Dug khoa học đã rất phát triển nhưng hiện vẫn chưa có loại thuốc nào được chứng minh là có khả năng tăng cường trí nhớ. Các loại thuốc được sử dụng chủ yếu để điều trị bệnh suy giảm trí nhớ cho bệnh nhân và không có tác dụng đối với người bình thường. Vậy suy giảm trí nhớ thì uống thuốc gì?
1. Suy giảm trí nhớ nên uống thuốc gì?
Suy giảm trí nhớ là tình trạng hay gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể gặp ở người trẻ do các nguyên nhân khác nhau (nhiễm khuẩn, tổn thương ở não, mắc bệnh sa sút trí tuệ, đột quỵ,...). Tình trạng suy giảm trí nhớ tuổi già thường diễn ra từ từ, có các biểu hiện như chậm nhớ ra ngôn từ, không nhớ được thời điểm xảy ra những sự kiện trước đó, quên đường về nhà, lú lẫn, để vật dụng sai vị trí,... Ngoài ra, tình trạng suy giảm trí nhớ còn có thể gặp ở người nghiện rượu, lạm dụng thuốc an thần, gây ngủ. Bệnh sa sút trí tuệ là tình trạng suy giảm trí nhớ diễn biến nặng, có thể dẫn đến bệnh Alzheimer, cần điều trị theo phác đồ riêng.
Suy giảm trí nhớ uống thuốc gì? Một số nhóm thuốc thường được chỉ định sử dụng cho bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ là:
- Thuốc điều trị suy thoái thần kinh: Tacrine, donepezil, rivastigmine, galantamin. Chúng có tác dụng làm tăng nồng độ acetylcholine - làm gia tăng dẫn truyền thần kinh (chất đóng vai trò quan trọng của quá trình học hỏi và ghi nhớ). Hoạt chất memantine sử dụng cho người bị Alzheimer vừa và nặng vì nó giúp bảo vệ tế bào não khỏi tổn thương;
- Thuốc giãn mạch ngoại biên và hoạt hóa não: Flunarizine, co-dergocrine, isoxsuprine, naftidrofuryl, nicergoline. Đặc biệt, chất ginkgo biloba thường được khuyên dùng vì có chiết xuất từ lá cây bạch quả tự nhiên;
- Thuốc bổ thần kinh: Idebenone, piracetam, pyritinol. Chúng giúp bảo vệ não khỏi tình trạng giảm oxy huyết đến não, tăng cường tiêu thụ glucose ở não. Tuy nhiên, những bệnh nhân mắc bệnh gan và thận thì không được dùng nhóm thuốc này. Một số phản ứng có hại cũng được bác sĩ cảnh báo để người bệnh theo dõi trong quá trình dùng thuốc;
- Vitamin A, D, E: Có tác dụng làm chậm quá trình phát triển của bệnh Alzheimer.
2. Có nên sử dụng thuốc giúp cải thiện trí nhớ không?
Theo các chuyên gia, dù khoa học đã rất phát triển nhưng hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào được chứng minh là có tác dụng tăng cường trí nhớ. Chỉ có những loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh suy giảm trí nhớ và chúng cũng không có tác dụng với người bình thường. Việc tự tiện mua thuốc bổ não nhằm tăng cường trí nhớ là điều hoàn toàn sai lầm. Nó không những không giúp cải thiện trí nhớ cho người sử dụng mà còn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Nếu người dùng không tìm hiểu kỹ mà cứ cho con nhỏ hoặc bố mẹ già uống các loại thuốc bổ não, cải thiện trí nhớ,... thì sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe của người uống thuốc. Nguyên nhân vì các loại thuốc được coi là thuốc bổ thần kinh này chỉ có tác dụng rõ nét trên các trường hợp mắc bệnh lý điển hình. Nó hầu như rất ít tác dụng trên người khỏe mạnh bình thường. Thậm chí, nếu uống thuốc hằng ngày thì có thể dẫn đến những tác dụng phụ nghiêm trọng như: Kích động thần kinh, thay đổi hoạt động của hệ thống tim mạch, hệ cơ vận động, thay đổi hoạt động của đường ruột - hệ tiêu hóa,...
Còn tình trạng suy giảm trí nhớ do tuổi tác thì không có thuốc điều trị đặc hiệu. Các loại thuốc được bác sĩ chỉ định cần sử dụng đúng cách, phù hợp với thể trạng của bệnh nhân. Đồng thời, người bệnh cần được nghỉ ngơi, thư giãn và sinh hoạt điều độ, tránh lạm dụng rượu và caffeine. Bên cạnh đó, người bệnh suy giảm trí nhớ do tuổi tác còn nên tích cực tập thể dục, tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với sức khỏe để giảm bớt căng thẳng, làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ. Đặc biệt, vì người bị suy giảm trí nhớ thường hay quên nên việc sử dụng thuốc cần có sự giám sát chặt chẽ của người nhà bệnh nhân.
Người mắc bệnh lý suy giảm trí nhớ có thể sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Còn các trường hợp khỏe mạnh bình thường thì không nên dùng thuốc cải thiện trí nhớ để tránh những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.