Làm thế nào để khắc phục suy nhược thần kinh?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Năm nay em 35 tuổi, vài tháng trở lại đây em bị mất ngủ thường xuyên, rất khó ngủ và dễ tỉnh giấc, khó ngủ dẫn tới tim đập nhanh, vai gáy đau mỏi, thấy nghẹn ở cổ, tinh thần dễ thay đổi cảm xúc. Trước đây, em buồn chuyện gia đình gần như suy sụp 1 thời gian, cuộc sống công việc áp lực hằng ngày nên giờ như kiểu bị suy nhược thần kinh hay trầm cảm gì đó. Em không rượu chè thuốc lá. Mong bác sĩ có lời khuyên tư vấn giúp em làm thế nào để khắc phục suy nhược thần kinh? Em cảm ơn bác sĩ nhiều ạ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ. Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Làm thế nào để khắc phục suy nhược thần kinh?”, bác sĩ xin được giải đáp như sau:

Suy nhược thần kinh thường xảy ra khi một người phải chịu những áp lực lớn về công việc, chuyện gia đình, bị mất người thân,... Nguyên do là những áp lực này khiến họ rơi vào trạng thái mất cân bằng về tâm lý nên dễ dàng mắc căn bệnh này.

Thực tế là đa số chúng ta đều chưa hiểu rõ về bệnh suy nhược thần kinh nên người bệnh thường không được quan tâm và điều trị kịp thời, thường nghĩ rằng bệnh sẽ tự khỏi. Đây là nguyên nhân chính tạo điều kiện thuận lợi để trầm cảm tấn công người bệnh.

Dấu hiệu đặc trưng là người bị suy nhược thần kinh luôn có vẻ yếu đuối về tinh thần kèm theo các triệu chứng mệt mỏi, lo lắng, nhức đầu, tim đập nhanh, huyết áp cao, thiếu sức chịu đựng, có vẻ kiệt sức và tâm trạng chán nản,... Ngoài ra, người bị suy nhược thần kinh có các triệu chứng tương tự như trầm cảm, bao gồm:

  • Mệt mỏi nhiều dù nghỉ ngơi cũng không có dấu hiệu hồi phục
  • Mất tập trung, suy giảm trí nhớ
  • Mất ngủ nghiêm trọng
  • Luôn có tâm trạng lo lắng thái quá...

Tình trạng suy nhược thần kinh nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể khiến người bệnh rơi vào trầm cảm với những biểu hiện nặng nề như suy giảm tinh thần, kiệt sức,... Điều này làm cho việc điều trị tốn kém hơn, thời gian điều trị kéo dài hơn,...

Trầm cảm được coi là căn bệnh nguy hiểm. Chứng bệnh này có thể gây ra rất nhiều căn bệnh nguy hiểm đối với hệ thần kinh, những biến chứng với hệ tim mạch. Ngoài ra, trầm cảm còn có thể là căn nguyên gây ra các bệnh như tiểu đường, béo phì, ung thư,...

Do đó, khi có những dấu hiệu của suy nhược thần kinh, người bệnh cần có biện pháp điều trị sớm nhằm tránh bệnh chuyển biến xấu sang trầm cảm. Trầm cảm là một bệnh về tâm lý, với những biểu hiện về sự ức chế của hoạt động tâm thần. Những rối loạn cơ bản của trầm cảm là giảm khí sắc (vẻ mặt bệnh nhân luôn đơn điệu, buồn bã...), giảm hoạt động và giảm hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đây. Các triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm bao gồm:

  • Mệt mỏi, mất ngủ
  • Giảm cảm giác thèm ăn
  • Suy giảm trí nhớ, giảm tập trung
  • Giảm tự tin, nảy sinh tâm lý thất vọng, buồn chán
  • Luôn cảm thấy mình có lỗi
  • Có cái nhìn bi quan về tương lai
  • Có suy nghĩ về việc tự sát hoặc có hành động tự sát,...

Người bị suy nhược thần kinh cần hạn chế các hoạt động nặng nhọc, thay đổi lối sống theo chiều hướng tích cực hơn. Tư thế ngồi tựa lưng hoặc nằm nghỉ tại giường là hai tư thế tốt nhất cho sức khỏe người bị suy nhược thần kinh. Bệnh suy nhược thần kinh cũng có thể được kiểm soát nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút/ngày
  • Ngừng uống rượu
  • Tránh hút thuốc lá
  • Thiền

Trầm cảm gây mất hứng thú trong cuộc sống và khiến bạn cảm thấy mọi thứ thật vô vọng. Tuy nhiên, có rất nhiều cách giúp bạn ổn định tâm trạng của bản thân. Điều quan trọng là nên bắt đầu với một vài mục tiêu nhỏ, dễ thực hiện và cố gắng cải thiện dần bệnh của mình.

  • Kết nối để được hỗ trợ: Một trong những điều quan trọng nhất để giúp bản thân vượt qua trầm cảm là kết nối để nhận sự trợ giúp từ xã hội, gần gũi nhất chính là bạn bè và gia đình. Hãy tin tưởng và trao cơ hội cải thiện tình trạng của mình cho những người thân yêu. Họ chính là sức mạnh lớn nhất giúp bạn vượt qua khủng hoảng hiện tại.
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ
    • Tắt điện ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.
    • Sử dụng ánh sáng mờ để đọc sách.
    • Tham gia vào một hoạt động thư giãn khác trước khi ngủ.
    • Không làm việc trên giường hoặc trong phòng ngủ. Điều này có thể khiến bạn liên tưởng chiếc giường với căng thẳng trong công việc, khiến bạn khó ngủ hơn.
  • Cải thiện chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống và sức khỏe thần kinh có mối liên hệ rõ ràng. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy việc cải thiện chế độ dinh dưỡng có thể ngăn ngừa và điều trị các bệnh về tâm thần kinh. Do đó, một chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp cải thiện triệu chứng và dấu hiệu trầm cảm. Tuy nhiên, trước khi thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào trong chế độ ăn hàng ngày, bạn nên trao đổi trước với bác sĩ.
  • Đánh bại sự trì hoãn: Cảm giác mệt mỏi và khó tập trung do trầm cảm gây ra có thể khiến bạn thích trì hoãn mọi việc hơn. Tuy nhiên, việc liên tục trì hoãn sẽ làm tăng cảm giác lo lắng, căng thẳng và tội lỗi. Do đó, quản lý thời gian và lên kế hoạch công việc là rất quan trọng. Hãy chăm chỉ làm việc, bạn sẽ cảm thấy bản thân có nhiều động lực để hoàn thành mọi việc trong ngày.
  • Tìm kiếm một thú vui mới: Nghe một bản nhạc ưa thích, nuôi thú cưng, tắm nước ấm hoặc đọc một cuốn sách hay có thể giúp tâm trạng của bạn khá hơn. Hãy tạo sẵn một danh sách các hoạt động thú vị để thử làm mỗi khi cảm thấy tồi tệ. Như vậy, mỗi lúc cảm thấy khó khăn, bạn có thể lấy danh sách đó ra và chọn một hoạt động nhẹ nhàng để thực hiện.

Nếu bạn còn thắc mắc về việc điều trị suy nhược thần kinh, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe