Vì sao bạn bị đau xương chậu sau sinh con?

Khung chậu có vai trò quan trọng khi sinh thường vì thai muốn đi ra ngoài phải đi qua được khung chậu. Trong những tháng cuối của thai kỳ, các cấu trúc của xương chậu như dây chằng và các khớp chịu sự chi phối của hóc môn nên căng giãn nhiều so với khi không mang thai.

1. Đau nhức xương chậu sau sinh là gì?

Một số phụ nữ thường phải đối mặt với tình trạng đau xương chậu sau sinh. Dấu hiệu này được xem như một gợi ý cho thấy khung chậu của bạn đang gặp phải vấn đề. Quá trình chuyển dạ và sinh đẻ có thể gây tổn thương xương chậu của người phụ nữ nhưng nhìn chung không quá nguy hiểm vì những bất thường này thường tự khỏi. Đau vùng xương chậu sau sinh có thể do các nguyên nhân sau:

  • Vỡ xương cụt

Xương cụt là nhóm xương cuối cùng của cột sống ở người, gồm 4 đến 6 đốt sống dính liền với nhau tạo thành. Khi sinh, đứa trẻ đi qua khung chậu người mẹ với tốc độ quá nhanh hoặc ở tư thế không phù hợp, xương cụt của mẹ có thể bị vỡ.

Điều này cũng tương tự như khi trẻ được sinh ra có sử dụng forceps. Đau xương chậu sau sinh do vỡ xương cụt có thể kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng. Cảm giác đau tăng lên nhiều hơn ở tư thế ngồi, đứng lâu hoặc khi quan hệ tình dục.

  • Giãn khớp mu

Khớp mu được tạo thành bởi hai xương mu, được kết nối với nhau bằng các mô liên kết, còn gọi là dây chằng. Đầu thai nhi tì đè xuống khung chậu làm các dây chằng giãn ra, gây cảm giác đau âm ỉ trong suốt thai kỳ. Sau sinh, các bộ phận của khung chậu chưa kịp phục hồi khiến các phụ nữ bị đau vùng xương chậu sau sinh. Nếu các dây chằng bị kéo giãn quá nhiều, các xương tách ra xa, tình trạng sưng nề sẽ xuất hiện, thậm chí có thể có chảy máu. Đau nhức xương chậu sau sinh do giãn khớp mu có thể kéo dài trong vòng 3 đến 8 tháng. Cảm giác đau tăng lên nhiều khi đi lại, ngồi hoặc đứng lâu.

2. Giải quyết đau vùng chậu sau sinh

Phần lớn các trường hợp đau nhức xương chậu sau sinh không đáng lo ngại, bởi chúng sẽ tự hồi phục theo thời gian. Tùy theo từng nguyên nhân, phụ nữ có thể tham khảo các cách sau để giảm thiểu cảm giác đau.Đối với trường hợp đau vùng chậu sau sinh do nứt gãy xương cụt, các cách giảm đau sau có thể được tham khảo:

  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh: một túi chườm nóng hoặc chườm lạnh có thể giúp người phụ nữ cảm thấy dễ chịu hơn.

Dùng gối kê lót khi ngồi hoặc nằm để giảm áp lực lên vùng xương cụt giúp giảm đau vùng chậu sau sinh
Dùng gối kê lót khi ngồi hoặc nằm để giảm áp lực lên vùng xương cụt giúp giảm đau vùng chậu sau sinh

  • Dùng gối kê: có thể sử dụng gối lót khi ngồi để giảm áp lực lên vùng xương cụt.
  • Thay đổi dáng ngồi: tư thế ngồi nghiêng người về phía trước giúp giảm áp lực lên đoạn xương cụt, nhờ vậy giúp giảm cảm giác đau.
  • Vật lý trị liệu: tìm gặp các chuyên gia phục hồi chức năng để được hướng dẫn các cách thư giãn khung chậu như hít thở sâu, thư giãn các cơ vùng sàn chậu.
  • Thuốc: nhóm thuốc kháng viêm không chứa corticoid (NSAIDs) có tác dụng giảm đau và giảm tình trạng viêm. Nếu cảm giác đau của bạn nặng nề hơn, bác sĩ có thể tư vấn lựa chọn thuốc steroid hay gây tê có tác dụng giảm đau kéo dài hơn.
  • Phẫu thuật: nếu tình trạng đau vùng chậu sau sinh kéo dài, không thuyên giảm, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện cắt bỏ xương cụt. Đây được xem như là phương án cuối cùng, không thường được áp dụng.

Đối với trường hợp đau vùng chậu sau sinh do giãn khớp mu, phụ nữ có thể giảm đau bằng các cách tương tự kể trên như sử dụng thuốc và tập vật lý trị liệu. Ngoài ra, một số phương án có thể được áp dụng với nguyên nhân giãn khớp mu như:

  • Mang nẹp, đai quanh hông giúp kéo hai xương mu lại gần nhau. Phương pháp này giúp giảm đau nhanh chóng.
  • Nằm nghỉ ngơi tại giường: Nếu bạn cảm thấy đau nhiều hoặc thậm chí gặp khó khăn khi đi lại, bác sĩ có thể khuyên bạn nằm nghỉ ngơi tại giường trong một khoảng thời gian ngắn. Ngay khi có thể di chuyển được, bạn nên tập đi bộ và vận động vừa sức.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe