Bệnh lupus và những lo ngại về sức khỏe tâm thần

Sống chung với bệnh lupus có thể ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc và tinh thần của người bệnh. Dù bạn mới được chẩn đoán mắc bệnh lupus, hoặc bạn đã sống chung với nó trong nhiều năm, bạn đều có trải qua những khó khăn cả tinh thần và thể chất như khó tập trung hoặc các vấn đề về giấc ngủ. Bạn cũng có thể đang cảm thấy đau buồn, sợ hãi, lo lắng và trầm cảm. Những trạng thái này là tương đối phổ biến ở bệnh nhân Lupus. Hiểu được chúng xuất phát từ đâu có thể giúp bạn học được các kỹ năng để sống chung với chúng.

1.Những cảm xúc này đến từ đâu?

Những cảm xúc liên quan đến lupus có thể có nhiều nguyên nhân, bao gồm:

  • Hậu quả của bệnh hoặc của tác dụng không mong muốn của các phương pháp điều trị mà bạn đang trải qua.
  • Sự mất tự tin về ngoại hình do các triệu chứng có thể nhìn thấy được như phát ban trên khuôn mặt, tăng cân do corticosteroid (thường được sử dụng để điều trị bệnh lupus).
  • Hạn chế trong công việc và hoạt động: Đau, mệt mỏi và các triệu chứng khác có thể gây khó khăn khi bạn thực hiện những việc bạn yêu thích. Bệnh hoặc các phương pháp điều trị đòi hỏi bạn cần phải cắt giảm công việc hiện tại hoặc thậm chí rời bỏ công việc hoàn toàn. Điều này có thể làm mất đi niềm vui bạn nhận được từ công việc, mục đích bạn đang theo đuổi và ảnh hưởng cả đến thu nhập của bạn.
  • Đau, mệt mỏi, và các triệu chứng thực thể khác: Đơn giản là sống với đau đớn và các triệu chứng của Lupus mỗi ngày có thể làm bạn suy sụp, thất vọng thậm chí tuyệt vọng.
  • Cách ly xã hội: Khi bạn cảm thấy tồi tệ hoặc cần phải sử dụng tất cả năng lượng của mình chỉ để vượt qua một ngày thì việc tham gia vào các hoạt động xã hội có thể là biện pháp điều đầu tiên mà bạn nên làm. Những lo ngại về sự thay đổi ngoại hình cũng có thể khiến cho bạn cảm thấy ngại tiếp xúc xã hội hơn.
Lupus
Người mắc bệnh lupus bị phát ban trên khuôn mặt sẽ làm mất tự tin về ngoại hình

  • Không chắc chắn về tương lai: Mắc một bệnh mãn tính, một bệnh mà Bác sĩ cũng không đoán trước được tương lai có thể gây ra sự mung lung và cảm giác lo lắng. Bạn có thể tự hỏi bệnh sẽ tiến triển như thế nào, liệu bạn sẽ có thể sống độc lập, hoặc bạn sẽ quản lý thể chất và tài chính như thế nào.
  • Khó khăn trong các mối quan hệ gia đình: Bệnh lupus có thể gây khó khăn cho việc chăm sóc ngôi nhà hoặc những người thân trong gia đình của bạn theo cách bạn muốn hoặc nên làm. Bởi vì căn bệnh này có thể đến và đi và thường không có dấu hiệu bên ngoài, gia đình bạn có thể không hiểu tại sao bạn lại không thể làm những việc bạn vẫn hay làm. Họ thậm chí có thể đặt câu hỏi liệu bạn có đang tưởng tượng ra bệnh không?

2.Ảnh hưởng tới tinh thần ở bệnh nhân Lupus ban đỏ

Đôi khi, ảnh hưởng về tinh thần và cảm xúc ở bệnh nhân lupus có thể liên quan đến chính quá trình bệnh hoặc thuốc đang dùng để điều trị. Các vấn đề hay gặp có thể liên quan đến bệnh bao gồm:

Rối loạn chức năng nhận thức: Nhiều người mắc bệnh lupus gặp nhiều vấn đề như hay quên hoặc khó suy nghĩ. Họ có thể miêu tả những vấn đề này như “cảm giác trong đầu mờ mịt” hoặc giống như đang đứng “ở trong sương mù”. Những vấn đề này xuất hiện khi bệnh tăng lên, hoặc bùng phát rầm rộ. Tuy nhiên cần phân biệt các vấn đề nhận thức với một trong các triệu chứng trầm cảm.

Trầm cảm và lo âu: Đây có thể xảy ra như là một phản ứng tâm lý khi bị mắc lupus hoặc tác dụng phụ của điều trị. Chúng cũng có thể là hậu quả trực tiếp của quá trình bệnh lý. Thông thường rất khó để các bác sĩ phân loại nguyên nhân cụ thể của trầm cảm và lo âu ở bệnh nhân Lupus.

Tâm trạng thất thường và tính cách thay đổi: Những người bị lupus có thể trải qua những thay đổi không thể đoán trước về tâm trạng và tính cách. Nó có thể bao gồm cảm giác tức giận và cáu kỉnh. Những điều này có thể do bệnh gây ra hoặc trong một số trường hợp có thể do sử dụng thuốc corticosteroid.

Trầm cảm là bệnh gì
Bệnh nhân có thể bị trầm cảm và lo âu ở bệnh nhân Lupus ban đỏ

3.Bạn có thể tìm thấy sự hỗ trợ cho các thay đổi cảm xúc do Lupus ở đâu?

Nếu bạn đang gặp phải bất kỳ vấn đề nào trong số các vấn đề nêu trên thì điều quan trọng là bạn phải thảo luận với bác sĩ của bạn. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm giải pháp hoặc có thể thay đổi thuốc điều trị Lupus mà bạn đang dùng. Hoặc bác sĩ có thể bổ sung thêm thuốc để điều trị các vấn đề như lo lắng và trầm cảm. Bác sĩ cũng có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần, người sẽ có thể giúp bạn thực hiện các biện pháp bổ sung để điều trị các vấn đề về cảm xúc do bệnh lupus tốt hơn.

4.Bạn có thể làm gì để giúp mình?

Có một số bước mà bạn hoàn toàn có thể thực hiện để giúp mình thích nghi với bệnh lupus tốt hơn bao gồm:

Giáo dục bản thân - và những người khác: Bạn hãy tìm hiểu càng nhiều càng tốt về bệnh và cách điều trị. Chia sẻ thông tin với bạn bè và các thành viên gia đình để họ hiểu rõ hơn về căn bệnh và ảnh hưởng của nó đến bạn. Hỗ trợ của họ rất quan trọng để giúp cho việc kiểm soát và quản lý bệnh trở nên dễ dàng hơn.

Tập làm quen với một lối sống lành mạnh: Hãy tập luyện đêu đặn, tuân thủ một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ và tránh đồ uống có cồn. Đặc biệt nếu bạn bị trầm cảm thì bạn tuyệt đối không nên uống rượu. Rượu là một chất gây trầm cảm tự nhiên và nó có thể làm tăng đáng kể mức độ nghiêm trọng của trầm cảm và các triệu chứng của nó.

Học các kỹ năng quản lý sự căng thẳng: sống với một căn bệnh mãn tính là căng thẳng. Một chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể chỉ cho bạn các kỹ thuật để đối phó với tình trạng căng thẳng chẳng hạn như thư giãn cơ, hay hướng dẫn bạn các phương pháp thiền định, mà bạn có thể sử dụng thường xuyên để đối phó với sự căng thẳng của bệnh lupus. Các biện pháp giảm căng thẳng khác mà bạn có thể thử bao gồm nghe nhạc nhẹ nhàng, tắm nước ấm, đi bộ hoặc thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng.

Rượu
Hãy tập luyện đêu đặn, tuân thủ một chế độ ăn uống cân bằng và tránh uống rượu để giúp mình thích nghi với bệnh lupus tốt hơn

Làm các việc bạn thích: Lupus có thể hạn chế một số hoạt động mà bạn vẫn hay làm. Vì vậy, điều quan trọng là tìm cho bạn những thứ bạn thích làm để phù hợp với bệnh và dành thời gian để làm chúng. Những hoạt động này có thể đơn giản như đọc một cuốn sách, làm những việc quan tâm đến người khác hay các thành viên trong gia đình.

Tìm kiếm sự hỗ trợ: Khi bạn cảm thấy thất vọng, hãy nói chuyện với một người bạn đáng tin cậy hoặc chuyên gia tâm lý. Hãy cân nhắc việc tham gia một nhóm hỗ trợ - một nhóm gồm những bệnh nhân cũng đang trải qua điều trị Lupus giống bạn. Để tìm ra nhóm này, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc người tư vấn sức khỏe.

Đánh giá cao bản thân: Mặc dù bạn bị lupus, nhưng bạn còn có nhiều đặc điểm dễ mến khác, chẳng hạn như đôi mắt đẹp, nụ cười thân thiện, tài năng âm nhạc hoặc đam mê dành cho nấu ăn. Đừng khiến Lupus là sự quan tâm duy nhất của cuộc đời bạn. Tập trung vào tài năng và điểm mạnh của bạn để hòa nhập với cuộc sống bình thường và sống chung với bệnh Lupus lâu dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

915 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan