Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ khoa Sản phụ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Đau ruột thừa là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm của tình trạng viêm ruột thừa hay các khối u ruột thừa. Đau ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành thậm chí là ở phụ nữ đang mang thai.
1. Đau ruột thừa ở phụ nữ đang mang thai
Ruột thừa là đoạn đầu của ruột già, là bộ phận nhỏ nằm ở khu vực hố chậu phải của ổ bụng. Khi ruột thừa bị tắc nghẽn bởi các chất thải lâu ngày tích tụ gây nên tình trạng viêm nhiễm mà dẫn tới đau ruột thừa.
Đau ruột thừa là một trong những tình trạng phổ biến trên lâm sàng, đây là một trong những dấu hiệu gợi ý cho tình trạng cấp tính của ruột thừa.
Đau ruột thừa thường xảy ra ở bệnh lý viêm ruột thừa hay các trường hợp có khối u ruột thừa.
Biểu hiện của cơn đau ruột thừa:
- Vị trí: Đau ruột thừa thường xuất hiện ở hố chậu phải, có thể khởi phát bằng biểu hiện đau toàn bộ ổ bụng sau đó mới khu trú về vùng hố chậu phải, một số trường hợp bị đau ở dưới rốn, đôi khi có trường hợp đặc biệt trong những ngày đầu của bệnh, bệnh nhân bị đau ở vùng hố chậu trái nên dễ nhầm với các bệnh lý của đại tràng.
- Tính chất đau: Đau ruột thừa thường xuất hiện một cách đột ngột, đau dữ dội, đa phần bệnh nhân đau tăng theo thời gian trong khoảng từ 6-24 tiếng. Ở những trường hợp nhẹ, đau ruột thừa xảy ra một cách âm ỉ, diễn ra trong một thời gian dài.
- Triệu chứng kèm theo: Đi kèm theo biểu hiện đau ruột thừa thường là một số triệu chứng của rối loạn tiêu hóa như nôn, buồn nôn, tiêu chảy, ăn uống kém, người mệt mỏi xanh xao, đôi khi có thể bị đau bàng quang hay đường niệu có vấn đề.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
Ở phụ nữ mang thai, ngoài việc khó khăn trong việc sinh hoạt khi thai lớn dần, người mẹ còn phải chịu đựng rất nhiều những cảm giác khác trong sự thay đổi của cơ thể do thai nhi gây ra như đau mỏi lưng, nôn ói liên tục do nghén thai kỳ, ăn uống kém, đau tức bụng, sốt, tiêu chảy, khó chịu căng tức vùng bàng quang... Do đó, đau ruột thừa ở những người mang thai thường khó nhận biết và dễ bị chẩn đoán nhầm với các vấn khác của thai kỳ dẫn tới việc chẩn đoán muộn và điều trị chậm trễ.Phụ nữ mang thai, đặc biệt là khi thai từ 33 tuần tuổi trở đi, thai càng lớn nhanh về kích thích và trọng lượng khiến ổ bụng hẹp dần lại, ruột thừa và manh tràng bị đẩy lên cao, ép ra ngoài thành bụng nên các triệu chứng trở nên phức tạp hơn càng gây khó khăn cho việc chẩn đoán tình trạng đau ruột thừa. Lúc này, để chẩn đoán chính xác cần phải dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng như công thức máu, chụp cộng hưởng từ...
2. Những điều cần biết về việc mổ ruột thừa khi đang mang thai
Trên lâm sàng, để điều trị viêm ruột thừa ở phụ nữ mang thai có 2 phương pháp: Điều trị dùng thuốc và phẫu thuật. Phương pháp điều trị dùng thuốc kháng sinh chỉ áp dụng cho những trường hợp bị viêm nhẹ và chưa ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ, chưa có biểu hiện của biến chứng do viêm ruột thừa.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều trường hợp viêm ruột thừa điều trị không đáp ứng với thuốc kháng sinh, hoặc các trường hợp viêm nặng có nguy cơ biến chứng vỡ ruột thừa gây tràn máu tràn dịch ổ bụng, điều này sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi có thể dẫn tới nhiễm trùng ối, dính ruột, thai sinh non, sảy thai... Lúc này, chỉ định mổ cắt ruột thừa là bắt buộc ngay cả khi bệnh nhân đang có thai.
Tùy theo tình trạng mức độ viêm, tuổi thai và sức khỏe của hai mẹ con để bác sĩ có thể đưa ra chỉ định mổ nội soi hay mổ mở. Trường hợp mổ nội soi, kỹ thuật mổ sẽ ít gây ảnh hưởng đến thai nhi, sau mổ cần theo dõi các biến chứng vì biến chứng có thể xảy ra trong 3 ngày đầu sau phẫu thuật. Đối với những trường hợp mổ mở các bác sĩ cần phải rất thận trọng trước, trong và sau mổ để không ảnh hưởng đến thai kỳ.
Lưu ý theo dõi sau phẫu thuật mổ ruột thừa:
- Theo dõi biến chứng cũng như tiến triển của bệnh nhân đặc biệt là trong 3 ngày đầu sau phẫu thuật.
- Nếu thai kỳ trên 24 tuần, đặc biệt lưu ý đến các phản ứng của thai nhi với phẫu thuật. Lâm sàng cho thấy có 80% bệnh nhân phẫu thuật sẽ gặp các cơn co tử cung và có khoảng 5-14% bệnh nhân viêm ruột thừa sẽ sinh non. Do đó, sau phẫu thuật, thai phụ nên có chế độ chăm sóc theo dõi phù hợp, tuân thủ theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ điều trị để tránh ảnh hưởng đến thai kỳ cũng như sức khỏe của cả hai mẹ con.
- Sau phẫu thuật cắt ruột thừa, vết mổ ruột thừa không liên quan đến việc sản phụ sinh mổ hay sinh thường.
Đau ruột thừa là một trong những tình trạng được xếp vào các trường hợp cấp cứu ngoại khoa, tiềm ẩn nguy cơ bệnh lý cấp tính của ruột thừa, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Ở phụ nữ mang thai, việc chẩn đoán viêm ruột thừa đôi khi rất khó khăn và dễ bị nhầm lẫn với các hiện tượng khác của quá trình thai kỳ. Do đó, các mẹ khi mang thai nếu có biểu hiện đau bụng bất thường đặc biệt đau ở vùng hố chậu phải kèm theo sốt, nôn ói...không nên tự ý dùng thuốc, hãy đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh ảnh hưởng đến thai kỳ và sức khỏe của cả người mẹ với thai nhi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.