Bệnh cước tay, chân do lạnh

Bệnh cước tay, chân không thuộc nhóm bệnh nguy hiểm nhưng lại gây ra nhiều phiền toái cho người bị bệnh trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt đối với những người sống ở khu vực có khí hậu lạnh. Vậy làm thế nào để phòng tránh bệnh này và tránh được những cảm giác khó chịu do bệnh gây ra? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm các thông tin về bệnh cũng như cách phòng và chữa bệnh.

1. Bệnh cước tay, chân do lạnh

Bệnh cước tay lạnh xảy ra với tình trạng các mạch máu nhỏ của da bị viêm và tạo nên các vùng da đổi màu như đỏ, xanh tím, hay trắng cùng với các biểu hiện sưng to, phồng rộp và gây ngứa. Tình trạng này sẽ xảy ra ở những vị trí trên cơ thể tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ lạnh, đặc biệt ở những vị trí như đầu ngón tay, chân rất thường dễ mắc. Yếu tố thời tiết với nhiệt độ thấp cùng với tuần hoàn của cơ thể kém sẽ dẫn tới căn bệnh này.

Bệnh cước tay chân thường xảy ra ở người già và trẻ em, hoặc những người ít vận động trong điều kiện khí hậu lạnh và ẩm. Đối với trẻ em, bệnh cước tay chỉ tái phát vào mùa đông và có thể thuyên giảm dần rồi tự khỏi. Tuy nhiên ở người già thì bệnh có xu hướng ngược lại, khi xuất hiện bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn và nặng hơn. Nếu tránh được những yếu tố khởi phát thì có thể tránh được tình trạng bệnh trở nên nặng. Hơn nữa, bệnh xảy ra ở nữ giới phổ biến hơn so với nam giới.

Mặc dù bệnh có thể tự khỏi trong vòng một đến ba tuần, nhưng nếu vị trí viêm có tình trạng nhiễm trùng thì cần phải điều trị để tránh những biến chứng ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ của người bệnh.

2. Nguyên nhân gây bệnh cước chân tay

Bệnh cước tay, chân cho đến này vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng, nhưng các triệu chứng của bệnh đều liên quan mật thiết đến phản ứng của cơ thể với các điều kiện về khí hậu và môi trường lạnh ẩm. Hệ thống tuần hoàn của cơ thể bao gồm các mao mạch, tĩnh mạchđộng mạch có chức năng mang máu đến hầu hết các tế bào của các cơ quan trong cơ thể và hệ thống này khá nhạy cảm với điều kiện nhiệt độ. Trong điều kiện khí hậu nóng bức, cơ thể sẽ mở rộng các mạch máu dưới da để nhiệt độ có thể tỏa vào không khí, từ đó giúp làm mát cơ thể. Ngược lại, khi khí hậu có nhiệt độ lạnh, thì hệ thống này sẽ co lại để bảo tồn và duy trì nhiệt độ của cơ thể. Sự co thắt này có thể khiến tổn thương các chi gây nên triệu chứng của bệnh cước tay, chân. Và trường hợp này thường xảy ra sau vài giờ tiếp xúc với thời tiết lạnh.

Các biểu hiện của cước tay chân có thể trở nên tồi tệ hơn với sự thay đổi nhiệt độ nóng lạnh đột ngột. Chẳng hạn như khi đi vào nơi ấm áp sau khi ở ngoài trời lạnh rất lâu nhưng lại làm nóng bàn chân lạnh quá nhanh bằng cách đặt chân ngay sát cạnh lò sưởi hoặc sử dụng túi chườm nóng để lăn trực tiếp vào chân hoặc tay thì điều đó có thể làm bệnh thêm nghiêm trọng. Thay vào đó, thì để giảm bớt tình trạng của bệnh trước tiên nên làm nóng toàn bộ cơ thể.

Những người sống ở các khu vực có khí hậu lạnh khắc nghiệt thường ít bị mắc bệnh cước tay chân hơn. Bởi vì do vùng khí hậu này sẽ khô hơn, độ ẩm thấp hơn, và mọi người có sự chuẩn bị tốt để đối phó với thời tiết.

Các yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn:

  • Trong gia đình đã từng có người bị mắc bệnh cước tay chân, đặc biệt là cha mẹ và anh chị em ruột, thì có thể bạn cũng rất dễ bị mắc căn bệnh này và mức độ bệnh có thể nặng hơn
  • Những người bị bệnh mạch máu ngoại biên do các yếu tố gây nên như đái tháo đường, hút thuốc lá, tăng mỡ máu
  • Những người bị thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng do chán ăn, tâm thần không ổn định...
  • Những người có sự thay đổi về hệ nội tiết, nhưng bệnh có thể sẽ được cải thiện nếu bạn mang thai
  • Những người có bệnh liên quan đến mô liên kết, như hiện tượng Raynaud có thể khiến cho cơ thể bị lở loét, xơ cứng bì, hoặc lupus ban đỏ...
  • Những người có mắc các chứng rối loạn xương tuỷ
  • Những người sử dụng quần áo bó sát vào người khi thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt có thể khiến cho bệnh nặng hơn.

Bệnh cước tay chân sẽ thường có các tổn thương da thường xảy ra sau vài giờ tiếp xúc với nhiệt độ lạnh
Bệnh cước tay chân sẽ thường có các tổn thương da thường xảy ra sau vài giờ tiếp xúc với nhiệt độ lạnh

3. Dấu hiệu và chẩn đoán bệnh cước tay chân

Bệnh cước tay chân sẽ thường có các tổn thương da thường xảy ra sau vài giờ tiếp xúc với nhiệt độ lạnh. Vị trí thường hay gặp ở bệnh này xuất hiện trên các ngón tay và ngón chân hoặc một số trường hợp có thể gặp ở mũi, lòng bàn chân, bắp chân, đùi, mông. Thời gian bệnh có thể khỏi trong khoảng từ một đến ba tuần hoặc khi thời tiết bắt đầu ấm lên. Bệnh cước tay chân thường có những biểu hiện: Xuất hiện các nốt, mảng da đỏ và ngứa, ở những vị trí này luôn cảm giác nóng rát hoặc da khô dễ bị nứt nẻ dẫn đến chảy máu, hoặc màu da có thể thay đổi từ tím, sang xanh, và có thể kèm theo triệu chứng đau. Trong trường hợp bị nặng thì ở vị trí sưng đau còn có thể phồng rộp, mụn mủ và loét da.

Hầu hết các trường hợp bệnh sẽ khỏi trong vài tuần, tuy nhiên với những trường hợp có xuất hiện mụn nước hoặc mủ có thể gây ra biến chứng gây loét và nhiễm trùng trên da. Cơn đau sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hoặc không có dấu hiệu bệnh thuyên giảm. Nếu gặp trường hợp này bạn cần đi khám bác sĩ để được tư vấn điều trị phù hợp

Nếu các triệu chứng của bệnh cước tay chân kéo dài đến hàng tháng trong khi nhiệt độ đã trở nên ấm áp hơn, thì bạn cũng cần đến các có sở y tế để khám và loại trừ những khả năng mắc bệnh khác. Những người có hệ miễn dịch suy giảm hoặc mắc các bệnh kèm theo như đái tháo đường thì thời gian điều trị bệnh này có thể kéo dài hơn so với người bình thường.

Để chẩn đoán bệnh thì ngoài việc bác sĩ khai thác tiền sử bệnh thì cần thăm khám và kiểm tra thực thể. Những người mắc bệnh này thường có biểu hiện tổn thương da và liên quan đến tiếp xúc nhiệt độ thấp, ở những vị trí ngón tay, ngón, chân, mũi, tại... Các xét nghiệm sinh thiết da thường không cần thiết trong trường hợp này. Tuy nhiên, với một số trường hợp đặc biệt thì có thể sử dụng để tìm ra các bệnh tiềm ẩn kèm theo.

4. Điều trị bệnh cước tay chân

Bệnh cước tay chân thường đáp ứng kém với các loại thuốc điều trị. Tuy vậy để giảm bớt các triệu chứng của bệnh gây nên có thể sử dụng kem bôi có chứa thành phần corticoid ở những vết ngứa và sưng trong vài ngày. Nhưng phần lớn các bệnh sẽ có biểu hiện giảm mà không cần sử dụng tới thuốc. Với trường hợp bệnh đặc biệt có kèm theo tình trạng nhiễm trùng, thì cần sử dụng thêm kháng sinh dạng bôi, hoặc uống và liệu lượng tùy thuộc vào mức độ của bệnh.

Sử dụng thuốc giãn mạch như nifedipine có thể mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh cước tay chân, tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc này cần lưu ý đến các tác dụng phụ có thể xảy ra như đau đầu, nóng bừng, chóng mặt, buồn nôn, phù ngoại biên.

Ngoài việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh cước tay chân, thì người bệnh có thể thực hiện một số hoạt động sau đây nhằm giảm bớt triệu chứng khó chịu của bệnh: Nhẹ nhàng giữ ấm vùng da bị ảnh hưởng do bệnh cước tay chân gây nên, không nên xoa bóp hoặc chà sát hoặc chườm nóng trực tiếp ở những vị trí bị cước, hoặc tránh tiếp xúc với nhiệt độ lạnh bất kì khi nào, hoặc có thể giữ cho vùng da bị cước khô ráo và ấm nhưng tránh không được ngồi quá gần những nơi có nguồn nhiệt ấm để sưởi ấm, hoặc thường xuyên đảm bảo vệ sinh sạch những tổn thương bằng thuốc sát trùng để tránh nhiễm trùng nặng hơn,...


Luôn giữ ấm cho tay, chân để phòng bệnh cước tay chân
Luôn giữ ấm cho tay, chân để phòng bệnh cước tay chân

5. Các phòng ngừa bệnh cước tay chân

Bệnh cước tay chân không khó để phòng ngừa, tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý vào những điều chủ yếu nhằm tập trung giảm thiểu tiếp xúc với nhiệt độ lạnh và giữ ấm cho cơ thể thật tốt.

  • Tránh tiếp xúc với khí hậu hoặc những nơi có nhiệt độ lạnh
  • Luôn luôn giữ ấm cho cơ thể đặc biệt giữ ấm cho tay, chân, mặt đồng thời luôn khô ráo.
  • Khi đi ra ngoài đường trong thời tiết lạnh giá, thì cần hạn chế để lộ các phần da tiếp xúc với nhiệt độ lạnh bằng cách sử dụng găng tay, đi tất và giày ấm...
  • Nên ngâm tay vào nước ấm trong vòng vài phút và sau đó giữ ấm cho đôi tay.
  • Luôn vệ sinh nhà cửa và nơi làm việc để có không khí ấm áp và thoải mái
  • Ngưng sử dụng thuốc lá vì sử dụng thuốc đồng nghĩa với sử dụng chất nicotin gây ra tình trạng co mạch ảnh hưởng đến bệnh cước tay chân.
  • Hạn chế sử dụng các loại chất kích thích có thể gây ra co mạch như caffeine...

Nếu những phương pháp trên không làm tình trạng của bạn thuyên giảm, hãy đến thăm khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ ra biện pháp điều trị hữu ích nhất dành cho bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe