó răng sẽ mất hoàn toàn và chi phí điều trị sẽ cao hơn gấp 3-4 lần so với mẻ răng đơn thuần;
  • Ảnh hưởng đến khả năng ăn uống và mất thẩm mỹ;
  • Vị trí mẻ là nơi trú ngụ lý tưởng của các loại vi khuẩn, dẫn đến sâu răng, viêm nướu hoặc viêm chân răng.

3. Răng mẻ có hồi phục được không?

Răng mẻ có hồi phục được không là thắc mắc của rất nhiều người. Theo đó, răng mẻ sẽ không tự phục hồi mà cần đến sự can thiệp của các biện pháp nha khoa. Các kỹ thuật phục hồi răng mẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí răng bị mẻ, kích thước chỗ mẻ và các triệu chứng gặp phải. Nếu kích thước mẻ không lớn, bệnh nhân có thể chỉ cần xử trí bằng cách đánh bóng răng. Ngược lại những chỗ mẻ lớn hơn cần được bác sĩ nha khoa can thiệp bằng những biện pháp phức tạp hơn như sau:

3.1. Bọc răng sứ

Bọc răng sứ là một trong các giải pháp phục hồi răng mẻ được rất nhiều người lựa chọn. Kỹ thuật này có thể cải thiện lại hình thể răng mẻ, qua đó mang lại hàm răng trắng, đều, đẹp và tự nhiên hơn. Kỹ thuật này sử dụng một mão sứ có hình dáng, kích thước và màu sắc tương tự răng thật để bọc bên ngoài chiếc răng bị sứt mẻ. Sau khi bọc sứ, bệnh nhân sẽ sở hữu một hàm răng trắng hoàn chỉnh, đảm bảo tính thẩm mỹ và hơn hết là duy trì được chức năng ăn nhai. Bên cạnh đó, kỹ thuật phục hồi răng bị mẻ bằng bọc sứ còn giúp bảo vệ răng khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn và các tác nhân gây hại bên ngoài.

Tuy nhiên, phương pháp này bắt buộc bệnh nhân phải mài đi một phần thân răng để tạo trụ vững. Nếu thực hiện tại phòng khám không chuyên nghiệp, chuyên môn bác sĩ không đảm bảo hay thiếu trang thiết bị hỗ trợ cần thiết thì hiệu quả có thể rất kém. Khi đó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu về sau cho sức khỏe răng miệng của bệnh nhân. Vì vậy, khi có nhu cầu bọc răng sứ để phục hồi răng mẻ, bệnh nhân nên đến những trung tâm nha khoa uy tín nhằm đảm bảo có kết quả phục hình tốt nhất.

3.2. Trám răng

Nếu không giữ được phần răng bị mẻ, bệnh nhân hãy đến gặp bác sĩ nha khoa để trám răng. Trám răng là cách phục hồi răng mẻ có ưu điểm tiết kiệm thời gian và chi phí so với những phương pháp khác. Tuy nhiên, trám răng chỉ áp dụng cho những trường hợp phục hồi răng bị mẻ có kích thước nhỏ. Bác sĩ sẽ thực hiện kỹ thuật này bằng cách sử dụng vật liệu Composite để đắp bên ngoài và tạo hình lại cho thân răng.

Sau trám, bác sĩ sẽ sử dụng ánh sáng tia cực tím để làm khô và cứng vị trí trám, sau đó tiếp tục chỉnh hình cho đến khi răng có hình dạng như mong muốn. Trám răng giúp phục hồi thẩm mỹ cho răng và hồi phục chức năng nhai trong thời gian nhanh nhất, có thể chỉ mất khoảng 15-20 phút cho việc trám 1 răng.

Nhược điểm của trám răng là không bền theo thời gian. Miếng trám dễ bị bong sau một thời gian ngắn và buộc bệnh nhân phải thực hiện trám răng lần nữa.

4. Cách chăm sóc khi chưa phục hồi răng mẻ

Trường hợp chưa thể đến bác sĩ nha khoa để phục hồi răng bị mẻ, bệnh nhân cần đảm bảo các vấn đề sau để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng, qua đó giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra các biến chứng nghiêm trọng:

  • Đánh răng đúng kỹ thuật: Ít nhất 2 lần một ngày với các thao tác đúng theo hướng dẫn của các chuyên gia nha khoa;
  • Sử dụng chỉ nha khoa: Giúp loại bỏ các mảng bám và vụn thức ăn thừa hiệu quả, đặc biệt ở những vị trí bàn chải đánh răng không tiếp cận được. Qua đó giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn gây hại trong khoang miệng;
  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm ngọt: Bệnh nhân nên cắt giảm các món ăn có hàm lượng đường cao, như bánh ngọt, kẹo, nước ngọt có gas... vì chúng sẽ gây hại đến men răng. Đặc biệt, bệnh nhân hãy đánh răng ngay sau khi ăn;
  • Hạn chế thực phẩm có tính acid cao, chẳng hạn như chanh, cam, bưởi... Nếu sử dụng những thực phẩm này thì hãy uống hoặc súc miệng bằng nước lọc ngay sau đó nhằm giảm lượng acid bám lại trên răng;
  • Ăn nhiều rau xanh do có chứa nhiều chất xơ nên rất tốt trong việc làm sạch răng miệng;
  • Không dùng răng cắn vật cứng: Nếu có thói quen này thì hãy từ bỏ để tránh làm răng bị tổn thương nặng thêm.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về cách phục hồi răng mẻ. Nếu có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc não hãy liên hệ với bác sĩ và chuyên gia sức khỏe để được hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe