Vì sao bạn bị đau lưng khi có kinh nguyệt?

Đau lưng dưới là một triệu chứng phổ biến của các bệnh liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, chẳng hạn như hội chứng tiền kinh nguyệt - một tình trạng mà hầu hết phụ nữ đều gặp phải trong thời kỳ kinh nguyệt. Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn đối với các bệnh như rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt, đau bụng kinh, hoặc lạc nội mạc tử cung.

1. Nguyên nhân gây đau lưng khi có kinh nguyệt

Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đau thắt lưng nghiêm trọng trong kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Nhiều nguyên nhân trong số này có liên quan đến một số bệnh lý phụ khoa.

1.1.Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)

PMS là một tình trạng mà hầu hết những người có kinh nguyệt đều gặp phải. Bạn có thể gặp phải các triệu chứng phổ biến của PMS trong vòng một tuần trước kỳ kinh nguyệt và sẽ dừng lại khi kỳ kinh bắt đầu diễn ra.

Những triệu chứng thường gặp nhất của hội chứng tiền kinh nguyệt sẽ bao gồm:

  • Đau ngực
  • Đầy hơi
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Chuột rút ở bụng
  • Đau đầu
  • Tâm trạng thất thường hoặc cảm xúc bị thay đổi

Ở một số phụ nữ, đau thắt lưng dữ dội có thể là một triệu chứng thường xuyên xảy ra. Điều này thường liên quan đến tình trạng viêm nhiễm tăng lên trong thời kỳ kinh nguyệt.

Trong một cuộc nghiên cứu gần đây đã cho thấy, những phụ nữ có dấu hiệu viêm cao hơn trong kỳ kinh nguyệt thường có nguy cơ cao bị chuột rút ở bụng và cảm thấy đau lưng nhiều hơn so với những người khác.

1.2.Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD)

Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là một tình trạng nghiêm trọng hơn của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Rối loạn này được đặc trưng bởi các triệu chứng nghiêm trọng của PMS, làm ảnh hưởng và cản trở đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của phụ nữ, bao gồm học tập, công việc và các mối quan hệ cá nhân.

Nhìn chung, những triệu chứng phổ biến nhất của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) thường bao gồm:

  • Dị ứng, nổi mụn trứng cá và mắc các tình trạng viêm nhiễm khác
  • Thay đổi tâm lý, ví dụ như lo lắng, trầm cảm, hoặc thay đổi tâm trạng nghiêm trọng
  • Có các triệu chứng thần kinh, ví dụ như tim đập nhanh và chóng mặt
  • Có các triệu chứng tiêu hóa, ví dụ như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy

Tương tự như hội chứng tiền kinh nguyệt, sự gia tăng của tình trạng viêm có thể dẫn đến đau thắt lưng nghiêm trọng trong PMDD. Đôi khi, nó cũng có thể là tác dụng phụ của các triệu chứng PMDD khác, chẳng hạn như:

  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Áp lực vùng chậu

1.3.Đau bụng kinh

Đau bụng kinh là một tình trạng được đặc trưng bởi các cơn đau bụng kinh ở phụ nữ khi đến kỳ kinh nguyệt. Khi bị đau bụng kinh, tử cung của phụ nữ sẽ trở nên co bóp nhiều hơn sơ với bình thường. Điều này có thể gây ra tình trạng chuột rút dữ dội, đôi khi dẫn đến suy nhược.

Không đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt
Đau bụng kinh là một tình trạng được đặc trưng bởi các cơn đau bụng kinh ở phụ nữ khi đến kỳ kinh nguyệt

Khi bị đau bụng kinh, bạn có thể gặp phải các triệu chứng sau đây:

  • Đau bụng
  • Cơn đau lan xuống chân
  • Đau lưng dưới
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Choáng váng hoặc nhức đầu

Chứng chuột rút do đau bụng kinh có thể lan tỏa ra khắp toàn bộ phần dưới và phần trên của lưng. Theo một nghiên cứu được thực hiện trên 300 phụ nữ ở độ tuổi từ 18-25, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng có hơn 84% trong số họ bị đau bụng kinh nguyên phát. Trong số 261 người tham gia đó thì có khoảng 16% bị các triệu chứng của đau lưng dưới, bao gồm co thắt, cơn đau nhói, đau nhức nhối, cơn đau rất nhói và đột ngột như bị dao đâm.

  • Đau bụng kinh nguyên phát: Đau bụng kinh nguyên phát xảy ra do tình trạng chuột rút trong thời kỳ hành kinh. Thông thường, những người bị đau bụng kinh nguyên phát sẽ có các triệu chứng đau khi mới bắt đầu hành kinh.

Trong thời kỳ kinh nguyệt, tử cung của bạn sẽ có bóp để có thể làm bong tróc các mô trong niêm mạc tử cung. Trong đó, prostaglandin được ví như một sứ giả hóa học tương tự như hormone của cơ thể, kích thích tử cung co bóp nhiều hơn.

Tuy nhiên, nếu mức prostaglandin tăng quá mức cho phép sẽ khiến cho phụ nữ cảm thấy đau đớn nhiều hơn. Thậm chí, những cơn co thắt này có thể dẫn đến co thắt dạ dày. Ngoài ra, bạn cũng có thể cảm thấy các cơn đau ở lưng dưới lan xuống chân.

  • Đau bụng kinh thứ phát: Đau bụng kinh thứ phát có xu hướng xảy ra muộn hơn trong cuộc đời của người phụ nữ. Đây là một chứng đau lưng trong kỳ kinh nguyệt, do một tình trạng sức khỏe hoặc chấn thương gây ra. Nhìn chung, prostaglandin vẫn là tác nhân làm tăng mức độ đau của người bị đau bụng kinh thứ phát.

1.4.Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là một vấn đề nghiêm trọng hơn đối với phụ nữ khi đến kỳ kinh nguyệt. Đây là một tình trạng đặc trưng bởi sự dịch chuyển của các mô tử cung ra bên ngoài tử cung. Những mô này có xu hướng “đi lạc” sang các khu vực khác của vùng xương chậu.

Lạc nội mạc tử cung có thể gây ra các vấn đề:

  • Đau bụng dữ dội
  • Rối loạn chức năng của các cơ quan
  • Sẹo

Những triệu chứng phổ biến nhất của lạc nội mạc tử cung thường bao gồm:

  • Đau vùng chậu ngoài kỳ kinh
  • Đau vùng chậu mãn tính, nhất là trong và sau khi quan hệ tình dục
  • Kỳ kinh kéo dài hơn bình thường
  • Đau bụng kinh nghiêm trọng, bao gồm cả đau lưng dưới

Nhìn chung, đau lưng do lạc nội mạc tử cung gây ra cơ thể khác so với đau lưng do hội chứng tiền kinh nguyệt, rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt và đau bụng kinh.

Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là một vấn đề nghiêm trọng hơn đối với phụ nữ khi đến kỳ kinh nguyệt

Khi lớp nội mạc tử cung di chuyển đến các vị trí khác ngoài tử cung, nó có thể dẫn đến một cơn đau sâu khó kiểm soát được bằng các phương pháp truyền thống, chẳng hạn như nắn chỉnh xương hoặc xoa bóp.

Có thể nói, lạc nội mạc tử cung là một tình trạng nghiêm trọng đối với sức khỏe của người phụ nữ, do đó nó cần được chẩn đoán sớm để xác định được cách điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

1.5.U xơ tử cung

U xơ tử cung là sự phát triển không phải ung thư trong tử cung. Tình trạng này có thể gây ra những cơn đau dữ dội, bao gồm cả đau lưng khi đến kỳ kinh nguyệt.

Nhìn chung, những khối u xơ này có thể tự biến mất mà không cần điều trị, ngay cả những khối u xơ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện phẫu thuật để loại bỏ chúng.

1.6.Các điều kiện khác

Một số tình trạng cơ bản khác cũng có thể ảnh hưởng đến bụng và lưng dưới của bạn khi đến kỳ kinh nguyệt, bao gồm:

  • U xơ tử cung
  • Nhiễm trùng
  • Khối u
  • PID: Tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn thường bắt đầu trong tử cung và lây lan ra các khu vực khác
  • Một số điều kiện khác ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản, chẳng hạn như ngôi thai bất thường, bao gồm sẩy thai hoặc mang thai ngoài tử cung

Trong trường hợp cơn đau thắt lưng của bạn trở nên nghiêm trọng, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp.

2. Chẩn đoán đau lưng khi đến kỳ kinh nguyệt

Để chẩn đoán hoặc tìm ra nguyên nhân gây đau lưng trong kỳ kinh nguyệt, bạn có thể cần phải thực hiện một số xét nghiệm khác nhau, bao gồm:

  • Khám phụ khoa
  • Chụp MRI, chụp ảnh các cơ quan nội tạng
  • Siêu âm
  • Nội soi tử cung: đưa dụng cụ quan sát qua âm đạo và vào ống cổ tử cung, giúp xem được bên trong tử cung
  • Nội soi ổ bụng: đưa một ống mỏng có thấu kính và ánh sáng vào thành bụng, giúp bác sĩ phát hiện ra các khối u ở vùng chậu và vùng bụng
Khám phụ khoa
Bạn nên đi khám phụ khoa để được chẩn đoán nguyên nhân gây đau bụng trong kỳ kinh nguyệt

3. Phương pháp điều trị đau lưng khi đến kỳ kinh nguyệt

Hiện nay, việc sử dụng thuốc, liệu pháp bổ sung và phẫu thuật chính là những phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với chứng đau thắt lưng nghiêm trọng trong kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.

3.1.Kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố

Phương pháp này thường được chỉ định cho những người bị đau bụng kinh. Nó bao gồm các phương pháp ngừa thai có sự kết hợp của cả estrogen và progesterone. Đối với các lựa chọn thay thế sẽ chỉ bao gồm mỗi progesterone.

Nhìn chung, thông qua biện pháp kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố có thể giúp làm giảm đáng kể mức độ nặng nề và đau đớn mang lại do hành kinh. Ngoài ra, nó cũng góp phần làm giảm bớt các tình trạng sau:

  • Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
  • Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD)
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Đau bụng kinh

3.2.Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Những loại thuốc này thường bao gồm ibuprofen, aspirin và naproxen. Đây đều là những loại thuốc có tác dụng giảm đau và viêm hiệu quả.

Theo một nghiên cứu gần đây đã cho thấy, việc sử dụng NSAID (ví dụ như ibuprofen và naproxen) là cực kỳ hiệu quả trong việc giảm đau bụng kinh, thậm chí có tác dụng vượt trội hơn cả aspirin.

3.3.Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (TENS)

Đây là một thủ thuật có sử dụng các điện cực để tạo ra các cú sốc điện đến da, từ đó giúp giải phóng ra endorphin – một chất có tác dụng giảm đau tự nhiên của cơ thể.

Trong một cuộc nghiên cứu trên một bệnh nhân nữ 27 tuổi đã cho thấy, việc kết hợp giữa vận động đốt sống cổ, sử dụng nhiệt và TENS đã giúp bệnh nhân giảm đáng kể được cơn đau thắt lưng mức độ trung bình và nặng nhất sau 3-4 chu kỳ điều trị hàng tháng.

3.4. Châm cứu và bấm huyệt

Đây là hai liệu pháp bổ sung, tập trung chủ yếu vào việc tạo áp lực lên các vùng khác nhau của cơ thể để giảm đau và thúc đẩy quá trình chữa bệnh. Các nghiên cứu đã cho thấy, qua 12 buổi châm cứu có thể làm giảm đáng kể cơn đau do kinh nguyệt trong vòng 1 năm. Trong các thử nghiệm lâm sàng cũng phát hiện ra rằng bấm huyệt có thể làm giảm cơn đau bụng kinh một cách hiệu quả.

Châm cứu
Các nghiên cứu đã cho thấy, qua 12 buổi châm cứu có thể làm giảm đáng kể cơn đau do kinh nguyệt trong vòng 1 năm

3.5. Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể được thực hiện trong trường hợp bạn bị lạc nội mạc tử cung, nhằm loại bỏ các mô tử cung gây ra các triệu chứng khó chịu. Đôi khi, bác sĩ có thể chỉ yêu cầu bệnh nhân thực hiện phẫu thuật loại bỏ các phần nhỏ của mô tử cung bị dịch chuyển.

Nếu tổn thương và sẹo đủ lớn, bệnh nhân có thể phải cắt toàn bộ tử cung, bao gồm: tử cung, cổ tử cung và buồng trứng.

4. Biện pháp khắc phục tại nhà

Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp bạn giảm các cơn đau thắt lưng một cách hiệu quả. Dưới đây là một số biện pháp mà bạn có thể thực hiện:

  • Thuốc không kê đơn: bao gồm aspirin, ibuprofen, hoặc kem giảm đau để làm giảm cơn đau bụng dưới trong kỳ kinh nguyệt. Đa số các loại kem giảm đau đều được điều chế với capsaicin, một hợp chất chống viêm mạnh có khả năng giảm đau hiệu quả. Bạn có thể sử dụng những loại kem này để xoa bóp vùng lưng dưới và thư giãn các cơ.
  • Sử dụng nhiệt: bạn có thể đắp một miếng đệm ấm vào vùng lưng dưới để giảm bớt cơn đau. Trong khi đó, hãy cố gắng thư giãn cơ lưng của bạn để giảm đau nhanh hơn.
  • Nghỉ ngơi và thư giãn: các cơn đau thắt lưng dữ dội có thể làm cản trở công việc của bạn, tốt nhất bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý cho riêng mình. Hãy thư giãn bằng một bản nhạc, quyển sách, tập yoga nhẹ nhàng, hoặc tắm nước nóng để kích thích cơ thể sản xuất ra endorphin, giúp chống lại cơn đau một cách tự nhiên.

5. Một số mẹo và lối sống giúp làm giảm đau lưng kỳ kinh nguyệt

Các thói quen xấu như hút thuốc hoặc uống rượu bia có thể khiến cho tình trạng viêm của bạn trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, việc sử dụng quá nhiều caffeine, chất béo và thức ăn mặn cũng góp phần làm cho các triệu chứng kinh nguyệt của bạn tồi tệ hơn.

Tốt nhất, bạn nên cố gắng uống nhiều nước, ăn nhiều rau, trái cây và bổ sung thêm các loại thực phẩm có tác dụng chống viêm để làm giảm thiểu các triệu chứng của PMS, chẳng hạn như đau lưng dưới.

Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên tập thể dụng vào mỗi ngày để kích thích cơ thể giải phóng ra lượng endorphin tự nhiên, giúp giảm đau hiệu quả. Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi thực hiện các bài tập thể dục do bị đau lưng dưới, bạn có thể thử các bài tập nhẹ nhàng hơn, ví dụ như bơi lội hoặc tập yoga.

Chưa hết, quan hệ tình dục cũng là một cách giúp giảm đau hiệu quả. Việc đạt được cực khoái có thể giúp làm giảm chứng chuột rút trong kỳ kinh nguyệt, đồng thời làm giảm cơn đau thắt lưng.

Rượu thuốc lá
Hút thuốc lá và uống rượu có thể khiến tình trạng đau lưng trở nên trầm trọng hơn

6. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Bạn nên cân nhắc đến gặp bác sĩ nếu:

  • Thuốc không làm giảm bớt cơn đau
  • Các phương pháp chăm sóc tại nhà không đem lại hiệu quả
  • Có các triệu chứng đi kèm, chẳng hạn như chảy máu giữa kỳ kinh, đau vùng kín hoặc đau khi quan hệ tình dục
  • Cơn đau dữ dội khiến bạn không thể thực hiện được các hoạt động hàng ngày
  • Đau chu kỳ mới hoặc ngày càng trầm trọng hơn
  • Chảy máu kinh nguyệt nhiều đến mức phải thay băng vệ sinh liên tục
  • Có các triệu chứng khác ở lưng hoặc cơ, chẳng hạn như đau khi đi bộ, khó nâng vật hoặc co thắt cơ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com, medicalnewstoday.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

165K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan