Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ Đinh Thị Mỹ Hạnh - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Đau bụng kinh là triệu chứng rất nhiều chị em phụ nữ gặp phải. Để điều trị triệu chứng và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thì người bệnh cần phải sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh đúng cách theo đúng sự chỉ dẫn của các bác sĩ, dược sĩ tư vấn.
1. Nguyên nhân gây đau bụng kinh
Có 2 nguyên nhân gây đau bụng kinh, đó là: Đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát. Theo đó, đau bụng kinh nguyên phát khá phổ biến và ít nghiêm trọng hơn đau bụng kinh thứ phát, mặc dù cả hai tình trạng đều gây nên sự đau đớn trầm trọng.
Tử cung được cấu tạo hoàn toàn bằng cơ trừ lớp lót trong cùng nội mạc tử cung. Với mỗi chu kỳ kinh nguyệt, lớp nội mạc này chuẩn bị cho phôi thai đậu vào bằng cách phát triển một lớp mô giàu mạch máu và chất dinh dưỡng. Khi cơ thể nhận ra rằng nó không mang thai, một sự thay đổi hóc-môn xảy ra sẽ khởi phát thời kỳ kinh nguyệt và giải phóng một chất hoá học gọi là prostaglandin, làm cho cơ tử cung co lại để đẩy lớp niêm mạc giàu mạch máu ra ngoài. Nồng độ prostaglandin càng cao thì sự co bóp ở tử cung càng mạnh, cơn đau bụng kinh sẽ càng đau.
Tình trạng trên chính là đau bụng kinh nguyên phát. Bất kỳ một phụ nữ nào khi có kinh cũng có thể trải nghiệm triệu chứng đau bụng kinh nguyên phát và nó thường bắt đầu một vài ngày trước khi có kinh và thuyên giảm khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc. Đối với nhiều phụ nữ có thể sử dụng thuốc giảm đau để giảm bớt cơn đau, nhưng với một số người thì cơn đau có thể làm suy nhược và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khiến họ phải nghỉ học hoặc nghỉ làm. Điều trị nguyên nhân chính là chìa khóa để giảm đau bụng kinh nguyên phát.
Tuy nhiên, đau bụng kinh thứ phát là do vấn đề sức khỏe tiềm ẩn gây nên, như lạc nội mạc tử cung, bệnh viêm vùng chậu, bệnh nhiễm trùng lây lan qua đường tình dục, gặp vấn đề với dụng cụ đặt trong tử cung (còn gọi là IUD), hoặc u xơ tử cung. Đau bụng kinh thứ phát nghiêm trọng hơn và thường ảnh hưởng đến phụ nữ đã có kinh trong nhiều năm. Tình trạng này cũng sẽ gây đau đớn ngay cả khi người đó không gặp phải hội chứng tiền kinh nguyệt hoặc trong khi hành kinh. Do đó, nếu bạn bị đau bụng kinh thứ phát, bạn sẽ phải cần nhờ đến các phương pháp điều trị y tế và nên đi khám càng sớm càng tốt.
2. Các triệu chứng đau bụng kinh
Các triệu chứng đau bụng kinh thường gặp bao gồm:
- Đau nhói hoặc co rút ở vùng bụng dưới.
- Cơn đau có thể bắt đầu từ 1 đến 3 ngày trước kỳ kinh, có thể đau nhất trong 24h sau khi bắt đầu kinh nguyệt và giảm dần sau 2-3 ngày.
- Đau âm ỉ, liên tục, có thể lan đến lưng dưới và vùng đùi
Ngoài ra, một số phụ nữ cũng gặp các triệu chứng khác như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đi phân lỏng.
3. Những biện pháp làm giảm đau bụng kinh
Sử dụng thuốc giảm đau là biện pháp làm giảm đau bụng kinh hiệu quả. Một số loại thuốc giảm đau bụng kinh như sau:
3.1. Thuốc kháng viêm non-steroid (NSAIDs)
NSAIDs là thuốc đầu tiên trong điều trị đau bụng kinh. Cơ chế giảm đau của các thuốc này là làm giảm prostaglandin gây ra cơn đau. Hiện nay các thuốc phổ biến được sử dụng là ibuprofen, diclofenac, naproxen, acid mefenamic.
Người bệnh nên bắt đầu uống thuốc từ 1-2 ngày trước khi hành kinh hoặc khi bắt đầu đau và kéo dài 2-3 ngày. Các thuốc này nên uống trong hoặc sau bữa ăn để giảm thiểu kích ứng đường tiêu hoá.
Tuy nhiên, NSAIDs không nên sử dụng cho người nhạy cảm với Aspirin vì nguy cơ dị ứng chéo. Thuốc cũng không được khuyến cáo cho người bị viêm loét dạ dày. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
3.2. Paracetamol & Caffein
Paracetamol là thuốc giảm đau nhẹ và là lựa chọn hiệu quả khi bệnh nhân không thể sử dụng NSAIDs do những tác dụng phụ trên dạ dày. Paracetamol cũng có tác dụng đối với bệnh nhân hay buồn nôn, nôn do không gây kích ứng dạ dày. Khi phối hợp chung với Cafein thì có thể tăng hiệu quả giảm đau của thuốc. Liều dùng tối đa của Paracetamol là 4g/ngày
3.3. Thuốc chống co thắt
Hyoscine có tác dụng chống co thắt sẽ làm giảm những cơn quặn thắt của đau bụng kinh. Khi dùng thuốc này có thể gây khô miệng, táo bón, giảm tầm nhìn do tác dụng kháng cholinergic. Do vậy, nó chống chỉ định cho phụ nữ có glaucoma góc hẹp hoặc đang dùng các thuốc có tính kháng cholinergic khác.
Alverin cũng là một loại thuốc ức chế các cơn co thắt, thường dùng trong trường hợp đau do co thắt, điển hình như đau bụng kinh. Thuốc này chống chỉ định cho bệnh nhân có huyết áp thấp.
3.4. Thuốc ngừa thai
Thuốc tránh thai đường uống là liệu pháp điều trị bằng hormon có thể làm giảm đau bụng kinh tới 90%. Cơ chế của thuốc là giữ cho hormone cơ thể ở trạng thái ổn định, do đó ít mô được phát triển trong niêm mạc tử cung nên không kích hoạt sản xuất prostaglandin, từ đó không gây ra cơn đau bụng kinh.
Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc này bao gồm thay đổi tâm trạng, đau đầu, buồn nôn, đau ngực, tăng cân do giữ nước. Thuốc không sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú (sau sinh 6 tuần – 6 tháng)
4. Một số lời khuyên khác để giảm đau bụng kinh
Ngoài cách sử dụng thuốc thì bạn có thể thực hiện việc thay đổi lối sống và duy trì chế độ dinh dưỡng để đẩy lùi các cơn đau bụng kinh như sau:
- Thay đổi chế độ ăn lành mạnh, nên bổ sung thêm các vitamin A, C, E, B6, B12, sắt, magie...
- Nên nghỉ ngơi, giảm stress, uống nhiều nước,
- Tập thể dục
- Ngưng hút thuốc
- Có thể chườm nóng lên vùng bụng dưới để giảm đau
- Cân nhắc kết hợp nhiều phương pháp trên với nhau để giảm cơn đau bụng kinh. Ví dụ, tập thể dục nhẹ và uống thuốc NSAID sẽ hiệu quả hơn là chỉ dùng một biện pháp duy nhất.
Bạn cần chú ý, nên đi khám ngay lập tức nếu cơn đau kéo dài hơn chu kỳ kinh nguyệt, nếu bạn bị chảy máu bất thường, buồn nôn hoặc nôn mửa, hoặc có khả năng đang mang thai.
Để việc sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh hiệu quả thì bạn cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ kê đơn cũng như các dược sĩ tư vấn sử dụng thuốc.