Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hồng Liên - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Nước ối là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự phát triển và sinh tồn của thai nhi trong bụng mẹ. Trường hợp ít ối hoặc quá nhiều ối đều tiềm ẩn các nguy cơ xấu với thai nhi. Vậy nước ối trung bình là bao nhiêu?
1. Nước ối là gì?
Nước ối là một chất dịch loãng màu vàng nhạt bao quanh thai nhi, là yếu tố quan trọng cho thai nhi phát triển an toàn trong suốt thai kỳ. Nước ối sẽ giúp thai nhi cử động tự do trong bụng mẹ, cho phép bé phát triển toàn diện theo đúng chuẩn cơ thể người.
Nhờ có dịch lỏng này mà phổi của bé mới phát triển và thân nhiệt của bé luôn ổn định. Nước ối cũng giúp bé được an toàn trước các tác động từ bên ngoài bụng mẹ.
Nước ối ở mỗi mẹ bầu sẽ khác nhau và tăng giảm khác nhau ở từng thời kỳ thai kỳ. Thông thường khi thai nhi được 37 tuần tuổi, nước ối đạt cao xấp xỉ 1000 ml. Nhiều trường hợp mẹ bầu có quá ít nước ối hoặc quá nhiều nước ối (thiếu ối hoặc đa ối). Cả 2 tình trạng này đều tiềm ẩn các nguy cơ xấu với thai nhi.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Chỉ số nước ối bình thường là bao nhiêu?
Chỉ số nước ối (ký hiệu là AFI) là thông số về lượng nước ối trong bụng mẹ bầu ở từng thời kỳ mang thai. Dựa vào chỉ số nước ối này bác sĩ sẽ cho các mẹ biết được tình trạng nước ối của thai nhi có bình thường hay không, có bị thiếu hay đa ối hay không.
Thông thường chỉ số nước ối theo tuần của thai nhi sẽ như sau:
- 20 tuần tuổi, lượng nước ối khoảng 350ml.
- 25 - 26 tuần tuổi lượng nước ối là 670ml.
- 32 - 36 tuần nước ối ở thai nhi là khoảng 800 ml hoặc cao hơn.
- Từ tuần 40 - 42 nước ối sẽ giảm xuống còn khoảng từ 540 - 600 ml. Đây là thời gian sắp sinh, theo dõi nước ối thời gian này cực kỳ quan trọng giúp chẩn đoán sức khỏe của thai nhi.
Dựa theo bảng chỉ số của nước ối thai nhi dưới đây, các mẹ bầu có thể biết được bé con của mình đang có mức nước ối bình thường hay không. Nước ối ở mức độ nào thì cần lưu ý đặc biệt.
3. Làm gì khi bị thiếu ối hoặc đa ối?
Với bảng chỉ số trên, chắc hẳn các mẹ bầu đã biết được nước ối thai nhi thế nào là bình thường và những nguy hiểm tiềm ẩn khi có sự bất thường về nước ối. Vậy phải làm gì khi thiếu nước ối hay đa ối?
Với những mẹ bầu bị thiếu nước ối, các mẹ cần duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Kết hợp nghỉ ngơi thoải mái và tránh làm việc nặng nhọc. Mẹ bầu cần bổ sung nhiều nước và ăn nhiều trái cây để hạn chế nguy cơ bị thiếu nước ối khi mang thai. Bổ sung nước ối bằng cách uống nước dừa được các mẹ áp dụng phổ biến, vừa giúp nước ối trong hơn.
Trường hợp đa ối nhẹ thì không cần can thiệp mà chỉ cần chờ thai nhi đủ tháng nếu không có chỉ định khác nào từ bác sĩ. Trường hợp đa ối cấp thường sẽ chọc ối để làm giảm triệu chứng về hô hấp cho mẹ bầu. Đây là biện pháp có tính chất tạm thời. Nếu thai nhi có dị dạng cấu trúc hoặc bất thường nhiễm sắc thể các bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp để lựa chọn, trong đó có cả việc chấm dứt thai kỳ.
Thiếu ối hay đa ối đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thai nhi và mẹ bầu. Do vậy việc khám thai nhi định kỳ là vô cùng quan trọng trong suốt hành trình mang thai các mẹ nhé. Việc thăm khám thường xuyên và có sự tư vấn, chẩn đoán chính xác từ bác sĩ sẽ là giúp phát hiện những kịp thời các dấu hiệu bất thường ở thai nhi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.