Từ độ tuổi 50 trở đi, hệ thống miễn dịch của cơ thể dần suy giảm, từ đó làm phát triển một số bệnh lý nhất định. Theo nghiên cứu, một số bệnh thường gặp ở tuổi trung niên như bệnh Gout, sỏi thận, viêm phổi, đau tim,... Việc xây dựng lối sống và sinh hoạt lành mạnh có thể giúp người cao tuổi làm giảm hoặc ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lý này.
1. Đau tim
Theo nghiên cứu, mỗi năm có tới 735.000 người mắc phải căn bệnh đau tim, trong đó phổ biến nhất là người sau 50 tuổi. Nguyên nhân chính dẫn đến cơn đau tim ở người cao tuổi là do hệ thống tim mạch bắt đầu lão hoá và hoạt động kém hiệu quả hơn trước. Các mạch máu cũng mất dần tính đàn hồi, khiến tim phải bơm máu vất vả hơn đến những bộ phận khác trong cơ thể, đặc biệt là não. Mặt khác, khi các chất béo dần tích tụ nhiều trong lòng động mạch có thể hình thành nên các mảng bám, gây tắc nghẽn mạch và dẫn đến cơn đau tim.
Các triệu chứng phổ biến nhất của cơn đau tim thường bao gồm chóng mặt, đau ngực, khó thở, đau lưng, cổ hoặc vai. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cảm thấy buồn nôn, nôn mửa, vã mồ hôi và dễ té ngã do mất thăng bằng. Nguy cơ mắc cơn đau tim sẽ thấp hơn nếu bạn biết cách duy trì mức cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc lá.
2. Đột quỵ
Đột quỵ là một trong những bệnh thường gặp ở tuổi trung niên – nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu trong các bệnh lý nguy hiểm hiện nay. Đột quỵ thường xảy ra do máu không lưu thông được đến các bộ phận trong não và khiến các tế bào não bắt đầu chết đi nhanh chóng.
Khi bị đột quỵ, người bệnh thường có những dấu hiệu như đột ngột tê yếu ở chân tay, mặt; nhức đầu dữ dội; giảm thị lực ở một bên hoặc cả 2 bên mắt; khó nói; mất khả năng vận động hoặc bối rối. Nếu nhận thấy có bất kỳ triệu chứng nào ở trên, bạn cần ngay lập tức sơ cứu người bệnh theo chuẩn y khoa và báo cho cơ sở y tế gần nhất để kịp đưa bệnh nhân cấp cứu giờ vàng.
Để làm giảm nguy cơ mắc đột quỵ, người từ độ tuổi trung niên trở đi cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt và ăn uống của mình theo chiều hướng lành mạnh hơn. Tốt nhất, người cao tuổi nên tuân thủ chế độ dinh dưỡng ít cholesterol, nhiều rau củ quả, đồng thời tập thể dục và bỏ hút thuốc lá. Bên cạnh đó, người trên 50 tuổi cũng cần kiểm soát tốt mức huyết áp và sự căng thẳng của mình, vì đây là 2 yếu tố làm bùng phát cơn đột quỵ trong tương lai.
3. Chứng phình mạch não
Phình mạch não là tình trạng thành động mạch bị yếu đi và phình ra bên ngoài. Đây là một căn bệnh thường gặp ở tuổi trung niên, có liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm: hút thuốc lá, xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, rượu bia, ma tuý, tổn thương mạch máu hoặc di chứng để lại do nhiễm khuẩn máu.
Thông thường, chứng phình động mạch sẽ có những biểu hiện như buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, da sần sùi và tim đập nhanh. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp biến chứng chảy máu nghiêm trọng hoặc đột quỵ não.
4. Bệnh sỏi mật
Sau tuổi 50, các chức năng của cơ thể cũng hoạt động kém dần đi, trong đó bao gồm túi mật. Khi cơ quan này không thể điều tiết như bình thường, các chất thải sẽ bị kẹt lại trên đường ra khỏi túi mật, dẫn đến sự hình thành của sỏi mật.
Kích thước của sỏi mật có thể bé bằng hạt cát cho đến cỡ của một quả bóng golf. Khi viên sỏi cọ xát hoặc làm tắc ống mật có thể dẫn đến các triệu chứng như:
- Đau dữ dội sau rốn hoặc bụng trên.
- Cơn đau xuất hiện liên tục từ 30 phút cho đến một giờ.
- Đau sau khi ăn xong hoặc vào ban đêm, khiến bệnh nhân bị mất ngủ, khó ngủ.
Có thể nói, sỏi mật là một căn bệnh thường gặp ở tuổi trung niên, có nguy cơ cao mắc phải ở những bệnh nhân béo phì, tiểu đường, bệnh Crohn hoặc ít tập thể dục. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sỏi mật có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như vàng da, vàng mắt, viêm túi mật, nhiễm trùng đường mật, ung thư túi mật, viêm tụy hoặc nhiễm trùng huyết.
5. Viêm tụy cấp tính
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm tuyến tụy - nơi tạo ra các enzyme và hormone như insulin, giúp cơ thể tiêu hoá. Nhìn chung, viêm tuỵ cấp ở người cao tuổi có thể xảy ra do sỏi mật, mỡ máu tăng cao, rượu bia, bệnh tự miễn hoặc rối loạn chuyển hoá,...
Khi bị viêm tuỵ cấp, người bệnh thường cảm thấy đau bụng dữ dội, kèm các triệu chứng khác như:
- Buồn nôn, nôn ói.
- Sốt cao.
- Tụt huyết áp, rối loạn ý thức.
- Thiểu niệu.
- Bí tiểu, chướng bụng do viêm tuỷ cấp thể xuất huyết hoại tử nặng.
Viêm tuỵ cấp thường có diễn biến tiến triển nhanh chóng, do đó nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Tình trạng này có thể làm mất chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể, gây sốc, xuất huyết, suy hô hấp cấp, nhiễm trùng tuyến tụy, nang giả tuỵ hoặc thậm chí tử vong đối với trường hợp tiên lượng nặng.
6. Gãy xương
Gãy xương là một căn bệnh thường gặp ở tuổi trung niên khác, đặc biệt là người từ 50 tuổi trở lên. Khi tuổi tác càng cao, hệ thống xương khớp, gân, dịch khớp và bao dịch khớp có xu hướng suy giảm dần, dẫn đến hiện tượng thoái hoá. Xương khớp bị thoái hoá do mất mật độ xương sẽ gây ra tình trạng loãng xương, khiến xương dễ gãy khi chịu tác động đủ mạnh.
Theo nghiên cứu, nguy cơ gãy xương phổ biến hơn cả ở phụ nữ lớn tuổi và người bị thiếu canxi cũng như vitamin D. Do đó, việc bổ sung canxi và vitamin D có thể giúp bạn làm chậm hoặc ngăn ngừa nguy cơ gãy xương. Ngoài ra, một số loại thuốc kê đơn cũng giúp bạn bảo vệ và xây dựng lại hệ xương chắc khỏe.
7. Chóng mặt
Nhiều người lớn tuổi cho biết họ thường xuyên có cảm giác chóng mặt và choáng váng đầu óc mỗi khi đứng lên hoặc đi lại. Điều này thường xảy ra do các tinh thể nhỏ ở tai giúp kiểm soát sự thăng bằng và di chuyển không giữ đúng vị trí ban đầu khi tuổi tác càng cao.
Bên cạnh đó, chứng chóng mặt ở người cao tuổi cũng có liên quan đến một số bệnh lý thần kinh, sự căng thẳng, dị ứng, bệnh huyết áp, rối loạn chuyển hoá hoặc tình trạng viêm nhiễm khác. Việc điều trị chứng chóng mặt ở người cao tuổi sẽ bao gồm sử dụng thuốc, kết hợp với lối sống lành mạnh và ăn uống điều độ.
8. Viêm phổi
Theo chuyên gia, viêm phổi là một căn bệnh hô hấp sau 50 tuổi phổ biến, thường xảy ra do phế cầu khuẩn (vi khuẩn Gram dương). Người lớn tuổi dễ mắc căn bệnh này hơn vì hệ thống miễn dịch của cơ thể đã yếu dần đi và không còn hoạt động hiệu quả như trước.
Khi mắc viêm phổi, người bệnh thường có các biểu hiện như: Ho có đờm, mệt mỏi, đau tức ngực, ớn lạnh, đổ nhiều mồ hôi, lú lẫn, tiêu chảy, buồn nôn và khó thở. Nếu không điều trị sớm, chứng viêm phổi ở người già có thể dẫn đến một số biến chứng như nhiễm trùng huyết, suy hô hấp, áp xe phổi và tràn dịch màng phổi.
Giai đoạn chuyển mùa là thời điểm dễ kích hoạt chứng viêm phổi ở người già nhất, do đó người cao tuổi cần có biện pháp phòng ngừa sớm để ngăn chặn nguy cơ bùng phát căn bệnh này. Một trong các biện pháp dự phòng viêm phổi là tiêm vắc – xin, được khuyến cáo theo CDC cho tất cả những người trên 65 tuổi.
9. Bệnh sỏi thận
Sỏi thận là những tinh thể rắn, được tạo thành từ canxi và lắng đọng trong thận. Những viên sỏi nhỏ có thể được đào thải ra ngoài cơ thể theo đường tiểu, tuy nhiên đối với những viên sỏi thận lớn thường khó di chuyển và dễ bị mắc kẹt lại. Điều này có thể gây ra các cơn đau quặn thận, chảy máu, nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn dòng chảy nước tiểu.
Theo nghiên cứu cho thấy, bệnh sỏi thận có xu hướng phổ biến hơn ở nam giới, nhất là những người ở tuổi trung niên. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa căn bệnh này bằng cách uống nhiều nước mỗi ngày, tốt nhất là nước lọc.
10. Bong võng mạc
Võng mạc là một lớp rất nhạy cảm với ánh sáng, giúp truyền tín hiệu cho não để chuyển sang dạng hình ảnh có thể nhìn thấy được. Khi võng mạc bị bong ra khỏi thành ngoài của mắt, nó sẽ không nhận được lượng oxy cần thiết. Đây là một căn bệnh thường gặp ở tuổi trung niên, thường gây ra các triệu chứng như nhìn mờ, giảm thị lực, nhìn thấy các đốm sáng trôi nổi hoặc loé lên trước mắt.
Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bong võng mạc có thể dẫn đến nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn. Tình trạng này cũng đặc biệt phổ biến ở người bị cận thị nặng, mắc các bệnh về mắt hoặc đã trải qua phẫu thuật đục thuỷ tinh thể.
11. Hẹp ống sống
Hẹp ống sống là một biến chứng nguy hiểm của tình trạng viêm khớp không được điều trị, khiến các kênh trong xương sống giữ tuỷ sống và các dây thần kinh khác bị thu hẹp lại. Khi các dây thần kinh bị thu hẹp hoặc chèn ép, người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn, tê hoặc chuột rút ở vùng lưng dưới và cổ. Để điều trị hẹp ống sống, người bệnh có thể sử dụng thuốc, phẫu thuật hoặc vật lý trị liệu.
12. Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi là một bệnh hô hấp ở người cao tuổi, thường gặp nhất là người trên 50 tuổi. Tình trạng này xảy ra khi cục máu đông bị tắc nghẽn trong mạch máu ở một trong các bên phổi.
Bệnh thuyên tắc phổi có thể gây ra các triệu chứng điển hình như đau tức ngực, đột ngột khó thở, ho, ho ra máu, chóng mặt, đau chân, da xanh xao hoặc hơi ngăm. Thông thường, cục máu đông do thuyên tắc phổi có xu hướng xuất hiện ban đầu ở chân, với các dấu hiệu cảnh báo như sưng đau bắp chân.
Ngoài ra, nguy cơ mắc thuyên tắc phổi sẽ tăng lên nếu bạn bị bệnh tim, vừa mới trải qua phẫu thuật hoặc ở trong một vị trí chật trội trong thời gian dài (chẳng hạn như trên ô tô hoặc máy bay). Nếu nhận thấy có bất kỳ biểu hiện nào đáng ngờ, bạn nên đến khám bác sĩ ngay lập tức để được kiểm tra và có phương pháp điều trị cụ thể.
13. Bệnh Gout
Bệnh Gout là một căn bệnh thường gặp ở tuổi trung niên khác, đặc trưng bởi cơn sưng đau đột ngột ở một trong các khớp, điển hình như ngón chân cái. Đây là một dạng viêm khớp, xảy ra do sự tích tụ nhiều của axit uric trong cơ thể.
Nguy cơ mắc bệnh Gout sẽ cao hơn nếu bạn thường xuyên dùng thuốc điều trị huyết áp, ăn các loại thịt động vật có vỏ, thịt đỏ hoặc uống rượu nhiều. Ngoài ra, việc tiêu thụ nhiều chất tạo ngọt fructose trong soda cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh Gout cũng như béo phì.
Tóm lại người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh lý, nhất là bệnh về hô hấp. Do đó việc thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát bệnh lý ở người già sẽ tạo thuận lợi cho quá trình điều trị bệnh và kéo dài tuổi thọ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webdm