Sảy thai nhiều lần: Những lý giải cơ bản nhất

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Sản phụ khoa.

Sảy thai luôn là nỗi lo sợ đối với các cặp đôi đang chuẩn bị làm cha mẹ, và là nỗi ám ảnh, thậm chí là dằn vặt tâm lý cho những người mẹ đã từng bị sảy thai. Một vài nguyên nhân gây ra nguy cơ sảy thai liên quan đến các vấn đề như: di truyền, giải phẫu và miễn dịch.

1. Sảy thai nhiều lần là gì?

Bạn được xem là đã bị sảy thai nhiều lần nếu như tình trạng này xảy ra từ 2 lần trở lên. Tỷ lệ phụ nữ có nguy cơ bị sảy thai nhiều lần khá ít, chiếm khoảng 1%. Theo lời khuyên của các bác sĩ, sau lần thứ 3 sảy thai liên tiếp, bạn nên tiến hành thăm khám kỹ càng và thực hiện các xét nghiệm tổng quát để tìm ra nguyên nhân và phương hướng điều trị thích hợp.

2. Những nguyên nhân phổ biến của sảy thai

Hầu hết các trường hợp sảy thai (khoảng 60%) xảy ra ngẫu nhiên, khi phôi thai nhận được số lượng nhiễm sắc thể bất thường trong quá trình thụ tinh. Điều này xảy ra hoàn toàn tình cờ và không liên quan đến tình trạng sức khỏe hay một căn bệnh nào.Tuy nhiên, nếu người mẹ mang thai khi đã lớn tuổi thì có nguy cơ dễ gặp tình trạng này hơn.

2.1. Có các vấn đề về di truyền

Sẽ không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng rõ rệt bên ngoài nào ở một số cặp vợ chồng bị sảy thai nhiều lần. Nhưng nếu trứng hoặc tinh trùng của họ mang nhiễm sắc thể bất thường, sự chuyển vị (phân chia tế bào) sẽ khiến cho hợp tử nhận quá nhiều hoặc quá ít nhiễm sắc thể trong lúc thụ tinh. Và điều này sẽ dẫn đến sảy thai.


Rối loạn nhiễm sắc thể ở vợ hoặc chồng là một trong những nguyên nhân làm sảy thai.
Rối loạn nhiễm sắc thể ở vợ hoặc chồng là một trong những nguyên nhân làm sảy thai.

2.2. Bất thường ở cơ quan sinh sản

Xét về phương diện giải phẫu, một số vấn đề bẩm sinh của tử cung có liên quan đến sảy thai nhiều lần bao gồm:

  • Tử cung có vách ngăn: Trong nhiều loại dị tật bất thường ở cơ quan này, thì tử cung có vách ngăn là nguyên nhân phổ biến nhất có liên quan đến sảy thai. Thay vì có hình dạng một khoang trống như ở những phụ nữ khỏe mạnh, tử cung lúc này được ngăn thành hai phần bởi một vách mô.
  • Hội chứng Asherman: Sự hình thành các mô sẹo trong tử cung, hay còn gọi là Hội chứng Asherman, dẫn đến khoang tử cung hẹp hoặc mặt trước và sau của tử cung dính vào nhau, có thể gây ra sảy thai liên tiếp, thậm chí trước cả khi người phụ nữ biết mình có thai.
  • Sự tăng trưởng tế bào bất thường: U xơ lành tính (không phải là ung thư) và polyp tử cung là một lý do khác khiến chị em phụ nữ bị sảy thai nhiều lần.

2.3. Một số căn bệnh khác

Một số chứng bệnh có thể làm tăng nguy cơ sảy thai nhiều lần như:

  • Hội chứng kháng phospholipid (APS): là một rối loạn tự miễn, khi đó hệ thống miễn dịch của người bệnh đã nhầm và tạo ra kháng thể với một số chất liên quan đến đông máu bình thường. Nhiều nghiên cứu cho thấy APS có liên quan đến sảy thai nhiều lần và tử vong thai nhi.
  • Tiểu đường: Một căn bệnh khác có thể dẫn đến sảy thai là đái tháo đường, khi nồng độ glucose trong máu người bệnh cao. Nếu tình trạng bệnh tiểu đường được kiểm soát kém, nguy cơ sảy thai sẽ cao hơn.
  • Tình trạng đa nang buồng trứng cũng làm tăng nguy cơ sảy thai.

3. Chẩn đoán nguyên nhân

Khoảng 50-75% trường hợp không tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến sảy thai liên tiếp, tuy nhiên vẫn có thể chẩn đoán được một số vấn đề bất thường nếu có.

  • Thông thường, để giúp tìm ra nguyên nhân sảy thai nhiều lần, các bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh án và các lần mang thai trong quá khứ.
  • Khám ngoại tổng quát, bao gồm kiểm tra vùng chậu, cũng có thể được thực hiện.
  • Ngoài ra, xét nghiệm máu để giúp phát hiện các vấn đề với hệ thống miễn dịch hay nguyên nhân di truyền của sảy thai nhiều lần cũng nên được tiến hành.
  • Cuối cùng, siêu âm để thông qua hình ảnh mà biết được bạn có đang gặp các dị dạng ở tử cung liên quan đến sảy thai hay không.

4. Điều trị khi đã xác định được nguyên nhân

Bạn có thể yên tâm khi khoảng 65% phụ nữ bị sảy thai nhiều lần mà không rõ nguyên nhân đều có cơ hội thành công ở lần mang thai tiếp theo.


Nên đến các cơ sở chuyên khoa uy tín để khám và xét nghiệm khi bị sảy thai liên tiếp.
Nên đến các cơ sở chuyên khoa uy tín để khám và xét nghiệm khi bị sảy thai liên tiếp.

Ngược lại, nếu đã xác định được nguyên nhân gây ra sảy thai liên tiếp, các bác sĩ sẽ lựa chọn pháp đồ điều trị chính xác cho từng loại căn bệnh nhằm tăng khả năng mang thai thành công của bạn.

  • Sự chuyển vị của nhiễm sắc thể: Nên nhờ các chuyên gia về tư vấn di truyền nếu bạn mắc phải rối loạn nhiễm sắc thể chuyển vị. Thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp với xét nghiệm di truyền đặc biệt, hay còn gọi là chẩn đoán di truyền tiền ghép, sẽ giúp cho việc chọn phôi không bị ảnh hưởng.
  • Các vấn đề với cơ quan sinh sản: Phẫu thuật khắc phục các dị tật tử cung, ví dụ như loại bỏ vách ngăn trong tử cung, có thể giúp tăng cơ hội mang thai thành công.
  • Hội chứng kháng phospholipid (máu đông quá mức ở động mạch và tĩnh mạch, gây tắc nghẽn lưu thông): Các bác sĩ sẽ kê toa thuốc ngăn ngừa cục máu đông, chẳng hạn như heparin, đôi khi kết hợp với aspirin liều thấp trong suốt thai kỳ và trong một vài tuần sau đó dành cho những phụ nữ mắc bệnh về miễn dịch này.

Những tác động tiêu cực về tâm lý là điều không thể tránh khỏi sau khi bị sảy thai, đặc biệt là khi bị sảy thai liên tục, hạnh phúc gia đình có nguy cơ đổ vỡ. Nếu không được ổn định và thoải mái về mặt tinh thần, nghỉ ngơi về thể chất sau sảy thai thì cơ hội giữ thai thành công của các chị em phụ nữ sẽ càng ít. Để tránh rơi vào tình trạng không mong muốn trên, ngoài thay đổi thói quen sinh hoạt khi biết mình mang thai, các bác sĩ khuyến cáo bạn không nên bỏ qua việc khám sức khỏe tiền hôn nhân hay xét nghiệm tổng quát trước khi có thai và theo dõi thai kỳ thường xuyên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Acog.org.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe