Viết nhật ký có thể cải thiện tâm trạng và kiểm soát các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, việc viết nhật ký cần sự kiên trì mới cho ra kết quả tốt. Hãy rèn luyện bản thân tính kỷ luật và kiên trì để hình thành thói quen viết nhật ký thành công, cảm xúc của bạn sẽ được cải thiện.
1. Viết nhật ký giúp điều trị bệnh trầm cảm?
Viết nhật ký là khoảng thời gian để bạn ghi lại chi tiết các vấn đề xảy ra. Những dòng suy nghĩ và cảm xúc được làm nổi bật lên sẽ giúp bạn phát hiện nguyên nhân gây ra lo lắng, thứ mà trước đó bạn không nhận ra được cho đến khi viết ra. Nhật ký có thể đặt ở chế độ riêng tư hoặc chia sẻ để bác sĩ tư vấn.
Viết nhật ký sẽ tạo cơ hội cho những dòng suy nghĩ tích cực xuất hiện trong đầu, đặc biệt là khi viết về những kỷ niệm hạnh phúc. Nó giống như là một cách để đào tạo lại cách suy nghĩ của não bộ.
Viết nhật ký còn giúp bạn theo dõi các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Nếu ghi lại tất cả các cảm xúc trong ngày vào cuốn sổ, bạn có thể phát hiện ra mức độ tiến triển hoặc thoái lui của bệnh. Nhật ký có thể giúp bác sĩ nắm được tình trạng bệnh và đưa ra các biện pháp điều trị bệnh trầm cảm hiệu quả hơn.
Ví dụ như phát hiện triệu chứng trầm cảm trở nên trầm trọng hơn vào một thời điểm nhất định trong ngày, khi bị căng thẳng hoặc gặp rắc rối với các mối quan hệ. Tìm ra nguyên nhân sẽ giúp bạn tránh chúng xảy ra trong tương lai.
Viết nhật ký giúp ghi nhớ các hoạt động hàng ngày. Theo dõi một thời gian, bạn có thể nhận ra ngày cảm thấy tồi tệ và vui vẻ có liên quan đến hoạt động cụ thể nào đó. Từ đó điều chỉnh lịch sinh hoạt để tránh cảm xúc tiêu cực xuất hiện.
2. Mẹo viết nhật ký
Cách để tập trung trong thời gian viết nhật ký, giúp những dòng suy nghĩ của bạn được lưu thông dễ dàng hơn gồm:
- Hãy để cảm xúc tự do bay lượn và viết tất cả chúng ra.
- Cứ nghĩ rằng không ai đọc những gì bạn viết, bạn sẽ ít có xu hướng chỉnh sửa hoặc lo lắng về chính tả, ngữ pháp hoặc ngôn ngữ xấu.
- Cố gắng ghi nhật ký một cách thường xuyên, 20 phút mỗi ngày là lý tưởng nhất.
- Viết vào thời điểm yên tĩnh và cảm thấy thư giãn, ví dụ như viết trên giường trước khi đi ngủ.
- Đổi mới chủ đề viết bằng cách viết thư cho chính mình, cho người thân không còn bên bạn.
- Nếu chỉ ghi ra những suy nghĩ tiêu cực, hãy cố gắng chuyển bài viết sang một hướng khác.
- Hạn chế đọc lại các bài viết có nội dung tiêu cực, thậm chí có thể xé nó đi sau khi viết xong như một cảm giác được tẩy rửa.
- Đặt cuốn nhật ký gần giường, trong túi xách, trong xe hoặc viết trên máy tính, điện thoại, miễn là nó tiện lợi nhất với bạn.
- Thường xuyên nhắc nhở bản thân rằng “bất kể là viết gì, nó sẽ giúp mình cảm thấy tốt hơn sau khi viết ra”.
Viết nhật ký có thể cải thiện tâm trạng và kiểm soát các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Bạn có thể kiên trì viết nhật ký hàng ngày và hãy viết vào những thời điểm thật yên tĩnh và cảm thấy thư giãn
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com