5 nguyên nhân gây đau ở buồng trứng, chẩn đoán, điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Néang Chanh Ly - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Buồng trứng là một phần quan trọng của hệ thống sinh sản của nữ giới gồm 2 chức năng chính là (1) sản xuất tế bào trứng và (2) sản xuất hormone estrogen, progesterone và kích hoạt kinh nguyệt. Có rất nhiều nguyên nhân đau buồng trứng, từ u nang đến khối u.

1. U nang buồng trứng

U nang là túi chứa đầy chất lỏng hình thành trong buồng trứng. Bệnh này rất phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là trong độ tuổi sinh sản. Thường u nang hình thành trong quá trình rụng trứng do trứng không được giải phóng hoặc sau khi trứng được giải phóng thì túi nang trứng không biến mất, túi phồng lên và chứa dịch bên trong. U nang buồng trứng thường không gây ra triệu chứng và tự biến mất. Tuy nhiên, chúng có thể tạo ra cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói nếu u nang lớn và bị vỡ ra.

Các triệu chứng khác của u nang buồng trứng

  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều
  • Đau khi giao hợp hoặc đi đại tiện
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Cảm thấy no nhanh sau khi ăn
  • Đầy hơi

Làm thế nào chẩn đoán u nang buồng trứng?

  • Khám vùng chậu để phát hiện khối u.
  • Siêu âm sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của buồng trứng và giúp bác sĩ xác định kích thước và vị trí của u nang.

Điều trị u nang buồng trứng

  • Chờ đợi. Hầu hết các u nang buồng trứng sẽ tự biến mất. Nếu bạn không có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, đặc biệt là nếu bạn chưa tới thời kỳ mãn kinh. Thay vì không điều trị gì, bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn nên khám sức khỏe định kỳ để theo dõi có bất kỳ thay đổi nào về khối u nang hay sức khỏe tổng thể hay không.
  • Phẫu thuật nội soi. Đây là một kỹ thuật sử dụng vết mổ nhỏ và một camera nhỏ ở phía đầu của thiết bị được đưa vào bụng giúp bác sĩ nhìn rõ bên trong khung chậu và loại bỏ các u nang nhỏ. Đối với các u nang có kích thước lớn có thể sẽ phải cần vết mổ lớn hơn ở bụng.
  • Thuốc tránh thai. Thuốc tránh thai ngăn ngừa rụng trứng nên làm giảm khả năng hình thành các u nang mới.

Phẫu thuật nội soi là phương pháp điều trị u nang buồng trứng hiệu quả
Phẫu thuật nội soi là phương pháp điều trị u nang buồng trứng hiệu quả

2. Khối u buồng trứng

Các khối u có thể hình thành trong buồng trứng, giống như ở các bộ phận khác của cơ thể. Khối u có thể là không ung thư (lành tính) hoặc ung thư (ác tính), và khối u có thể gây đau buồng trứng phải hoặc đau buồng trứng bên trái hoặc cả hai bên.

Ngoài triệu chứng đau, các triệu chứng khác của khối u buồng trứng gồm:

  • Đầy hơi hoặc cảm giác nặng bụng
  • Mót tiểu
  • Ăn khó tiêu
  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Mất cảm giác ngon miệng, hay có cảm giác no
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân hoặc to vùng bụng

Làm thế nào để chẩn đoán khối u buồng trứng?

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET). Đây là những kỹ thuật chẩn đoán tạo ra các hình ảnh chi tiết giúp bác sĩ tìm khối u trong buồng trứng và khối u buồng trứng đã di căn chưa và nếu có thì di căn ở đâu.
  • CA-125. Đây là xét nghiệm máu để tìm kiếm một loại protein có xu hướng cao hơn diễn ra ở phụ nữ mắc ung thư buồng trứng. CA-125 không được sử dụng để làm xét nghiệm sàng lọc ung thư buồng trứng, nhưng nó có thể được thực hiện ở những phụ nữ có triệu chứng của ung thư buồng trứng.

Điều trị khối u buồng trứng

  • Phẫu thuật nội soi để loại bỏ khối u càng nhiều càng tốt. Nếu khối u là ung thư và đã lan rộng, bác sĩ phẫu thuật cũng có thể loại bỏ buồng trứng, tử cung, ống dẫn trứng, lớp chất béo tích tụ trên vùng eo nơi có màng nối dạ dày - ruột (omentum) và các hạch bạch huyết gần đó.
  • Hóa trị. Hóa trị bao gồm các loại thuốc được truyền qua tĩnh mạch, bằng đường uống nhằm tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Xạ trị. Phương pháp điều trị này sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt hoặc thu nhỏ tế bào ung thư. Bức xạ được chiếu từ bên ngoài cơ thể hoặc được đặt trực tiếp gần vị trí của khối u ở bên trong cơ thể.

3. Đau buồng trứng do lạc nội mạc tử cung

Bình thường, buồng tử cung được bao phủ một lớp niêm mạc còn được gọi là nội mạc tử cung. Hàng tháng, lớp niêm mạc này phát triển để cuối chu kỳ kinh nguyệt, nếu trứng không được thụ tinh thì lớp niêm mạc này sẽ bong ra tạo thành kinh nguyệt. Bình thường chỉ có buồng tử cung mới có lớp nội mạc tử cung, nhưng nếu lớp này xuất hiện ở ngoài tử cung thì được gọi là lạc nội mạc tử cung.

Các triệu chứng khác của lạc nội mạc tử cung gồm:

  • Đau ở vùng chậu trong thời kỳ hành kinh và đau tăng dần
  • Đau khi giao hợp
  • Lượng máu trong hành kỳ ra nhiều hơn bình thường
  • Âm đạo khô
  • Đau khi đi đại tiện

Làm thế nào được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung?

  • Dựa trên tiền sử bệnh và khám thể chất
  • Siêu âm và chụp MRI để giúp bác sĩ phát hiện vị trí của lạc nội mạc tử cung.
  • Nội soi ổ bụng.

Điều trị lạc nội mạc tử cung

  • Thuốc giảm đau. Các loại thuốc như ibuprofen có thể giúp giảm một số triệu chứng khó chịu của lạc nội mạc tử cung.
  • Thuốc tránh thai để ngăn ngừa sự phát triển hàng tháng của mô nội mạc tử cung trên buồng trứng và bất cứ nơi nào khác, giúp giảm các triệu chứng lạc nội mạc tử cung và chu kỳ kinh nguyệt cũng nhẹ nhàng hơn.
  • Thuốc GnRH-đồng vận (GnRH agonists). Đây là nhóm thuốc làm giảm lượng hormone estrogen trong cơ thể nên sẽ làm chậm quá trình phát triển của lạc nội mạc tử cung và hạn chế các triệu chứng của nó.
  • Phẫu thuật nội soi để loại bỏ lạc nội mạc tử cung trên buồng trứng và những nơi khác. Nếu lạc nội mạc tử cung rộng, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ tử cung và đôi khi cả buồng trứng, ống dẫn trứng.

Siêu âm và chụp MRI để giúp bác sĩ phát hiện vị trí của lạc nội mạc tử cung.
Siêu âm và chụp MRI để giúp bác sĩ phát hiện vị trí của lạc nội mạc tử cung.

4. Bệnh viêm vùng chậu

Bệnh viêm vùng chậu (tên tiếng Anh là Pelvic Inflammatory Disease) là một bệnh nhiễm trùng ở buồng trứng, tử cung hoặc ống dẫn trứng. Nguyên nhân do các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu hoặc chlamydia. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau vùng chậu ở phụ nữ.

Các triệu chứng khác của viêm vùng chậu gồm:

  • Đau khi giao hợp
  • Sốt
  • Dịch âm đạo có mùi bất thường
  • Chảy máu kinh nguyệt không đều
  • Tiêu chảy
  • Nôn
  • Mệt mỏi
  • Khó đi tiểu

Làm thế nào chẩn đoán viêm vùng chậu?

  • Khám vùng chậu để bác sĩ tìm kiếm bất kỳ u cục, dịch tiết bất thường hoặc đau ở xương chậu.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu để xác định nhiễm trùng.
  • Siêu âm vùng chậu.
  • Nội soi ổ bụng.

Điều trị bệnh viêm vùng chậu

Thuốc kháng sinh bằng đường uống hoặc truyền/tiêm tĩnh mạch để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh viêm vùng chậu. Nếu bạn đang dùng thuốc kháng sinh để điều trị thì bạn tình của bạn cũng nên được điều trị, do có nhiều khả năng bạn đã truyền bệnh lây truyền lây qua đường tình dục cho người khác hoặc ngược lại.

5. Mảnh sót lại sau phẫu thuật buồng trứng

Sau phẫu thuật cắt bỏ tử cung và buồng trứng, trong một số ít trường hợp, một mảnh nhỏ của buồng trứng có thể vô tình bị bỏ lại. Phần còn lại này có thể phát triển thành các khối u nang gây đau ở vùng bụng.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Đau khi giao hợp
  • Khó đi tiểu

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm, chụp CT và chụp MRI để xác định vị trí các mô còn sót lại ở ổ bụng.

Điều trị

Thông thường, bác sĩ sẽ thực hiện nội soi để lấy các mảnh còn sót lại ở trong buồng trứng hoặc phẫu thuật nội soi để loại bỏ các mảnh này trong ổ bụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe