Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Bà bầu mang thai tuần thứ 17 bắt đầu cảm thấy cân nặng có sự biến đổi rõ rệt, cảm giác thèm ăn cũng tăng lên. Tuần thai thứ 17 là lúc thai phụ nên chú ý hơn về vấn đề tăng cân của mình.
1. Mang thai tuần 17 có gì đặc biệt?
Bà bầu tuần 17 đã tăng thêm từ 2 đến 4 kg so với lúc chưa mang thai. Cảm giác thèm ăn cũng tăng lên đáng kể. Lúc này, thai nhi 17 tuần tuổi đã tăng gấp đôi trọng lượng trong hai tuần qua. Lớp chất béo bắt đầu hình thành, giúp cơ thể bé sản sinh nhiệt và bắt đầu quá trình trao đổi chất. Phổi của bé bắt đầu thở ra nước ối, hệ thống tuần hoàn và tiết niệu đang hình thành và thực hiện những hoạt động đầu tiên. Ngoài ra, tóc, lông mày và lông mi của bé cũng đang xuất hiện dần.
Bà bầu mang thai tuần 17 nên thay đổi tư thế từ từ để tránh ngất xỉu đột ngột, đặc biệt là khi đang nằm hoặc ngồi chuyển sang đứng. Nếu có cảm giác lâng lâng, mất thăng bằng, thai phụ nên ngồi hoặc nằm xuống một lát để cân bằng lại tư thế.
Trắc nghiệm: Xét nghiệm Triple test là gì? Cần thực hiện khi nào?
Triple test và một trong những xét nghiệm sàng lọc trước sinh quan trọng nhất trong thai kỳ, giúp chẩn đoán nguy cơ dị tật thai nhi, là cơ sở để các bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm sàng lọc xâm lấn như chọc ối, sinh thiết gai nhau. Theo dõi bài viết sau để biết Triple test là gì và nên thực hiện khi nào?2. Cơ thể bà bầu tuần 17 thay đổi như thế nào?
Phụ nữ mang thai tuần thứ 17 có thể nhận thấy bộ ngực của mình bỗng nhiên phát triển quá cỡ so với lúc chưa có thai. Nguyên nhân của hiện tượng này là do hoạt động của nội tiết tố thai kỳ, kích thích ngực mẹ sản xuất sữa. Lượng máu đổ về ngực nhiều hơn, đồng thời các tuyến sữa cũng bắt đầu phát triển để chuẩn bị cho quá trình cho con bú thời gian tới. Điều này làm tăng kích thước ngực của mẹ, khiến các tĩnh mạch nổi rõ lên, thậm chí có thể nhìn thấy được. Trong trường hợp này, thai phụ nên lựa chọn loại áo ngực có kích cỡ phù hợp trong tuần thứ 17 của thai kỳ.
Cơ thể bà bầu tuần 17 có thể cảm thấy nóng bức và đổ nhiều mồ hôi. Nguyên nhân là do hormone thai kỳ làm tăng lưu lượng máu đến da. Hơn nữa, sự trao đổi chất khi mang thai tuần 17 cũng tăng mạnh, khiến cho mẹ luôn có cảm giác bịn rịn mồ hôi.
3. Những triệu chứng thường gặp ở bà bầu mang thai tuần 17
3.1. Tăng cảm giác thèm ăn
Bà bầu tuần 17 thường cảm thấy muốn ăn rất nhiều do khẩu vị thay đổi và cảm giác thèm ăn tăng lên. Đó là vì em bé trong bụng mẹ đang lớn dần, đòi hỏi cung cấp năng lượng và dinh dưỡng nhiều hơn. Mặc dù vậy, thai phụ vẫn cần kiểm soát cân nặng của mình, chỉ ăn khi thật sự cảm thấy đói. Cố gắng chọn các loại thực phẩm có thể đem lại cảm giác no lâu và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc (cung cấp nhiều chất xơ và protein).
3.2. Xuất hiện vết rạn da
Xuất hiện vết rạn trên da khi mang thai tuần thứ 17 rất có thể là do di truyền. Vì vậy, nếu thai phụ gặp phải một số vết rạn trên cơ thể, nhiều khả năng là di truyền từ người mẹ. Bụng phát triển quá to, tăng cân quá nhanh cũng là những nguyên nhân dẫn đến da bị rạn khi mang bầu. Do đó, sản phụ nên điều chỉnh tốc độ tăng cân ổn định hơn, điều này sẽ khiến các vết rạn trở nên nhỏ hơn, ít ảnh hưởng đến thẩm mỹ và mau hồi phục sau khi sinh con.
3.3. Thường xuyên bị nhức đầu
Thai phụ bị nhức đầu là do tác động của kích thích tố, tình trạng mệt mỏi, căng thẳng hoặc một số nguyên nhân khác liên quan đến tâm lý. Thông thường, triệu chứng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm khi dùng thuốc acetaminophen. Tuy nhiên, trước hết nên thăm khám và kiểm tra với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
3.4. Ngất xỉu hoặc chóng mặt
Bà bầu tuần 17 thường bị chóng mặt, thậm chí ngất xỉu do nhiều tác nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất có thể kể đến là mất nước. Mất nước khiến cho thai phụ cảm thấy choáng váng, chóng mặt. Vì vậy, trong thời kỳ mang thai, phụ nữ cần chú ý bổ sung đầy đủ nước cho cả mẹ và thai nhi (đặc biệt là những lúc sản phụ tập thể dục đổ nhiều mồ hôi).
3.5. Ợ nóng và khó tiêu
Phụ nữ mang thai tuần thứ 17 thường ăn rất nhiều, dẫn đến đôi lúc cảm thấy khó tiêu, ợ nóng. Để khắc phục, thai phụ cần tránh tư thế nằm sau khi ăn để giữ làm dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn.
3.6. Đau lưng
Sức nặng của bụng bầu khiến cho dáng đứng của bà bầu tuần 17 hơi nghiêng về phía trước, ảnh hưởng đến trọng tâm cơ thể, gây ra chứng đau lưng khi mang thai. Để giảm triệu chứng này, sản phụ nên có một chiếc ghế hỗ trợ tại nơi làm việc và một tấm nệm chắc chắn khi ngủ ở nhà. Nếu không, thai phụ có thể lấy một chiếc đệm đặt phía sau lưng ghế để khi dựa vào giúp cho tư thế thẳng. Kê thêm một tấm ván bên dưới nệm để chỗ nằm trở nên vững chắc hơn.
4. Lời khuyên cho bà bầu tuần 17
4.1. Chuẩn bị quần áo bầu
Mang thai tuần thứ 17 là khoảng thời gian hầu hết các bà bầu bắt đầu lựa chọn những bộ đồ kích thước lớn dành riêng cho phụ nữ mang thai. Bộ ngực phát triển lớn khiến cho thai phụ không còn mặc vừa những chiếc áo lót như trước khi có thai và phải chọn loại có kích cỡ lớn hơn
4.2. Giảm đau thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa (hay dây thần kinh hông to) là dây thần kinh dài nhất trong cơ thể, xuất phát từ phần dưới thắt lưng đến tận bàn chân và ngón chân. Bệnh đau thần kinh tọa đặc trưng bởi cảm giác đau ran và tê dọc theo đường đi của thần kinh tọa: Cơn đau bắt đầu tại cột sống thắt lưng, xuống tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, lan đến mắt cá ngoài và đến tận các ngón chân. Bà bầu mang thai tuần 17 khi bụng bắt đầu phát triển to là đối tượng hay bị đau dây thần kinh tọa. Để khắc phục tình trạng này, thai phụ có thể dùng một miếng đệm nóng hoặc kéo giãn lưng để giảm đau.
4.3. Lưu ý sự thay đổi trên răng
Đôi khi sản phụ có cảm giác răng bị lỏng lẻo. Trên thực tế, hormone thai kỳ có thể ảnh hưởng đến dây chằng và xương trong miệng, dẫn đến răng bị lung lay và thậm chí khiến chúng bị rơi ra khỏi nướu. Hiện tượng này sẽ chấm dứt sau khi sinh, nhưng nếu gây ra viêm nha chu, thai phụ nên tìm đến nha sĩ để được thăm khám và điều trị thích hợp.
4.4. Bổ sung canxi
Sữa và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi hoàn hảo cho bà bầu tuần 17. Tuy nhiên, nhiều thai phụ không thể uống được sữa trong khi mang thai. May mắn thay, các sản phẩm sữa không phải là nguồn bổ sung canxi duy nhất (mặc dù chúng được biết đến là nguồn cung cấp canxi nhiều nhất).Để bổ sung canxi, bà bầu có thể dùng nhiều loại thực phẩm khác, ví dụ như nước cam (hoặc các loại nước ép trái cây khác) cũng là nguồn thực phẩm giàu canxi không thua kém gì sữa. Nếu không thể uống được nước trái cây, thai phụ có thể chuyển sang các loại rau lá xanh, hạt vừng, hạnh nhân, các sản phẩm từ đậu nành có bổ sung canxi (ví dụ như đậu phụ). Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một sản phẩm nào đó giúp bà bầu bổ sung thêm nhu cầu canxi cho cơ thể.
4.5. Giải quyết triệu chứng rối loạn tiêu hóa
Chứng ợ nóng, khó tiêu thường tồn tại trong suốt thai kỳ của bà bầu. Để khắc phục tình trạng này, thai phụ nên ăn chậm, nhai kỹ, chia làm nhiều bữa ăn nhỏ, tránh ăn quá no và không nằm ngay sau khi ăn. Khi ngủ, nên kê cao phần đầu. Tránh ăn các loại thực phẩm khó tiêu, ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa.
4.6. Kiểm soát cơn đau lưng
Đau lưng thường xuyên khiến cho nhiều bà bầu tuần 17 cảm thấy khá bất tiện. Các bài tập thể dục, yoga giúp kéo giãn và nới lỏng cột sống, giúp giảm đau lưng hiệu quả. Ngoài ra, vận động cơ thể còn có tác dụng giải phóng năng lượng và kiểm soát cân nặng, giúp đối phó tốt hơn với những cơn đau lưng khi mang thai.
Đối với bà bầu mang thai tuần thứ 17, các xương, cơ và khớp đã bắt đầu thay đổi để thích hợp với cơ thể đang to dần lên của mẹ. Các triệu chứng khó chịu trong giai đoạn đầu thai kỳ cũng giảm nhẹ dần.
Nhìn chung ở giai đoạn bầu 17 tuần, cơ thể người mẹ và bào thai đã có sự phát triển đáng kể. Do đó, thời điểm này mẹ nên chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ và thực hiện việc thăm khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Một vài loại xét nghiệm mẹ nên thực hiện trong tuần thai này như: Kiểm tra dị tật bẩm sinh hội chứng Down hoặc tật nứt đốt sống ở thai nhi, theo dõi nhịp tim của em bé, kiểm tra dây rốn và lượng nước ối, đo kích thước tử cung, kiểm tra cơ thể em bé.... Với mong muốn mang đến cho các mẹ bầu một thai kỳ khỏe mạnh, được phát triển toàn diện, hiện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có phát triển thai sản trọn gói được thực hiện bởi các bác sĩ, chuyên gia, đội ngũ nhân viên Sản khoa giàu kinh nghiệm. Do đó, mẹ hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng dịch vụ tại Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com; whattoexpect.com