Thai ngoài tử cung: Chích methotrexate bao lâu thì thai ra?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng .

Quá trình thụ tinh xảy ra ở 1/3 ngoài vòi trứng, kết quả tạo thành hợp tử và hợp tử sẽ di chuyển vào làm tổ ở buồng tử cung. Tuy nhiên vì một số lí do nào đó hợp tử không vào được buồng tử cung mà lại nằm ở những vị trí khác ngoài tử cung, điều này được gọi là thai ngoài tử cung. Đây là một cấp cứu sản khoa, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng sản phụ. Một trong những phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến hiện nay là tiêm methotrexate để bỏ thai. Tuy nhiên, không ít thai phụ vẫn băn khoăn không biết chích methotrexate bao lâu thì thai ra?

1. Thai ngoài tử cung là gì?

Thai ngoài tử cung là hiện tượng sau khi thụ tinh, trứng không đến làm tổ được ở buồng tử cung mà phát triển ngoài tử cung, thường gặp là trong ống dẫn trứng với hơn 90%, các vị trí khác như cổ tử cung, buồng trứng, khoang bụng, vùng chậu, ... cũng có thể gặp phải. Khi không được phát triển đúng vị trí, thai sẽ thoái triển hoặc có thể lớn lên nhưng vỡ gây chảy máu ồ ạt. Nếu không được phát hiện sớm và chẩn đoán kịp thời, thai ngoài tử cung có thể gây ngất xỉu, sốc mất máu do thai vỡ.

Đối với trường hợp thai ngoài tử cung ở ống dẫn trứng, nếu không can thiệp kịp thời sẽ có thể phát diễn tiến theo các hướng sau:

  • Vỡ vòi trứng gây chảy máu ồ ạt: kích thước vòi trứng không đủ lớn để chứa phôi thai ngày càng to ra, do đó vòi trứng giãn ra đến khi vỡ gây chảy máu ồ ạt vào ổ bụng. Đây là một tình trạng cấp cứu sản khoa, có thể đe dọa tính mạng nếu không phẫu thuật kịp thời.
  • Thai ngừng phát triển: khi làm tổ ở vòi trứng, thai không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng qua nhau thai. Do đó, qua một thời gian thiếu hụt dưỡng chất thai sẽ tự ngừng phát triển. Tình trạng này tuy không nguy hiểm như vỡ vòi trứng nhưng sản phụ cần theo dõi tình hình sức khỏe kỹ càng cho đến khi thai có dấu hiệu ngừng phát triển hoàn toàn.
  • Thai qua vòi trứng vào ổ bụng: khi khối thai làm tổ ở vòi trứng rất dễ bị bong ra gây sẩy thai và chảy máu vào ổ bụng. Tương tự như vỡ vòi trứng, tình trạng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do chảy máu ồ ạt.

2. Nguyên nhân thai ngoài tử cung

Theo thống kê của các chuyên gia y tế, tỉ lệ thai ngoài tử cung chiếm 4 -5% trong tất cả các trường hợp có thai. Đây cũng là một trong các nguyên nhân chính gây tử vong mẹ trong kỳ tam cá nguyệt thứ nhất (khoảng 10%). Mang thai là một hành trình vất vả và khó khăn, không ít phụ nữ chuẩn bị mang thai có tâm lý lo lắng, bối rối khi đứng trước những nguy hiểm có thể gặp phải trong suốt quá trình mang thai. Do đó, nguyên nhân nào khiến cho một thai phụ có thể gặp phải tình trạng thai ngoài tử cung rất được các chị em quan tâm tìm hiểu.

Các nguyên nhân gây thai ngoài tử cung thường gặp phải:

  • Bất thường ở vòi trứng: có thể do nhiều nguyên nhân gây nên như hẹp vòi trứng sau tạo hình vòi trứng, nạo phá thai nhiều lần gây viêm, viêm vùng chậu, vòi trứng co thắt, hẹp vòi trứng do u, tiền căn thai ngoài tử cung, ...
  • Mang thai ngoài ý muốn khi đã đặt vòng tử cung, 5% gặp phải thai ngoài tử cung.
  • Phụ nữ mắc các bệnh lây qua đường tình dục (lậu, giang mai, sùi mào gà, ...) có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn.
  • Vô sinh
  • Nhiều bạn tình
  • Sử dụng các phương pháp bổ trợ sinh sản
  • Hút thuốc lá
  • Tuổi tác: phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ thai ngoài tử cung cao hơn.

3. Các phương pháp điều trị thai ngoài tử cung

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chọn lựa phương pháp phù hợp để điều trị thai ngoài tử cung. Có 2 phương pháp chính là dùng thuốc (chủ yếu là tiêm methotrexate để bỏ thai) và phẫu thuật cắt bỏ.

  • Phẫu thuật: phương pháp này bảo tồn tối đa các bộ phận để khôi phục khả năng sinh sản tự nhiên nhất, chỉ phần tổn thương không hồi phục được loại bỏ.
  • Dùng thuốc: tiêm methotrexate để bỏ thai (MTX) được chỉ định để bỏ thai trong trường hợp bệnh nhân có huyết động ổn, không có dấu hiệu chảy máu, khối thai bé hơn 3,5cm trên siêu âm, không có tim thai, nồng độ βhCG máu dưới 5000 – 10000 mIU/mL.

4. Phương pháp tiêm methotrexate để bỏ thai

Tiêm methotrexate để bỏ thai là một phương pháp điều trị nội khoa thường được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung. Cơ chế hoạt động của methotrexate là ngăn chặn sự phân chia tế bào và do đó làm chấm dứt thai kỳ. Ưu điểm của phương pháp này là có tỉ lệ thành công cao (90%), bảo tồn tối đa khả năng sinh sản, hạn chế phẫu thuật và các biến chứng, bệnh nhân có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, methotrexate cũng có một số nhược điểm là theo dõi dài từ 2 – 6 tuần, tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn và nôn mửa, chán ăn, rụng tóc, tiêu chảy, ..., cần theo dõi nồng độ βhCG.

Vậy khi chích methotrexate bao lâu thì thai ra? Sau khi tiêm methotrexate, khối thai sẽ ngưng phát triển và được cơ thể hấp thu trong vòng 4 – 6 tuần. Bệnh nhân sẽ được theo dõi nồng độ βhCG vào ngày thứ 4 và thứ 7 sau khi chích. Nếu nồng độ βhCG ở ngày thứ 7 giảm tối thiểu 15% so với ngày thứ 4 thì được xem là thành công.

Một số phản ứng không mong muốn có thể gặp phải trong quá trình tiêm methotrexate để bỏ thai như: mệt mỏi, ăn không ngon miệng, buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy, rụng tóc, ... Tuy nhiên, khi gặp phải các triệu chứng bất thường như đau bụng dữ dội, ra máu âm đạo nhiều, ngất xỉu, ... bạn phải ngay lập tức đến khám.

Rất nhiều bệnh nhân khi tiêm methotrexate để bỏ thai thường thắc mắc tiêm mtx ra máu bao lâu? Thông thường, khi tiêm methotrexate từ 1 – 3 ngày thì thai sẽ bong khỏi vị trí bám. Tình trạng này kéo dài từ 1 – 2 ngày. Cùng với đó là nồng độ βhCG trong máu tăng trong 4 ngày đầu tiên, kèm theo với xuất huyết âm đạo.

5. Khi tiêm methotrexate để bỏ thai cần lưu ý gì?

Trong thời gian tiêm methotrexate, bạn cần lưu ý tránh những điều sau:

  • Vận động mạnh
  • Quan hệ tình dục: ngừng quan hệ tình dục cho đến khi có kinh trở lại
  • Uống rượu: rượu làm tăng tác dụng không mong muốn của methotrexate
  • Sử dụng thực phẩm giàu acid folic như rau củ có màu xanh đậm, nước cam: do làm giảm hiệu quả của methotrexate.
  • Dùng thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen: những thuốc này có tương tác với methotrexate
  • Tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời: methotrexate làm tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời làm da bạn sạm đi.
  • Ngoài ra, bạn cần sử dụng biện pháp tránh thai trong vòng 3 – 6 tháng.

Như vậy, methotrexate là một phương pháp điều trị thai ngoài tử cung an toàn và hiệu quả. Bài viết trên đã cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quát về phương pháp này và giải đáp được những băn khoăn của nhiều sản phụ như chích methotrexate bao lâu thì thai ra hay tiêm mtx ra máu bao lâu?

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe