Thời kỳ mãn kinh ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe phụ nữ?

Đối với phụ nữ, thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh là giai đoạn có nhiều thay đổi về sức khỏe và tâm sinh lý. Việc hiểu rõ tiền mãn kinh là gì, tiền mãn kinh có triệu chứng gì, mãn kinh ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe phụ nữ,... sẽ giúp phái đẹp có thể chuẩn bị sẵn sàng trước những thay đổi của cơ thể để chủ động bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

1. Tiền mãn kinh là gì? Mãn kinh là gì?

Thời kỳ tiền mãn kinh là giai đoạn tự nhiên ở mọi phụ nữ, xuất hiện ở độ tuổi 42 – 47,5 tuổi. Trong thời kỳ này, nồng độ nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ bắt đầu giảm sút do buồng trứng giảm sản xuất hormones sinh dục là estrogen và progesterone. Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn tắt dục. Nó thể hiện sự chuyển tiếp từ tình trạng có khả năng sinh sản sang không còn khả năng sinh sản. Thời kỳ tiền mãn kinh xảy ra từ giai đoạn trước mãn kinh và kéo dài tới khi đã mãn kinh.

Thời kỳ mãn kinh bắt đầu khi hiện tượng kinh nguyệt hàng tháng của phụ nữ không còn nữa. Kèm theo đó là một số thay đổi về tâm sinh lý của cơ thể. Thời kỳ này thường bắt đầu ở phụ nữ trong nhóm tuổi 45 – 55 tuổi.

2. Tiền mãn kinh có triệu chứng gì?

Những triệu chứng hay dấu hiệu tiền mãn kinh khác nhau ở mỗi phụ nữ, nhưng nói chung sẽ có các triệu chứng thường gặp sau:

  • Kinh nguyệt thất thường, xuất hiện những cơn bốc hỏa – cảm giác nóng bừng đột ngột trên mặt và lan khắp vùng ngực.
  • Đổ mồ hôi về đêm, hoa mắt chóng mặt, có cảm giác ngột ngạt, nhịp tim không đều.
  • Thiếu tập trung, dễ nhầm lẫn.
  • Tính khí thất thường và hay gắt gỏng.
  • Khô da, âm đạo khô rát, giảm ham muốn tình dục.
  • Có triệu chứng loãng xương và đau nhức xương khớp.
  • Có thể gặp phải các bệnh lý về tim mạch.

Có triệu chứng loãng xương và đau nhức xương khớp
Có triệu chứng loãng xương và đau nhức xương khớp

3. Thời kỳ tiền mãn kinh ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe phụ nữ?

Thực tế, các rối loạn trong thời kỳ tiền mãn kinh có thể tiếp tục kéo dài vài năm đầu sau khi phụ nữ đã mãn kinh, kèm theo đó là những thay đổi về tâm sinh lý. Sự thiếu hụt estrogen sau mãn kinh có thể gây ra các vấn đề sức khỏe ở phụ nữ như:

  • Da kém đàn hồi, tóc dễ gãy rụng, dần có tóc bạc.
  • Loãng xương, dễ gãy xương, hay bị đau nhức các khớp.
  • Có thể xuất hiện các vấn đề về tim mạch như xơ cứng thành mạch, tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim,...
  • Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ.
  • Cơ thể bị rối loạn chuyển hóa, dẫn tới các bệnh béo phì, đái tháo đường.
  • Niêm mạc âm đạo bị teo, khô, dễ trầy xước và chảy máu dẫn tới giảm ham muốn tình dục.
  • Sa sinh dục do cơ, dây chằng vùng chậu giảm tính đàn hồi.
  • Thiếu hụt estrogen dẫn đến dễ nhiễm khuẩn đường tiểu, xuất hiện chứng tiểu không kiểm soát ở phụ nữ mãn kinh.
  • Có nguy cơ mắc ung thư sinh dục như ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư tử cung.

4. Cách giữ gìn sức khỏe trong thời kỳ tiền mãn kinh


Bổ sung canxi cho cơ thể bằng các thực phẩm như sữa tươi, sữa chua, phô mai,...
Bổ sung canxi cho cơ thể bằng các thực phẩm như sữa tươi, sữa chua, phô mai,...

Thực tế, tiền mãn kinh và mãn kinh là hai giai đoạn xảy ra ở mọi phụ nữ. Tình trạng lão hóa xuất hiện ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh là sự thay đổi tự nhiên của cơ thể do suy giảm dần chức năng của các cơ quan, vì vậy việc điều trị tiền mãn kinh nên bắt đầu từ việc xây dựng lối sống khoa học, tươi vui, thoải mái, tránh lo âu phiền muộn, đặc biệt là giữ cho mình thái độ lạc quan, tinh thần tốt để bảo vệ sức khỏe của bản thân trong giai đoạn này.

Một số lời khuyên cho phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh:

  • Bổ sung canxi cho cơ thể bằng các thực phẩm như sữa tươi, sữa chua, phô mai,... để giúp xương khỏe mạnh hơn, ngăn ngừa nguy cơ loãng xương.
  • Ăn các chất béo có lợi như cá, dầu hạt lanh, dầu hướng dương,... để cân bằng hormone cơ thể, giảm sạm da, cải thiện tình trạng hay quên và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
  • Tăng cường các loại rau xanh và trái cây vào trong chế độ ăn hằng ngày để bổ sung chất xơ, vitamin C và carotene – các chất có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
  • Uống đủ nước mỗi ngày để làm ẩm da và hỗ trợ cơ thể đào thải độc tố hiệu quả hơn.
  • Hạn chế sử dụng rượu, cà phê, thuốc lá và nước uống có ga,... vì chúng gây ra nhiều vấn đề sức khỏe ở phụ nữ mãn kinh.
  • Tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày để cải thiện sức khỏe, tâm trạng, duy trì một vóc dáng đẹp và giảm đáng kể các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh.
  • Duy trì khám phụ khoa định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh phụ khoa, đặc biệt là các bệnh ung thư sinh dục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe