Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Mãn kinh là một tiến trình tự nhiên của quá trình lão hóa. Bước vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ phải đối mặt với sự thay đổi tâm lý và nguy cơ mắc nhiều bệnh tật. Lão hóa và trầm cảm là những vấn thường gặp, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống phụ nữ mãn kinh.
1. Số lượng phụ nữ mãn kinh ngày càng gia tăng
Mãn kinh là tình trạng không còn hành kinh vĩnh viễn và không còn khả năng sinh sản tự nhiên, đây là hiện tượng sinh lý bình thường do sự thoái hóa buồng trứng và suy giảm nội tiết tố nữ. Mãn kinh được xác định khi người phụ nữ không hành kinh 12 tháng liên tiếp. Cách đây 50 năm, tuổi thọ trung bình của phụ nữ, kể cả ở những nước đang phát triển chỉ khoảng 50 tuổi. Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, tuổi thọ con người ngày càng tăng và số phụ nữ mãn kinh cũng tăng theo. Năm 1990, trên thế giới ước tính có khoảng 467 triệu phụ nữ mãn kinh. Dự đoán đến năm 2030, số phụ nữ mãn kinh trên toàn thế giới sẽ tăng lên 12 triệu người. Trong những năm 1990, thế giới có gần 25 triệu phụ nữ bước vào mãn kinh mỗi năm nhưng con số này dự tính sẽ tăng lên 47 triệu người vào những năm 2020.
Tuổi mãn kinh tự nhiên trung bình khoảng 45-55 tuổi, mãn kinh trước 40 tuổi được xem là mãn kinh sớm, sau 55 tuổi là mãn kinh muộn. Ở những nước có nền kinh tế phát triển, tuổi mãn kinh tự nhiên trung bình khoảng 51, trong khi đó ở những nước đang phát triển, tuổi mãn kinh tự nhiên trung bình khoảng 48 tuổi. Tại Việt Nam, tuổi mãn kinh trung bình là 48,7 tuổi, xê dịch từ 47-52 tuổi.
Bước vào tuổi mãn kinh, người phụ nữ sẽ đối diện với sự thay đổi tâm sinh lý và nguy cơ cơ cao mắc bệnh tật do sự thiếu hụt estrogen, tác động của tuổi tác, môi trường sống,...Lão hóa và trầm cảm là các vấn đề thường gặp, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống phụ nữ mãn kinh. Theo Tổng cục thống kê năm 2010, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam là 72,4 tuổi. Như vậy sau mãn kinh, phụ nữ sẽ sống thêm khoảng 25 năm nữa. Do đó, những thay đổi cơ thể phụ nữ trong thời kỳ này như lão hóa, trầm cảm nhận cần nhận được sự quan tâm hơn từ cộng đồng, những hiểu biết về vấn đề này sẽ giúp phụ nữ mãn kinh có sự điều chỉnh lối sống, sinh hoạt để giảm những tác động của mãn kinh đối với cuộc sống, những thành viên trong gia đình khi hiểu rõ những sự thay đổi tâm sinh lý của mẹ, vợ sẽ có sự cảm thông và hỗ trợ tốt hơn.
2. Lão hóa ở phụ nữ mãn kinh
Ở thời kỳ mãn kinh, các tế bào lão hóa nhanh hơn. Với sự suy giảm các nội tiết tố và giảm chức năng các cơ quan trong cơ thể, các dấu hiệu lão hóa ở phụ nữ mãn kinh thường gặp là:
- Vẻ bề ngoài xuống cấp: Làn da khô, nếp nhăn xuất hiện, chảy xệ, các vết nám, đồi mồi xuất hiện và phát triển nhanh.
- Xuất hiện các triệu chứng của rối loạn vận mạch như bốc hỏa và vã mồ hôi đêm. Bốc hỏa là những cơn nóng bừng kèm theo vã mồ hôi, nóng toàn thân, hồi hộp, lo lắng, đôi khi kèm theo ớn lạnh. Cơn bốc hỏa kéo dài trung bình 3-4 phút. Vã mồ hôi đêm là cơn bốc hỏa xảy ra vào ban đêm và thường can thiệp vào giấc ngủ.
- Suy giảm sinh lý: các cơ quan sinh dục nữ như âm hộ, âm đạo, tử cung, buồng trứng đều thoái hóa. Âm đạo giảm tiết dịch nhờn, dễ bị viêm nhiễm, sinh hoạt sinh dục gây đau do khô rát, từ đó giảm ham muốn, sợ sinh hoạt tình dục.
- Nội tiết tố estrogen có vai trò quan trọng trong duy trì biểu mô của bàng quang và niệu đạo. Suy giảm estrogen thời kỳ mãn kinh gây những biến đổi ở các cơ quan này, phụ nữ có thể gặp các triệu chứng đường tiết niệu như tiểu gấp, tiểu khó, tiểu nhiều lần, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát,...
- Mật độ xương giảm, tăng tiêu xương, kém hấp thu canxi làm tăng nguy cơ loãng xương, xương dễ gãy do sang chấn.
- Các bệnh lý tim mạch tăng 2-4 lần ở phụ nữ mãn kinh, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ có kinh. Trước tuổi 40, nam giới có nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2 lần phụ nữ do nữ giới có nồng độ estrogen cao bảo vệ. Estrogen giúp duy trì nồng độ HDL cao và LDL thấp do đó giúp bảo vệ phụ nữ khỏi các biểu hiện sớm của bệnh tim mạch. Sự thiếu hụt estrogen trong thời mãn kinh làm cho tỷ lệ các cholesterol biến đổi theo chiều ngược lại, tạo điều kiện cho sự hình thành các xơ vữa động mạch.
Thêm vào đó, khi phụ nữ bước vào tuổi trung niên, các cơ quan tiêu hóa giảm bài tiết dịch vị và các men tiêu hóa. Sự suy giảm này dẫn đến biếng ăn và kém hấp thu. Nguồn dinh dưỡng, năng lượng cung cấp cho cơ thể bị suy giảm, chức năng của các bộ phận trong cơ thể bị tác động, suy yếu, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, mãn tính gia tăng, quá trình lão hóa càng được thúc đẩy tăng nhanh.
>>> Xem thêm: Uống collagen có tác dụng gì cho da?
3. Trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh
Những rối loạn tâm lý thời kỳ mãn kinh có thể gặp là mất ngủ, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt, lo lắng, trầm cảm. Các biến đổi tâm lý thể hiện ở các mức độ khác nhau tùy theo từng người. Các rối loạn dạng trầm cảm chiếm khoảng 20% các phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh. Những người có tiền sử tâm lý không ổn định trước mãn kinh thì sau mãn kinh có nguy cơ trầm cảm cao hơn.
Trầm cảm là bệnh liên quan đến khí sắc, hành vi, tư duy, tình cảm của bệnh nhân. Bệnh ảnh hưởng đến cách ăn, ngủ, sinh hoạt, cũng như cách suy nghĩ, nhìn nhận của người bệnh về mọi vật xung quanh. Bệnh có thể biểu hiện như tâm trạng chán nản trong hầu hết các ngày, có thể kéo dài 2 tuần hoặc lâu hơn, không còn quan tâm, thích thú trước các hoạt động từng yêu thích.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2006 tại đại học Harvard trên 460 phụ nữ quanh độ tuổi mãn kinh từ 36-45 tuổi, không có chẩn đoán trầm cảm trước đó. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ đi vào mãn kinh tăng gấp hai lần so với những phụ nữ vẫn còn kinh nguyệt. Trầm cảm có liên quan đặc biệt đến các triệu chứng rối loạn vận mạch như bốc hỏa, vã mồ hôi đêm. Toát mồ hôi gây khó ngủ vào ban đêm, ban ngày phụ nữ sẽ mệt mỏi, bực dọc và đưa đến các triệu chứng trầm cảm. Một nghiên cứu được thực hiện tại Đài Loan năm 2005 cho thấy, 42.1% phụ nữ mãn kinh có rối loạn giấc ngủ và trầm cảm có liên quan mật thiết đến rối loạn giấc ngủ.
Một nghiên cứu khác được thực hiện tại bệnh viện Từ Dũ cho thấy mối liên quan giữa tỷ lệ trầm cảm và một số yếu tố khác như sau:
- Phụ nữ quanh mãn kinh có sang chấn tâm lý liên quan đến bệnh tật có nguy cơ trầm cảm cao gấp 1.65 lần so với người khác.
- Phụ nữ quanh tuổi mãn kinh có sang chấn tâm lý liên quan đến công việc, nguy cơ trầm cảm cao 4.51 lần so với người khác.
- Phụ nữ quanh mãn kinh không có con có nguy cơ trầm cảm cao gấp 2.75 lần so với phụ nữ có con.
- Phụ nữ quanh mãn kinh có sang chấn tâm lý liên quan hạnh phúc gia đình có nguy cơ trầm cảm cao gấp 3.74 lần so với người khác.
Lão hóa và trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng cuộc sống. Mãn kinh là một quá trình tự nhiên, không thể đảo ngược, do đó điều chỉnh lối sống, sinh hoạt để phù hợp với sự thay đổi của cơ thể là vô cùng cần thiết. Giấc ngủ là một phần rất quan trọng, ngủ giúp điều hòa khí huyết, phục hồi sức khỏe. Xây dựng một thói quen ngủ-thức dậy đúng giờ từ khi còn trẻ sẽ giúp đồng hồ sinh học của não bộ hoạt động hiệu quả khi về già. Chế độ ăn uống khoa học, giảm muối và chất béo, ăn nhiều trái cây, rau xanh, không ăn quá nhiều và no trước khi đi ngủ. Hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, cafe, thuốc lá,... Luyện tập thể dục thường xuyên sẽ giúp máu lưu thông, tăng cường hoạt động các hệ cơ quan, tinh thần thoải mái.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói khám và tư vấn sức khỏe tuổi tiền mãn kinh. Khi đăng ký gói khám, khách hàng sẽ được khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Phụ khoa; Thực hiện các xét nghiệm đánh giá tình trạng nội tiết tố như:
- Khám chuyên khoa Phụ khoa
- Khám phụ khoa, khám vú
- Siêu âm tử cung, buồng trứng qua đường bụng
- Lấy bệnh phẩm làm phiên đồ tế bào cổ tử cung – âm đạo
- Chụp Xquang tuyến vú (2 bên)
- Đo độ loãng xương
- Thực hiện các xét nghiệm khác để phát hiện các bệnh lý tiền mãn kinh nếu có.
Bác sĩ Phạm Thị Yến đã có 11 năm kinh nghiệm khám và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa. Bác sĩ với thế mạnh và hiểu biết sâu sắc trong:
- Khám, tư vấn các thai thường, thai bệnh lý, thai nguy cơ cao
- Khám và điều trị các bệnh lí phụ khoa: viêm cổ tử cung, lộ tuyến cổ tử cung
- Phẫu thuật nội soi các bệnh lý phụ khoa : thai ngoài tử cung, khối u tử cung , khối u buồng trứng
- Phẫu thuật khối u vú, khối u âm hộ , âm đạo, cổ tử cung
- Phẫu thuật sản khoa : phẫu thuật lấy thai, khám
- Điều trị các rối loạn nội tiết phụ nữ ở các lứa tuổi: dậy thì, tuổi sinh sản; tuổi tiền mãn kinh.
Video đề xuất:
Giới thiệu Hệ thống Y tế Vinmec
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.